Cổ phiếu thép "vàng thau lẫn lộn", tài sản tỷ phú Trần Đình Long và Lê Phước Vũ cùng bốc hơi

Quốc Hải Thứ sáu, ngày 01/02/2019 13:19 PM (GMT+7)
Mặc dù lợi nhuận tăng cao nhất trong lịch sử của Hoà Phát, cổ phiếu HPG của tỷ phú Trần Đình Long cùng chịu chung số phận với các cổ phiếu ngành thép khi liên tiếp 4 phiên đỏ sàn. Khép lại năm 2018, cổ phiếu ngành thép "vàng thau lẫn lộn", khiến cho tỷ phú Trần Đình Long cùng chịu chung số phận tài sản bốc hơi như đại gia Lê Phước Vũ.
Bình luận 0

img

Năm 2018 là một năm buồn của cổ phiếu ngành Thép (Ảnh: IT)

Mở phiên giao dịch hôm nay 1.2.2019 - phiên giao dịch cuối cùng của năm Mậu Tuất, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát tiếp tục phiên giao dịch thứ 4 liên tiếp “đỏ sàn”, giá trị cổ phiếu chỉ còn 27.200 đồng/CP.

“Ông lớn” ngành thép cũng lao đao

Nhìn một cách khách quan, đà giảm 4 phiên liên tiếp của cổ phiếu HPG có thể đến từ nguyên nhân lợi nhuận quý 4.2018 của tập đoàn này sụt giảm.

Cụ thể, trong quý 4.2018, HPG của tỷ phú Trần Đình Long đạt khoảng 14.500 tỷ đồng doanh thu và 1.760 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm khoảng 27% so với mức gần lợi nhuận 2.400 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ quý 3.2017, lợi nhuận của Hòa Phát rơi xuống dưới ngưỡng 2.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, lũy kế cả năm 2018, Tập đoàn Hòa Phát lại đạt tới 56.500 tỷ đồng doanh thu, tăng 21% so với 2017. Lợi nhuận sau thuế đạt mức cao nhất trong lịch sử với con số 8.600 tỷ đồng, cùng vượt 7% so với kế hoạch và tăng 7% so với năm trước.

Dẫu vậy, không chỉ cổ phiếu HPG giảm giá mạnh 4 phiên liên tiếp, từ mức giá 29.750 đồng/CP về mức 27.200 đồng/CP (phiên sáng 1.2.2019), mà bên cạnh đó, khối ngoại cũng bán mạnh cổ phiếu HPG trong 2 phiên liên tiếp gần đây. Cụ thể, trong phiên ngày 30.1, khối ngoại bán ròng đạt 42,6 tỷ đồng và phiên 31.1, khối ngoại tiếp tục bán ròng đạt 57,3 tỷ đồng.

Nói về nguyên nhân cổ phiếu HPG của tỷ phú Trần Đình Long giảm mạnh 4 phiên liên tiếp và khối ngoại đang bán ròng mạnh, ông Trần Bá Duy, chuyên viên phân tích chứng khoán của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank Securities-VPBS), cho rằng: “Có 2 nguyên nhân, thứ nhất là năm 2018 dù Hòa Phát tăng trưởng nhưng tốc độ tăng trưởng này không theo kịp tốc độ tăng vốn; thứ 2 nữa là khi sắp tới nhà máy thép Dung Quất đi vào hoạt động thì khấu hao sẽ rất lớn nhưng ngành thép đã bão hòa, tăng trưởng không còn tốt nữa mà Hòa Phát đưa nhà máy vào hoạt động thì chi phí khấu hao lớn sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận, có thể nhà đầu tư thấy trước điểm này nên bán mạnh cổ phiếu HPG”.

Cũng theo ông Duy, hai nguyên nhân trên là nguyên nhân về ngành, còn bản chất của khối ngoại bán ròng mạnh thì còn phải tìm hiểu thêm xem có nguyên nhân nào khác không, có thể là họ muốn cơ cấu lại danh mục, không muốn đầu tư vào Hòa Phát nữa và đầu tư vào mã khác để làm giảm ảnh hưởng của cổ phiếu Hòa Phát vào danh mục đầu tư…

Trong khi đó, đánh giá về cổ phiếu HPG của tỷ phú Trần Đình Long, báo cáo mới nhất của SSI lại nhận định, ở mức giá hiện tại, HPG đang giao dịch ở mức PE 2018 và 2019 lần lượt là 7,4x và 6,7x. Trong những quý tới, ông cho rằng tỷ suất lợi nhuận của công ty có thể biến động trước khi lò cao Dung Quất đi vào hoạt động và chạy hết công suất, công ty có thể phải mua phôi thép đầu vào từ các nhà sản xuất khác với giá cao hơn. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng định giá đã ở mức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư dài hạn.

Đua nhau báo lỗ

Không chỉ có “ông lớn” Hòa Phát, năm 2018 cũng là năm buồn của cổ phiếu HSG (Hoa Sen Group). Cụ thể, cổ phiếu HSG liên tục giảm điểm khi “bốc hơi” mất hơn 80% so với đỉnh (26.000 đồng/CP), về mức hơn 6.000 đồng/CP, đây cũng là mức đáy 5 năm trở lại đây của đơn vị này.

Nguyên nhân HSG của ông Lê Phước Vũ giảm điểm mạnh đến từ việc thị trường thép diễn biến thất thường đẩy chi phí giá vốn tăng cao, khiến HSG sụt giảm mạnh lợi nhuận. Chưa hết, dư nợ vay cao ngất ngưỡng chiếm gần 70% vốn với hơn 14.000 tỷ (tính tới cuối niên độ 1.7.2017 – 30.9.2018), cùng gánh nặng hàng tồn kho cũng là yếu tố bào mòn lợi nhuận của Tập đoàn. Kết quả, HSG của ông Lê Phước Vũ chỉ ghi nhận khoản lợi nhuận 410 tỷ đồng trong năm 2018, giảm 69% so với năm trước đó và là mức thấp nhất trong 4 năm qua. Riêng trong quý 4, HSG ghi nhận khoản lỗ hơn 100 tỷ.

Một loạt các DN ngành thép khác cũng chứng kiến sự suy giảm mạnh về lợi nhuận trong năm 2018, trong đó đáng chú ý là Thép Việt Ý.

Cụ thể, trong quý 4.2018, Thép Việt Ý (VIS) đã bất ngờ báo lỗ lên đến 195 tỷ đồng và đây cũng là quý lỗ thứ 3 liên tiếp của VIS. Lũy kế cả năm 2018, VIS lỗ tới 326 tỷ đồng, trong khi năm 2017 vẫn lãi gần 43,5 tỷ đồng.

Một DN thép niêm yết khác là Thép Dana - Ý (DNY) cũng báo lỗ nặng. Cụ thể, do bị dừng hoạt động sản xuất trong quý 4.2018 nên DN này đã báo lỗ hơn 61 tỷ đồng. Lũy kế cả năm DN này báo lỗ 68,3 tỷ đồng. Đây cũng là nguyên nhân khiến HNX đã có quyết định đưa cổ phiếu DNY vào diện bị cảnh báo do DNY bị tạm ngừng các hoạt động sản xuất kinh doanh chính từ 3 tháng trở lên thuộc trường hợp bị cảnh báo theo quy định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem