Cò tạo “sốt đất” ở Bình Phước sau khi có chuyển động mới về đề xuất xây cầu Mã Đà

Văn Dũng Thứ năm, ngày 24/03/2022 14:31 PM (GMT+7)
Sau Thủ tướng Chính phủ cùng đoàn công tác và lãnh đạo 2 tỉnh Bình Phước, Đồng Nai đi khảo sát thực địa tại khu vực đề xuất xây cầu Mã Đà, hàng trăm cò đất cùng giới đầu cơ đã ồ ạt kéo về khu vực này mua bán, phân lô bán nền đất trồng cây, tạo cơn "sốt đất".
Bình luận 0

Những ngày gần đây, khu vực xã Tân Hưng, Tân Lợi của huyện Đồng Phú (tỉnh Bình Phước) có hàng trăm người kéo về mua bán đất nông nghiệp, nhiều ô tô biển số ngoại tỉnh nườm nượp đi lại trên tuyến đường ĐT.753 (tuyến đường được quy hoạch xây cầu Mã Đà nối Bình Phước với Đồng Nai).

Ghi nhận thực tế vào sáng 24/3, khu vực đoạn cầu Cứ (xã Tân Hưng) đến ngã ba Thạch Màng (xã Tân Lợi) dài khoảng 10km nhưng có hàng chục bảng quảng cáo bán đất được dựng lên hai bên đường.

Nhiều thửa đất nông nghiệp được chặt bỏ cây, san phẳng cắm cọc phân thành nhiều nền nhỏ và được rao bán tạo nên cảnh huyên náo chưa từng thấy tại khu vực này.

Cò tạo “sốt đất” ở Bình Phước sau khi Thủ tướng khảo sát thực địa khu vực đề xuất xây cầu Mã Đà  - Ảnh 1.

Cò đất kéo về khu vực dọc hai bên đường ĐT.753 đoạn thuộc xã Tân Hưng, Tân Lợi của huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước tạo cơn "sốt ảo" giá đất. Ảnh: A.L

Người dân ở khu vực ngã ba Thạch Màng cho biết, khoảng vài ngày trở lại đây, khu vực này có hàng trăm người đi ô tô về mua bán đất sau khi Thủ tướng Chính phủ về khảo sát (ngày 20/3/2022).

"Nếu như trước đấy giá đất tại khu vực này chỉ ở mức khoảng 100 triệu/mét ngang, thì nay đã tăng giá lên gấp 3 – 4 lần. Hình thức mua bán cũng chỉ đặt cọc một ít tiền, rồi họ lại bán qua tay luôn cho người khác", một người dân cho biết.

Cò tạo “sốt đất” ở Bình Phước sau khi Thủ tướng khảo sát thực địa khu vực đề xuất xây cầu Mã Đà  - Ảnh 2.

Hai bên đường ĐT.753 được cắm chi chít bảng quảng cáo bán đất. Ảnh: A.L

Nhiều "cò" đất ở khu vực này khẳng định, hiện nay đang là đất nông nghiệp, nhưng có thể chuyển đổi mục đích sử dụng thành đất ở 100% (?).

Liên quan đến vụ việc này, UBND xã Tân Lợi xác nhận có tình trạng "sốt đất" tại khu vực tuyến đường ĐT.753. Mặc dù, chính quyền địa phương đã có cảnh báo nhiều rủi ro khi bỏ tiền đầu tư, nhưng nhiều người dân vẫn đổ về đây mua đất.

Trước đó, lường trước được việc "sốt đất" sẽ xảy ra, UBND huyện Đồng Phú có văn bản chỉ đạo địa phương quản lý chặt trên lĩnh vực đất đai. Các trường hợp mua bán, sang nhượng, tách thửa trái phép phải xử lý nghiêm.

Nếu để xảy ra các trường hợp vi phạm, lãnh đạo các địa phương phải chịu trách nhiệm.

Cò tạo “sốt đất” ở Bình Phước sau khi Thủ tướng khảo sát thực địa khu vực đề xuất xây cầu Mã Đà  - Ảnh 4.

Nhiều thửa đất nông nghiệp được các đầu nậu phân lô bán. Ảnh: A.L

Bình Phước từng xảy ra cơn "sốt ảo" giá đất vào đầu năm 2021 tại khu vực huyện Hớn Quản. Thời điểm đó, lãnh đạo tỉnh tổ chức khảo sát khu vực đề xuất xây dựng sân bay lưỡng dụng Téc-Níc tại xã An Khương, Tân Lợi của huyện Hớn Quản. 

Hàng trăm cò đất đã đổ xô về mua bán đất, đẩy giá đất nông nghiệp lên cao ngất ngưởng khiến nhiều người ôm "trái đắng" vì lỡ gom nhiều lô đất nhưng không kịp thoát hàng. Đề xuất xây dựng sân bay Téc-Níc sau đó bị bác bỏ, bong bóng bất động sản tại khu vực này chính thức vỡ khiến nhiều người lao đao.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem