Cơ quan bảo hiểm xã hội hướng dẫn thủ tục nhận chế độ thai sản

Theo Lao Động Thứ bảy, ngày 20/05/2023 14:08 PM (GMT+7)
Chị Lê Thị Hạnh (Hoài Đức, Hà Nội) hỏi: Tôi vừa mới sinh con, vậy khi tôi làm thủ tục nhận chế độ thai sản cần những giấy tờ gì?
Bình luận 0

Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội trả lời:

Tại Quyết định 166/QĐ-BHXH ngày 31.1.2019 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành quy trình giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và Quyết định 222/QĐ-BHXH ngày 25/2/2021 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về việc công bố thủ tục hành chính được thay thế, bãi bỏ thuộc thẩm quyền giải quyết của Bảo hiểm xã hội Việt Nam thì người lao động cần phải chuẩn bị hồ sơ để hưởng chế độ thai sản cụ thể như sau:

Cơ quan bảo hiểm xã hội hướng dẫn thủ tục nhận chế độ thai sản - Ảnh 1.

Công đoàn phối hợp tổ chức khám thai miễn phí cho công nhân khu công nghiệp. Ảnh: Hải Nguyễn

Đối với trường hợp lao động nữ sinh con thì cần chuẩn bị hồ sơ cụ thể như sau:

- Bản sao giấy khai sinh;

- Hoặc trích lục khai sinh;

- Hoặc bản sao giấy chứng sinh.

Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ hưởng chế độ thai sản tương ứng với trường hợp của mình, người lao động cần nộp hồ sơ để được giải quyết. Trường hợp người lao động làm việc tại các đơn vị doanh nghiệp thì nộp hồ sơ cho người sử dụng lao động. Trường hợp đã chấm dứt hợp đồng lao động nhưng vẫn đủ điều kiện nhận trợ cấp thai sản thì nộp hồ sơ trực tiếp cho cơ quan bảo hiểm xã hội để được giải quyết.

Luật BHXH năm 2014 quy định về mức hưởng chế độ thai sản như sau:

1. Người lao động hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 32, 33, 34, 35, 36 và 37 của Luật này thì mức hưởng chế độ thai sản được tính như sau:

a) Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 32, Điều 33, các khoản 2, 4, 5 và 6 Điều 34, Điều 37 của Luật này là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội;

b) Mức hưởng một ngày đối với trường hợp quy định tại Điều 32 và khoản 2 Điều 34 của Luật này được tính bằng mức hưởng chế độ thai sản theo tháng chia cho 24 ngày;

c) Mức hưởng chế độ khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính theo mức trợ cấp tháng quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, trường hợp có ngày lẻ hoặc trường hợp quy định tại Điều 33 và Điều 37 của Luật này thì mức hưởng một ngày được tính bằng mức trợ cấp theo tháng chia cho 30 ngày.

2. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội, người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội.

3. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết về điều kiện, thời gian, mức hưởng của các đối tượng quy định tại Điều 24 và khoản 1 Điều 31 của Luật này.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem