Cổ phiếu Vietnam Airlines nguy cơ huỷ niêm yết: Tổng giám đốc Lê Hồng Hà nói về những rủi ro

Thế Anh Thứ năm, ngày 08/09/2022 16:20 PM (GMT+7)
CEO Vietnam Airlines cho biết, đơn vị đã xây dựng các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tái cơ cấu lại bộ máy và đã được báo cáo tới Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Bình luận 0

Ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) chia sẻ với PV Dân Việt.

Cổ phiếu Vietnam Airlines trước khả năng hủy niêm yết

Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM vừa có thông báo đến Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã: HVN) về khả năng hủy niêm yết cổ phiếu HVN khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng.

Cụ thể, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM lưu ý Vietnam Airlines về khả năng cổ phiếu bị hủy niêm yết nếu báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 tiếp tục có lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ và/hoặc vốn chủ sở hữu là số âm.

Trên thực tế, các con số Vietnam Airlines công bố cho thấy, năm 2021 Vietnam Airlines lỗ ít hơn so với kế hoạch là 1.339 tỷ đồng và trong 6 tháng đầu năm 2022, Vietnam Airlines cũng lỗ ít hơn so với kế hoạch là hơn 1.309 tỷ đồng. Đây là con số tích cực đối với Vietnam Airlines trong bối cảnh hậu Covid-19 vẫn còn nhiều khó khăn.

CEO Vietnam Airlines lên tiếng về nguy cơ huỷ niêm yết cổ phiếu HVN - Ảnh 2.

Ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (trái ảnh) chia sẻ với PV Dân Việt. Ảnh: Viết Niệm

Liên quan tới vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã nêu ra hàng loạt những khó khăn thách thức và giải pháp tái cơ cấu lại Vietnam Airlines.

Đối với những thông tin về việc Vietnam Airlines tiếp tục lỗ thì khả năng bị huỷ niêm yết chứng khoán, kịch bản này có thể xảy ra không? Ông Hà cho biết, đây cũng là một đánh giá, rủi ro mà Vietnam Airlines đã nhìn thấy và đã có báo cáo tại Đại hội cổ đông 2022 vừa rồi.

"Vietnam Airlines cũng đã xây dựng các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tái cơ cấu cho vấn đề này và đã được báo cáo tới Uỷ ban Quản lý nốn Nhà nước tại doanh nghiệp", ông Hà cho hay.

Về đề án tái cơ cấu Vietnam Airlines, ông Hà khẳng định: "Trong đề án này đã có các giải pháp cụ thể, làm sao đó tái cơ cấu lại các danh mục đầu tư của Vietnam Airlines để vừa có nguồn thu vừa có kết quả kinh doanh tốt để giải "bài toán" âm vốn chủ sở hữu trong năm 2022".

Thông tin về những khó khăn của Vietnam Airlines ông Hà chia sẻ: "Thời điểm hậu Covid-19, năm 2022, ngành hàng không tiếp tục gặp nhiều khó khăn do phát sinh chi phí nhiên liệu bay".

"Với Vietnam Airlines nhiên liệu bay chiếm tới 30% chi phí hoạt động bay, với hãng hàng không giá rẻ có thể lên tới 35% - 40%", ông Hà cho biết.

Vietnam Airlines vẫn còn đang khó khăn

Nói về khó khăn mà Vietnam Airlines đang gặp phải, ông Hà cho biết: "Tháng 11/2021, Vietnam Airlines xây dựng kịch bản nhiên liệu bay dự kiến kế hoạch là 80 USD/thùng Jet A1, bình quân của các năm trước đấy chỉ có 76 USD/thùng.

Năm 2022, bình quân 6 tháng đầu năm giá nhiên liệu tăng cao tới 116 USD/thùng Jet A1, đến tháng 7, là 165 USD/thùng Jet A1. Chỉ cần chênh lệch 1 USD nhiên liệu bay đã làm tăng chi phí của Vietnam Airlines lên 10 tỷ/tháng. Như vậy, với sự chênh lệch từ 80 USD/thùng Jet A1 đến 116 USD/thùng Jet A1, 6 tháng đầu năm Vietnam Airlines phát sinh thêm chi phí nhiên liệu bay khoảng 2.300 tỷ đồng.

Khó khăn khác nữa được ông Hà chỉ ra: "Tỷ giá của các đồng ngoại tệ, như: đồng USD, đông Yên Nhật Bản,... cũng là vấn đề tác động tới doanh thu của Vietnam Airlines".

Trong năm 2022, Vietnam Airlines phải tối ưu chi phí vận hành để giảm lỗ, do đó, con số giảm lỗ trong 6 tháng đầu năm là con số khá là tích cực. Nếu nhìn vào bức tranh toàn cảnh của hàng không mà muốn có lãi ngay thì ngành hàng không thế giới phải tới năm 2024 mới có lãi.

Trước đó, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM cho biết, căn cứ quy định của Luật chứng khoán, cổ phiếu của công ty đại chúng có khả năng bị hủy niêm yết, nếu kết quả sản xuất kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục hoặc tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.

Trong trường hợp Vietnam Airlines, cả hai năm 2020 và 2021 đều bị lỗ lần lượt gần 11.000 tỉ đồng và 13.000 tỉ đồng. Báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên 2022 cũng ghi nhận khoản lỗ ròng hơn 5.000 tỉ đồng. 

Chưa kể, đến cuối quý 2/2022, Vietnam Airlines còn lỗ lũy kế xấp xỉ 29.000 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu cũng âm gần 4.900 tỉ đồng. Vietnam Airlines còn gánh khoản nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền hơn 36.425 tỉ đồng, khoản phải trả quá hạn lên hơn 14.850 tỉ đồng. Do đó, nguy cơ cổ phiếu của Vietnam Airlines bị hủy niêm yết là rất lớn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem