Cổ phiếu thủy sản Hùng Vương có thành... “cổ phiếu trà đá”?

Quốc Hải Thứ sáu, ngày 11/08/2017 13:22 PM (GMT+7)
Những khó khăn dồn dập thời gian qua khiến cổ phiếu của “vua cá tra” Hùng Vương (Công ty CP Hùng Vương, mã HVG) chỉ xoay quanh vùng giá 6.000 đồng/CP. Những hướng đi, chiến lược M&A của “vua cá tra” Dương Ngọc Minh đang khiến nhiều nhà đầu tư nghi ngờ, thậm chí thất vọng...
Bình luận 0

Mới đây nhất, Cơ quan Thanh tra An toàn Thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ vừa chính thức áp dụng chương trình giám sát cá da trơn vào Mỹ từ ngày 2.8, đã khiến không ít nhà đầu tư lo ngại: Liệu HVG có giữ vững được “miếng bánh”, khi trung bình hàng tháng, công ty đang xuất khẩu hơn 250 container cá với giá trị xuất khẩu 14 triệu/tháng vào thị trường Mỹ.

img

M&A "hoành tráng" và khoản nợ khủng... 

Vốn được xem là "Vua cá tra" tại Việt Nam, sau hàng loạt thương vụ M&A hoành tráng, Hùng Vương gần như đã hoàn thành chuỗi khép kín từ con giống; thức ăn, vùng nuôi riêng, nhà máy chế biến và hệ thống kho lạnh… Cổ phiếu HVG thời điểm đó cũng được giới đầu tư săn lùng và giá trị thị trường của cổ phiếu HVG có khi tăng lên vùng giá 50.000 đồng/CP.

Không thể phủ nhận, những thương vụ M&A này đã giúp HVG “phình to” ra về quy mô, nhưng cũng tiềm ẩn không ít khó khăn khi tỷ lệ vay nợ ngày càng tăng lên, chi phí tài chính tăng cao cùng với những bất lợi về tỷ giá, thị trường... khiến HVG từ “đỉnh điểm” năm 2011 với lợi nhuận trước thuế đạt hơn 540 tỷ đồng, dần trở nên kém thế so với các đối thủ cùng ngành. Đà “tụt dần đều” về kết quả kinh doanh từ năm 2012 trở đi khiến cổ phiếu HVG trở về quanh mức mệnh giá (10.000 đồng/CP) và một thời gian dài tụt hẳn xuống dưới mệnh giá.

Thị trường xuất khẩu cá tra trong năm 2016 cũng gặp nhiều khó khăn, trong đó ngoài việc thị trường châu Âu sụt giảm sản lượng nhập khẩu, thì với thị trường Mỹ mặc dù vẫn tăng trưởng nhưng liên tục bị áp các loại thuế chống bán phá giá và các luật mới của Mỹ. Những yếu tố này đã gây rất nhiều khó khăn cho các DN cá tra xuất khẩu vào Mỹ, trong đó có Hùng Vương.

Tuy nhiên, với các chuyên gia kinh tế thì những yếu tố kể trên chỉ “như mồi lửa” tác động đến đà sụt giảm của HVG, bởi thực tế nguyên nhân chính khiến HVG “bế tắc” đến từ việc DN này cõng trên lưng khoản nợ vay hơn 8.070 tỷ đồng (chiếm 53% tổng tài sản DN), khiến lãi vay của HVG đang không ngừng tăng. Trong đó, chỉ tính riêng năm 2016, chi phí tài chính của DN này lên đến 577 tỷ đồng, trong đó có đến 480 tỷ đồng lãi vay phải trả đã góp phần dẫn đến khoản lỗ 49 tỷ đồng sau kiểm toán.

img

Thủy sản Hùng Vương đang gánh khoản nợ khủng (Ảnh: IT)

“Nhà dột, còn gặp mưa đêm”?

Những khó khăn chồng chất của năm 2016 khiến “vua cá tra” Hùng Vương lần đầu tiên đứng trước nguy cơ phải “thoái vốn” tại các doanh nghiệp mà mình đã... dày công M&A.

Còn nhớ, hồi tháng 3.2016, Hùng Vương đã thương thảo với đối tác Nhật, chấp nhận bán 56% vốn tại Công ty Cổ phần Thủy sản Sao Ta với giá trị khoảng 460 tỷ đồng (giá trị vốn hóa của Sao Ta vào khoảng 575 tỷ đồng). Đây là quyết định đưa ra nhằm cứu vãn khoản thua lỗ lớn mà Hùng Vương đang phải gánh chịu. Tuy nhiên, sau khi có được hợp đồng xuất khẩu từ hội chợ tại Boston (Mỹ) vào tháng 3.2017, Hùng Vương đã quyết định giữ lại Sao Ta.

Không chỉ Sao Ta, trong thời gian Hùng Vương gặp khó khăn, Tập đoàn CJ (Hàn Quốc) cũng đã ngỏ ý mua lại Việt Thắng với giá 250 triệu USD, tuy nhiên, cho rằng mức giá này quá rẻ, cùng với nhận định đây sẽ là chủ lực giúp HVG phát triển ngành chăn nuôi heo nên HVG đã từ chối thương vụ này.

Một loạt các thương vụ mở rộng thị trường sau đó đã được “vua cá tra” Dương Ngọc Minh đưa ra trước tình hình làm ăn thua lỗ, nợ vay tăng cao, cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo... Chẳng hạn, kế hoạch đưa sản phẩm trực tiếp sản xuất vào thị trường Nga của HVG bị thất bại, theo giải thích của ông Minh là do thủ tục... hành chính tại Việt Nam. Hoặc, kế hoạch hợp tác với đối tác tài chính Singapore nhằm đưa hàng vào hệ thống siêu thị lớn tại Indonesia cũng không thành công như mong đợi.

Trong tình thế ngày càng khó khăn, ông Minh lại tiếp tục “vẽ” ra kế hoạch đưa hàng vào 50 hệ thống chợ tại Mỹ khi dự định mua cổ phần của các hệ thống chợ này. Tuy nhiên, cuối cùng dự án cũng... im hơi lặng tiếng.

Đặc biệt, một mảng đầu tư khá mới của Hùng Vương là ngành chăn nuôi heo (năm 2015, Hùng Vương đã đầu tư rất bài bản với trị giá 10 triệu USD nhập khẩu heo giống về Việt Nam đầu tư trang trại) tưởng chừng sẽ là đột phá của “vua cá tra” HVG trong năm 2016 nhưng cuối cùng cũng không mấy khả quan khi gần cuối năm 2016, giá heo rớt thê thảm...

Hàng loạt những bất lợi về kinh doanh khiến cổ phiếu HVG lùi sâu về mức dưới mệnh giá, chỉ quanh quẩn quanh vùng 6.000 đồng/CP.

Dường như, tình hình càng tệ hơn khi mới đây Hùng Vương đã công bố Báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2017 cho kỳ kế toán 1.10.2016 đến 31.3.2017, trong đó thay vì lỗ 31 tỷ đồng, HVG báo lỗ tăng lên hơn 140 tỷ đồng so với báo cáo tự lập. Nguyên nhân được lý giải là do sau soát xét, các khoản chi phí quản lý tăng mạnh, và còn ghi thêm lỗ từ hoạt động liên doanh liên kết…Kết quả này cùng với việc vi phạm quy định công bố thông tin khiến HVG mới đây lại nhận thêm mức phạt 185 triệu đồng từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Kết quả này khiến cổ phiếu HVG lại có thêm nhiều phiên... “đỏ sàn”.

“Miếng bánh” kế hoạch có còn hấp dẫn?

Được biết, dù tình hình kinh doanh khá bất lợi nhưng HVG vẫn đặt ra mục tiêu doanh thu năm 2017 chạm mốc 20.000 tỷ đồng, đạt lợi nhận 400 tỷ đồng. Bước sang năm 2018, mức doanh thu sẽ tăng trưởng 25%, đạt 25.000 tỷ đồng. Về các khoản nợ vay, tại Đại hội cổ đông 2017, ông Minh trấn an rằng, vào khoảng tháng 9 nợ sẽ giảm khoảng 50% vì lúc đó nhờ các hợp đồng xuất khẩu đã ký kết, cá tồn kho sẽ bán ra hết..

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem