Có thêm mối hàng này, nông dân “Thủ phủ trồng mai vàng miền Nam" Bình Lợi ung dung không sợ ế

Trần Đáng Thứ ba, ngày 12/01/2021 19:04 PM (GMT+7)
Khoảng 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2021, nhiều vùng trồng kiểng trong cả nước đang lo sốt vó vì sợ ế do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Thế nhưng, tại “Thủ phủ mai vàng miền Nam” xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh (TP HCM), nông dân trồng mai vẫn ung dung.
Bình luận 0

Theo nhiều nhà vườn trồng mai vàng ở "Thủ phủ mai vàng miền Nam" (xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh, TP HCM), năm nay lượng mai bán ra trong cả năm của "Thủ phủ" tăng 20-30%.

Có thêm mối hàng này, nông dân “Thủ phủ mai vàng miền Tây” không sợ ế mùa Tết  - Ảnh 1.

Nhân công "Thủ phủ mai vàng miền Nam" bứng mai cho thương lái.

Vấn đề lượng mai tăng không phải do tiêu thụ mùa Tết Nguyên đán mà là do nông dân từ miền Tây Nam bộ mua để dặm lại vườn cây bị thiệt hại do hạn mặn năm 2020.

Một cán bộ Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang cho biết, tỉnh này đang có hiện tượng nông dân bị hạn mặn đang mua mai vàng ở TP HCM, Long An về trồng xen vườn cây bị thiệt hại.

Theo anh Lê Hữu Thiện, Giám đốc HTX Mai vàng Bình Lợi (huyện Bình Chánh, TP HCM), năm nay có hiện tượng là nhiều thương lái đến mua mai nhưng không phải để bán vào dịp Tết này mà mang về bán lại cho bà con nông dân để dặm xen vào vườn cây bị chết do hạn mặn vừa qua.

"Tính đến thời điểm này, tôi đã bán được hơn 1.000 gốc mai với mục đích đem về dặm lại vườn cây thiệt hại vì hạn mặn", anh Thiện cho biết.

Theo anh Thiện, các nhà vườn bán được chủ yếu là mai lá. "Trước đây, mai lá chỉ bán được loại từ 3 năm tuổi trở lên, nhưng năm nay mai 2 tuổi cũng được mua khá nhiều", anh Thiện chia sẻ.

Có thêm mối hàng này, nông dân “Thủ phủ mai vàng miền Tây” không sợ ế mùa Tết  - Ảnh 2.

Ông Tư Biết kiểm tra số mai vàng vừa mua để bán lại cho nông dân trồng xen canh vườn cây ăn trái bị thiệt hại do hạn mặn.

Anh Trần Tứ Vương, một nông dân trồng 10ha mai vàng cho biết, vừa bán hơn 200 gốc mai vàng cho nông dân miền Tây mua dặm lại vườn sau cơn hạn mặn.

"Mỗi năm, xã này bán ra hơn 20.000 gốc mai vàng. Tôi tính, năm nay có hơn 20% số lượng mai này là bán cho nông dân vùng hạn mặn", anh Vương thông tin.

 Ông Tư Biết (Nguyễn Văn Biết), một thương lái mai quê Chợ Lách (Bến Tre) chia sẻ, hiện ông đã mua 180 gốc mai với giá 1,7 triệu đồng/gốc tại làng mai Bình Lợi.

Hầu hết số mai này ông Tư "mua đi, bán lại" cho bà con trồng cây ăn trái ở Bến Tre. Chuyến sau, ông sẽ tiếp tục mua vài trăm gốc mai nữa cũng để nông dân dặm lại vườn cây.

Theo anh Vương, việc mua mai dặm lại vườn cây chết do hạn mặn là một bàn toán kinh tế khá hiệu quả của nông dân.

"Bà con nông dân thường mua mai 2, 3 năm tuổi về trồng. Chỉ cần chăm thêm 2 năm rồi bán, chỉ cần 1ha nông dân cũng đã có trăm triệu trong tay", anh Vương khẳng định.

Hiện, "Thủ phủ mai vàng miền Tây" có hơn 600ha đất trồng mai vàng. Giá mai trung bình từ 200.000 cho đến hơn 1 triệu đồng/cây, tùy theo thời gian trồng.

Tại tỉnh Long An, phong trào trồng mai vàng xen canh cây ăn trái đã có vài năm nay. Tập trung nhiều nhất ở các huyện, như: Đức Huệ, Bến Lức, Thủ Thừa, Châu Thành, Tân Trụ và TP.Tân An...

Có thêm mối hàng này, nông dân “Thủ phủ mai vàng miền Tây” không sợ ế mùa Tết  - Ảnh 3.

Một vườn chanh ở xã Long Hòa (Bến Lức, tỉnh Long An) được xen canh cây mai vàng.

Hội Làm vườn Long An cho biết, tuy mai vàng là loại cây trồng phụ nhưng đem lại kinh tế khá cao.

Theo ý kiến của nhiều nghệ nhân sản xuất hoa kiểng, trồng mai vàng xen canh nông dân không phải chăm sóc hay bón phân nhiều do tận dụng nguồn dinh dưỡng khi bón cho các loại cây chính.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem