Cơ quan chức năng làm ẩu, dân mất nhà

Thứ tư, ngày 04/05/2011 10:18 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ông Đoàn Thiết Sơn có bố là Đoàn Thế Ân và mẹ kế là Nguyễn Thị Bộn, trú nhà số 1, kiệt 168 đường Phan Chu Trinh, TP. Huế (số cũ 80B Phan Chu Trinh) với diện tích nhà 82,3m2, đất liền theo nhà 207m2...
Bình luận 0

Sau khi cụ Ân và cụ Bộn qua đời, đây là nơi thờ hai cụ. Ông Sơn sinh sống ở Quảng Bình nên thỉnh thoảng mới ghé nhà.

Ngày 3.4 vừa qua, ông Sơn vào Huế thắp hương cho cha mẹ thì thấy ngôi nhà số 1, kiệt 168 Phan Chu Trinh đang bị đập phá, tháo dỡ. Tìm hiểu sự việc, ông Sơn mới biết ngôi nhà và đất của cha mẹ mình đã thuộc quyền sở hữu của bà Bùi Lê Thanh Nhàn từ ngày 20.2.2003. Bà Nhàn từng là bác sĩ chữa bệnh cho cụ Bộn và không có quan hệ họ hàng ruột thịt với cha mẹ ông Sơn.

img
Ngôi nhà thờ tự cha mẹ của ông Sơn đã bị đập phá tan hoang từ ngày 3.4.

Theo hồ sơ giấy tờ đất của bà Nhàn, ngày 7.3.2000, trước khi qua đời, cụ Ân để lại mấy dòng chữ nguệch ngoạc có tiêu đề là "Lời tâm huyết", với nội dung là cụ Ân giao lại toàn bộ nhà cửa, đất đai ở số 1, kiệt 168 Phan Chu Trinh cho cụ Bộn... Phòng Tư pháp TP. Huế đã dựa vào đây để chứng thực cụ Bộn là người thừa kế duy nhất tài sản. Tiếp đó, cụ Bộn làm di chúc cho bà Nhàn thừa kế nhà và đất.

3 người ký tên làm chứng trong văn bản "Lời tâm huyết" đều khẳng định sau khi cụ Ân qua đời một thời gian, cụ Bộn mới đưa tờ giấy viết sẵn nhờ họ ký tên. Như vậy, cái được coi là di chúc của cụ Ân nhiều khả năng không phải do cụ Ân viết.

Hơn nữa, theo ông Sơn, chữ viết trong văn bản này hoàn toàn không giống chữ viết của cụ Ân. Phòng Tư pháp TP. Huế xác nhận quyền sở hữu nhà, đất cho cụ Bộn vào ngày 11.2.2003.

Trước đó, ngày 7.2.2003, khi chứng thực bản khai nhận di sản thừa kế, Phòng Tư pháp đã "quên" đưa ông Sơn vào danh sách người thừa kế theo quy định của pháp luật. Hơn nữa, cụ Bộn qua đời ngày 10.2.2003, nhưng thông báo của UBND TP. Huế về việc khai nhận di sản thừa kế của cụ Bộn lại đề ngày 2.12.2003 - thời điểm cụ Bộn đã chết gần 10 tháng (!?).

Một điều lạ nữa là ngày 11.2.2003, cụ Bộn mới được UBND TP. Huế công nhận toàn quyền sở hữu nhà đất ở số 1, kiệt 168 Phan Chu Trinh. Nhưng trước đó, ngày 17.1.2003, cụ Bộn đã được Phòng Công chứng số 1 của tỉnh chứng thực di chúc để lại tài sản cho bà Nhàn. Việc chứng thực này là trái pháp luật, bởi ở thời điểm công chứng, cụ Bộn chưa có quyền sở hữu nhà đất nên không thể để lại tài sản này cho bà Nhàn.

Ông Nguyễn Thế Toại- Trưởng phòng Tư pháp TP. Huế giải thích với NTNN: Việc cụ Bộn khai nhận di sản thừa kế sau khi đã qua đời gần 10 tháng là do Phòng Tư pháp điền nhầm ngày, chính xác phải là ngày 2.1.2003.

Ông Toại cho rằng đánh nhầm ngày là "chuyện bình thường, do phòng lúc đó chỉ có một người làm chứng thực trong khi mỗi năm phải giải quyết vài trăm hồ sơ thừa kế" (?!). Về di chúc của cụ Ân có dấu hiệu bị giả mạo, ông Toại cho rằng, đơn vị ông không có trách nhiệm xác minh khi chứng thực!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem