Cổ phiếu “tổ đại bàng”… nổi sóng

Quốc Hải Thứ tư, ngày 07/04/2021 16:20 PM (GMT+7)
Nhu cầu đang cao và giá thuê bất động sản công nghiệp tăng lên khiến nhóm cổ phiếu “tổ đại bàng” càng thêm hấp dẫn với giới đầu tư.
Bình luận 0

Trong năm 2020, Việt Nam thực sự trở thành tâm điểm của thế giới khi trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp, dòng vốn FDI rót vào vẫn đạt con số ấn tượng 28,53 tỷ USD, bằng 75% so với cùng kỳ. Vốn thực hiện đạt 19,98 tỷ USD bằng 98% so với cùng kỳ. Trong đó, châu Á tiếp tục là nhà đầu tư FDI lớn nhất, dẫn đầu là Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan…

Cổ phiếu “tổ đại bàng”… nổi sóng  - Ảnh 1.

IDICO - "Đại gia" trong lĩnh vực BĐS công nghiệp (Nguồn: IDICO)

Giá thuê bất động sản công nghiệp tăng mạnh, cổ phiếu cũng… nổi sóng

Dòng vốn ngoại đổ mạnh vào Việt Nam, điều này đã phản ánh làn sóng tái cơ cấu chuỗi cung ứng và Việt Nam đang hưởng lợi từ quá trình này. 

Đặc biệt, lĩnh vực bất động sản công nghiệp của Việt Nam đã trở thành 1 trong những lĩnh vực thu hút nhất đối với các nhà đầu tư trong năm 2020, khiến giá BĐS công nghiệp cũng tăng mạnh.

Dữ liệu của Savills Việt Nam cho thấy, trong năm 2020, tại khu vực phía Bắc, giá thuê BĐS công nghiệp tại Hà Nội lên đến 129 USD/m2 (tăng 13,1%), Bắc Ninh là 95 USD/m2 (tăng 9,2%), Hưng Yên lên 83 USD/m2 (tăng 6,4% cùng kỳ 2019), Hải Dương là 76 USD/m2 (tăng 15%), và Hải Phòng lên tới 96 USD/m2 (tăng 3,2%).

Trong khi đó, tại phía Nam, giá thuê đất trong các khu công nghiệp năm 2020 đạt 147 USD/m2 (TP.HCM), 107 USD/m2 tại Bình Dương (tăng 4,9% so với cùng kỳ 2019), 98 USD/m2 tại Đồng Nai (tăng 6,5%), 123 USD/m2 tại Long An (tăng 7,8%) và 65/m2 tại Bà Rịa - Vũng Tàu (tăng 18,1%).

Bước sang năm 2021, triển vọng tăng trưởng của các DN trong ngành được đánh giá vẫn còn rất sáng khi Việt Nam đang có nhiều yếu tố thuận lợi hỗ trợ, bao gồm nền kinh tế được dự báo sẽ phục hồi tốt thúc đẩy hoạt động đầu tư, sản xuất và làn sóng dịch chuyển sản xuất của một số tập đoàn lớn sang Việt Nam như Microsoft, Google, Panasonic, Sharp, Foxconn… đang diễn ra.

Điều này khiến giá thuê bất động sản công nghiệp tăng mạnh, khiến cho cổ phiếu nhóm này cũng nổi sóng.

Theo ghi nhận, giá hàng loạt cổ phiếu KCN đều nhảy vọt ấn tượng, chẳng hạn, với mã chứng khoán TIP (Công ty CP Phát triển Khu Công nghiệp Tín Nghĩa - HoSE: TIP), đơn vị đang quản lý 5 KCN ở Đồng Nai đã tăng giá hơn 140% trong năm 2020, từ vùng giá 19.427 đồng/CP lên tới 46.626 đồng/CP. Bước sang những tháng đấu năm 2021, TIP tiếp tục tăng mạnh lên vùng giá 49.000 đồng/CP.

Tương tự, cổ phiếu LHG của Công ty CP Long Hậu (HoSE: LHG) – chủ sở hữu hơn 135 ha đất công nghiệp tại Long An - cũng tăng gần 116%, từ vùng giá 14.962 đồng/CP lên mức 34.300 đồng/CP. Hoặc, cổ phiếu ITA cũng tăng mạnh 161%, từ mức giá 2.800 đồng/CP lên mức giá 7.320 đồng/CP.

Tuy nhiên, ấn tượng nhất lại là cổ phiếu NTC với mức tăng hơn 171%, từ vùng giá 105.537 đồng/CP lên mức giá 286.277 đồng/CP.

Cổ phiếu “tổ đại bàng”… nổi sóng  - Ảnh 2.

Cổ phiếu bất động sản công nghiệp đang thu hút sự quan tâm của giới đầu tư chứng khoán (Ảnh: IT)

Đáng chú ý, không chỉ tăng giá mạnh, nhóm cổ phiếu BĐS công nghiệp cũng thu hút nhà đầu tư hơn nếu tính theo khối lượng cổ phiếu khớp lệnh trung bình/phiên. Chẳng hạn, với cổ phiếu KBC (Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc), năm 2020 khối lượng khớp lệnh mỗi phiên chỉ hơn 2,87 triệu CP/phiên, thì bước sang những tháng đầu năm 2021, lượng cổ phiếu khớp lệnh lên tới hơn 7,8 triệu CP/phiên.

Cổ phiếu IDC (Tổng công ty IDICO) cũng được giới đầu tư quan tâm khi trong năm 2020, khối lượng khớp lệnh mỗi phiên chỉ hơn 263 nghìn CP/phiên, nhưng hiện tại đã hơn 4,4 triệu CP/phiên.

Động lực tăng trưởng vẫn còn nhờ quỹ đất "khủng"

"Đại gia" trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp phải kể đến là Tổng công ty Idico (IDC). Theo Công ty CP Chứng khoán SSI, IDC có quỹ đất sẵn sàng cho thuê lớn. Tổng diện tích đã cho thuê lũy kế đến cuối năm 2020 đạt 1.390 ha. Diện tích đất sẵn sang cho thuê lên tới 880 ha, trong đó có 700 ha đã hoàn thành đền bù giải phóng mặt bằng (Chủ yếu tập trung ở KCN Hựu Thạnh, KCN Phú Mỹ II mở rộng và KCN Quế Võ II).

"KCN Hựu Thạnh bắt đầu cho thuê vào Q1/2021, với tổng diện tích đất cho thuê lên tới 320 ha và giá thuê 120 USD/m2/chu kỳ. Chi phí đầu tư 1 triệu đồng/m2. Chúng tôi cho rằng tỷ suất lợi nhuận gộp của KCN Hựu Thạnh sẽ đạt 45% - 50%", chuyên gia của SSI dự báo.

Ngoài ra, việc thay đổi cơ cấu sở hữu mang lại nhiều kỳ vọng tích cực cho IDC. Cụ thể, Bộ Xây dựng đã thoái toàn bộ vốn khỏi IDC vào tháng 11/2020. Các nhà đầu tư lớn gồm SSG, Bitexco và Covestcons đã mua lại phần thoái vốn nhà nước và nâng tỷ lệ sở hữu từ 45% lên 65%. IDC đã thay đổi Tổng giám đốc, bổ nhiệm mới 2 thành viên HĐQT.

"Năm 2021, chúng tôi kỳ vọng doanh thu và LNTT của IDC sẽ tăng 30% và 67,8% so với cùng kỳ lên 6.598 tỷ đồng và 398 tỷ đồng. Tăng trưởng lợi nhuận đến chủ yếu từ: Hoạt động thuê khu công nghiệp, với diện tích cho thuê dự báo trong năm 2021 đạt 90 ha; doanh thu từ mảng kinh doanh điện tăng 10% nhờ tình hình dịch bệnh Covid cải thiện; và doanh thu phí đường bộ tăng 3% so với cùng kỳ", SSI kỳ vọng.

Với Công ty CP Cao su Phước Hòa (PHR), từ 2020 đến 2025, sẽ chuyển đổi khoảng 5.600 ha trong tổng số 15.000 ha đất cao su đang quản lý để xây dựng 5 khu công nghiệp, bao gồm khoảng 4.000ha đất KCN tự phát triển và 1.600ha đất chuyển nhượng cho các chủ đầu tư KCN khác.

Đối với các dự án tự phát triển, PHR đang thực hiện dự án mở rộng diện tích KCN Tân Bình lên 1.055ha với 740 ha diện tích có thể cho thuê. Dự án đang được quy hoạch tổng thể và kỳ vọng sớm được Thủ tướng chính phủ phê duyệt trong năm 2021. Bên cạnh đó, công ty cũng đang hoàn thiện các thủ tục để trình Tỉnh Bình Dương về việc thành lập mới 2 Khu Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ là Hội Nghĩa (715 ha) và Bình Mỹ (1.002 ha)

Đối với diện tích đất chuyển nhượng, sau khi thực hiện chuyển đổi 346 ha đất cho NTC trong năm 2020, PHR cũng đang dự kiến sớm chuyển nhượng 691 ha đất để xây dựng KCN VSIP III trong năm 2021 sau khi dự án này có được quyết định đầu tư KCN, ước tính việc chuyển nhượng có thể thu về gần 900 tỷ đồng tiền bồi thường đất.

Nhiều doanh nghiệp khác thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam cũng đang tiến hành các dự án đầu tư mới, mở rộng diện tích KCN như SIP với dự án KCN Phước Đông giai đoạn 3 có tổng diện tích 933 ha, Công ty CP Cao su Hòa Bình (HRC) với kế hoạch chuyển đổi 2.000 ha đất cao su sang làm Khu công nghiệp - Dịch vụ - Tái định cư tại Bà Rịa-Vũng Tàu.

Riêng với NTC (Công ty CP Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên) cũng có bước tiến quan trọng trong việc mở rộng quỹ đất vào năm 2020. Theo đó, trong tháng 2/2020, UBND tỉnh Bình Dương đã ra quyết định thu hồi 346 ha đất trồng cao su từ Công ty CP Cao su Phước Hòa (HoSE: PHR) để bàn giao cho NTC phát triển dự án KCN Nam Tân Uyên mở rộng giai đoạn 2.

Tính đến cuối năm 2020, NTC đã ghi nhận gần 171 tỷ đồng chi phí sản xuất kinh doanh dở dang liên quan đến dự án, chủ yếu là chi phí đền bù.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem