Cổ phiếu “Vua cá tra” Dương Ngọc Minh bị hủy niêm yết

Quốc Hải Thứ tư, ngày 05/08/2020 18:16 PM (GMT+7)
Ngày 5/8, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) chính thức quyết định hủy niêm yết bắt buộc với hơn 227,03 triệu cổ phiếu HVG của Công ty CP Hùng Vương.
Bình luận 0

Nguyên nhân khiến HoSE ra quyết định buộc HVG phải bị hủy niêm yết bắt buộc là do doanh nghiệp (DN) của ông Dương Ngọc Minh đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và các trường hợp khác mà HoSE, hoặc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xét thấy "cần thiết hủy niêm yết nhằm bảo vệ nhà đầu tư".

“Vua cá tra” chính thức bị hủy niêm yết bắt buộc, Thaco có bị ảnh hưởng? - Ảnh 1.

Thủy sản Hùng Vương phải trả giá vì những sai lầm trong quá khứ (Ảnh: IT)

Trước đó, giữa tháng 4/2020, HoSE đã có công văn nhắc nhở HVG về việc chậm công bố BCTC riêng và hợp nhất quý 1/2020. Để đảm bảo thông tin đầy đủ đến nhà đầu tư, đến giữa tháng 5, HoSE đã có công văn nhắc lần thứ 3 và đề nghị HVG khẩn trương công bố thông tin. Tuy nhiên, đến nay, HVG vẫn chưa công bố 2 báo cáo này. 

Theo giải trình của HVG, việc chậm nộp các BCTC vì số lượng nhân sự kế toán và thống kê của DN đang thiếu hụt do một số đã nghỉ hoặc chuyển công tác qua các công ty mới trong thời gian cách ly xã hội từ tháng 4/2020, cùng một số nguyên nhân khác nên làm gián đoạn việc cung cấp số liệu cho công tác hợp nhất BCTC.

Việc HVG bị hủy niêm yết bắt buộc là một niềm hối tiếc không nhỏ cho một DN từng một thời được mệnh danh là "vua cá tra", tuy nhiên, theo phân tích của giới chuyên gia, HVG đi đến bước đường này âu cũng là cái giá phải trả cho những sai lầm trong quá khứ. 

Cụ thể là việc sử dụng đòn bẩy tài chính quá cao (vay nợ để mở rộng hoạt động kinh doanh, tài trợ cho các hoạt động đầu tư, M&A) trong lúc tình hình thị trường cá tra không mấy thuận lợi, đã khiến cho HVG phải trả giá đắt.

Bằng chứng là, từ năm 2013, khoản nợ phải trả của HVG đã tăng cao gấp gần 2,5 lần vốn chủ sở hữu (ở mức 6.788 tỷ đồng). Những năm sau đó (từ 2014 trở đi), khoản nợ phải trả tiếp tục tăng gấp nhiều lần so với vốn chủ sở hữu. Đến năm 2016, nợ phải trả của HVG ghi nhận 13.336 tỷ đồng, cao gấp 4 lần vốn chủ sở hữu.

Từ năm 2017 cho đến nay, khoản nợ phải trả của HVG tuy có giảm nhưng vẫn cao gấp nhiều lần so với vốn chủ sở hữu.

Không chỉ có vay nợ tăng, tình hình kinh doanh của HVG cũng lần lượt đi xuống. Từ con số lãi ròng 418 tỷ đồng (năm 2011), kết quả kinh doanh của HVG ngày càng thụt lùi khi giảm dần về 260 tỷ đồng (năm 2012); 248 tỷ đồng (2013); 291 tỷ đồng (2014) và 120 tỷ đồng (2015). 

Tình hình càng bết bát hơn khi bước sang năm 2016, HVG lỗ ròng 49 tỷ đồng; sang năm 2017 lỗ lũy kế tới 713 tỷ đồng và bước sang năm 2019 lỗ ròng tới 1.075 tỷ đồng. Kết quả này khiến HVG phải ôm khoản lỗ lũy kế hơn 1.489 tỷ đồng (tính đến 30/9/2019).

Đầu năm 2020, sự xuất hiện của cổ đông lớn đã làm tăng kỳ vọng vào sự hồi phục của "Vua cá tra" khi nhóm cổ đông lớn này đang tăng tỷ lệ nắm giữ tại HVG lên 35,01%. 

Tư vấn về việc này, ông Trần Bá Duy, Giám đốc Tư vấn Đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS, cho hay, chưa biết HVG sẽ hủy niêm yết hẳn hay sẽ chuyển về sàn UpCOM, nếu về sàn UpCOM thì cổ phiếu HVG vẫn giao dịch bình thường. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem