Cổ phiếu xi măng đồng loạt đua trần, nhịp tăng nóng liệu có kéo dài?

Quang Dân Thứ sáu, ngày 11/03/2022 13:10 PM (GMT+7)
Trong phiên giao dịch sáng 11/3, cổ phiếu doanh nghiệp ngành xi măng bao gồm HT1, HOM, BCC, QNC.. đồng loạt đua nhau tăng mạnh, chạm trần, thậm chí trần cứng với khối lượng giao dịch bùng nổ.
Bình luận 0

Cụ thể, cổ phiếu CTCP Xi măng Hà Tiên 1 (HOSE: HT1) hiện đang giao dịch ở mức 24.250 đồng/cp, tăng 6,83% so với phiên giao dịch liền kề; CTCP Xi măng Bỉm Sơn (HNX: BCC) giao dịch ở mức 24.300 đồng/cp, tăng 6,58%; Công ty cổ phần Xi măng Vicem Bút Sơn (HNX: BTS) hiện đang giao dịch ở mức 14.600 đồng/cp, tăng 9,77%; CTCP Xi măng VICEM Hoàng Mai (HNX: HOM) giao dịch thành công ở mức 10.000 đồng/cp, tăng gần 10%; cổ phiểu CTCP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh (UPCoM: QNC) có lúc giao dịch thành công ở mức 12.600 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức tăng 14%.

Diễn biến tích cực này có được trong bối cảnh Việt Nam đẩy mạnh đầu tư công thực hiện một loạt dự án trọng điểm và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Bên cạnh đó, sản lượng xi măng, clinker xuất khẩu năm 2021 tăng đột biến, bất chấp thị trường tiêu thụ nội địa sụt giảm vì đại dịch Covid-19 cũng là cú hích ảnh hưởng lên thị giá chứng khoán của nhóm ngành.

Cổ phiếu xi măng đua nhau tăng trần - Ảnh 1.

Giá xi măng tăng mạnh. Ảnh: T.M.

Cụ thể, theo Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), sản lượng xi măng, clinker xuất khẩu cả năm 2021 đạt hơn 45 triệu tấn, trị giá gần 1,8 tỷ USD, giá xuất khẩu trung bình khoảng 39 USD/tấn. Trong đó, xuất khẩu clinker chiếm tỷ trọng lớn hơn nhiều so với xi măng.

Trong bối cảnh kết quả xuất khẩu năm 2021 có nhiều tín hiệu tích cực, VIRAC Research nhận định xi măng clinker của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng mạnh trong năm 2022.

Đối tác nhập khẩu lớn nhất của xi măng Việt Nam là thị trường Trung Quốc. Trong bối cảnh nước này thắt chặt nguồn cung nội địa, hạn chế sản xuất để bảo vệ môi trường; khủng hoảng điện năng tại nước này đang ngày một nghiêm trọng hơn. Trung Quốc hiện đang tăng cường nguồn lực để nhập khẩu xi măng. Do quốc gia này có dân số "khủng" nên nhu cầu nhà ở là không thể thiếu.

Ngoài ra, tại thị trường trong nước, giá xi măng Việt Nam vẫn đang có những biến động nhất định. Giá điện, xăng, nhân công, vận chuyển,… tăng liên tục khiến giá xi măng trong nước liên tục tăng.

Đặc biệt ở khu vực miền Nam nước ta, nơi tập trung nhiều khu đô thị, thành phố. Nhưng số lượng nhà máy sản xuất xi măng chỉ có 8 và phân bố không đều. Tổng lượng sản xuất chỉ đáp ứng được 1/3 tổng nhu cầu của khu vực. Giá xi măng bán ra không có khác biệt quá lớn giữa các thương hiệu sản xuất. Từ đó tạo được sự đồng đều cho sản phẩm, người mua dễ dàng lựa chọn hơn.

Trong khi đó, Trung tâm phân tích SSI (SSI Research) kỳ vọng trong vài năm tới, công suất trong nước sẽ tăng từ 10 -15%. Cùng với sự giảm tốc của kênh xuất khẩu, sẽ dẫn đến sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn trên thị trường trong nước. Điều này đặc biệt xảy ra tại miền Bắc và miền Trung - nơi có các dự án mới nhiều nhất và có tỷ lệ xuất khẩu cao hơn.

Cuối cùng, trên thị trường chứng khoán đang xuất hiện thông tin về việc khả năng kế hoạch thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp xi măng sẽ thay đổi, qua đó, các nhà phân tích kỳ vọng sẽ có tác động tích cực trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Hiện luồng thông tin này chưa được kiểm chứng.

Vì vậy, dù thị giá cổ phiếu xi măng đồng loạt tăng mạnh trong phiên sáng nay với khối lượng giao dịch bùng nổ, nhưng liệu nhịp tăng nóng của nhóm cổ phiếu xi măng có dài hay không là rất khó đoán định. Bởi trước đây, nhịp tăng của cổ phiếu xi măng "bị đuối" ngay sau phiên giao dịch bùng nổ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem