Chiêm ngưỡng mê mẩn những cổ vật thời Lý Trần xuất lộ ở vùng đất Gia Bình của Bắc Ninh

Thứ ba, ngày 11/04/2023 19:23 PM (GMT+7)
Khai quật khảo cổ học tại chùa Tĩnh Lự (xã Lãng Ngâm, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) trên diện tích 360 m2. Sau 4 tháng tiến hành bóc tách 4 hố khai quật, Đoàn nghiên cứu của Trường Đại học KHXH&NV (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã thu được nhiều kết quả thú vị, bất ngờ với số lượng lớn hiện vật có giá trị tiêu biểu...
Bình luận 0

 Dù nằm sâu dưới lòng đất nhưng có biết bao câu chuyện lịch sử được mở ra, bao nhiêu di tích, di vật được xác định niên đại và cũng không ít công trình kiến trúc cổ đã xuất lộ nhờ khai quật khảo cổ học. 

Tuy vậy, nguồn sử liệu vô vùng phong phú và xác thực này lại rất dễ bị lãng quên, cũng không dễ khai thác, phát huy trong đời sống đương đại nếu như không thực sự được quan tâm đúng tầm.

Khai mở từng “trang sử đất” qua cổ vật

Năm 2022 là một năm nhiều dấu ấn đặc biệt của khảo cổ học khi các nhà khoa học liên tiếp phát hiện nhiều vấn đề quan trọng, mới lạ từ những di vật, di sản trong lòng đất Bắc Ninh.

Điển hình là đợt khai quật khảo cổ học tại chùa Tĩnh Lự (xã Lãng Ngâm, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) trên diện tích 360 m2. Sau 4 tháng tiến hành bóc tách 4 hố khai quật, Đoàn nghiên cứu của Trường Đại học KHXH&NV (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã thu được nhiều kết quả thú vị.

Bất ngờ với số lượng lớn cổ vật có giá trị tiêu biểu cùng nhiều dấu vết di tích kiến trúc quan trọng... Đáng chú ý là bộ góc đao kiến trúc kích thước lớn, dài khoảng 90cm và nặng khoảng 30-35kg bằng gốm men thời Lý là những hiện vật tiêu biểu và hiếm gặp kể cả ở kinh thành Thăng Long. 

Những bằng chứng vật chất thuyết phục này khẳng định sự tồn tại của kiến trúc Phật giáo thời Lý được khởi dựng cách đây gần một nghìn năm, đồng thời cung cấp thông tin xác thực quý giá, chứng minh tính liên tục hoạt động của chùa Tĩnh Lự trong khoảng 800 năm kể từ khi xây dựng năm 1055 đến thế kỷ XIX...

Để có cái nhìn tổng thể về không gian văn hóa vùng Thiên Thai, cuối năm 2022, tại di tích chùa Đông Lâm trên núi Thiên Thai, Đoàn khai quật khảo cổ học của Viện Nghiên cứu Kinh thành phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh cũng tiến hành mở các hố khai quật và thám sát với tổng diện tích 900m2. 

Kết quả địa tầng hố khai quật bị xáo trộn nặng nề nên không xác định được kiến trúc thời Lý theo như ghi chép của thư tịch cổ. 

Tuy vậy, có một phát hiện đáng chú ý là tấm bia cổ bằng đá năm 1631 ghi chép về kiến trúc di tích thời Lê Trung hưng được xây dựng từ năm 1611 đến 1631 với quy mô lớn gồm 9 đơn nguyên kiến trúc. Điều đó giúp các nhà khoa học bước đầu chứng minh có một đại danh lam nổi tiếng tồn tại lâu dài trong lịch sử Phật giáo Việt Nam trên đỉnh núi Thiên Thai.

Chiêm ngưỡng mê mẩn những cổ vật thời Lý Trần xuất lộ ở vùng đất Gia Bình của Bắc Ninh - Ảnh 2.

Những cổ vật, di vật vật thời Lý Trần thu được từ khai quật khảo cổ học chùa Tĩnh Lự (xã Lãng Ngâm, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh).

Cũng trong năm 2022, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Đại học Đông Á (Nhật Bản) và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh đã báo cáo tổng kết giai đoạn 10 năm (từ 2012 đến 2022) hợp tác nghiên cứu khai quật khảo cổ học tại di tích Thành cổ Luy Lâu (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). 

Kết quả trong 10 năm nghiên cứu đã bổ sung rất nhiều tư liệu và đóng góp nhận thức mới về vị thế, vai trò và giá trị đặc biệt quan trọng của di tích này. 

Các chuyên gia Việt Nam và Nhật Bản đều cho rằng việc tiếp tục mở rộng nghiên cứu đánh giá là vô cùng cần thiết. Cùng với đó là tăng cường công tác tuyên truyền để nhân dân địa phương, du khách hiểu được tầm quan trọng đặc biệt của thành cổ Luy Lâu và đưa di tích này trở thành một công viên lịch sử văn hóa để phát triển du lịch.

Ứng xử với di tích khảo cổ học

Có thế thấy, giá trị từ những “kho báu di sản” phát hiện qua các cuộc khai quật khảo cổ học trong lòng đất Bắc Ninh không thể nào đong đếm được. 

Đó là bằng chứng vật chất thuyết phục nhất, khẳng định vị thế, vai trò, tầm quan trọng cũng như sức sống văn hóa vùng đất Bắc Ninh-Kinh Bắc trong suốt chiều dài lịch sử văn hóa dân tộc. 

Chính vì vậy, những di tích khảo cổ học cần được nhìn nhận như một tài nguyên văn hóa, không chỉ có ý nghĩa trong công tác nghiên cứu, giải mã lịch sử mà còn góp phần giáo dục đối với thế hệ trẻ ngày nay về truyền thống văn hóa, văn minh của dân tộc Việt Nam từ ngàn đời.

Trong bối cảnh hiện nay, ứng xử làm sao với các di tích khảo cổ học để không đánh mất di sản của tiền nhân, đòi hỏi sự quan tâm không chỉ của các nhà khoa học mà còn là nhiệm vụ của nhiều cấp quản lý, ngành chức năng cùng ý thức trách nhiệm của cộng đồng người dân các địa phương.

Một vấn đề luôn khiến giới nghiên cứu và những người quan tâm khảo cổ học trăn trở là công tác hậu khai quật. Làm thế nào để bảo tồn lâu dài các dấu tích kiến trúc, hiện vật, di chỉ khảo cổ học đã được phát hiện và tôn vinh các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể ấy? 

Thêm nữa là quy hoạch khu vực di tích khảo cổ học như thế nào để tránh sự chồng chéo, xung đột giữa các công trình xây dựng mới với giá trị, lợi ích của công tác bảo tồn các di tích, hiện vật khảo cổ học vẫn nằm sâu trong lòng đất?

Theo các chuyên gia, việc bảo vệ và phát huy những di sản nằm sâu trong lòng đất là bài toán không dễ, đặt ra rất nhiều thách thức, song nếu như không giữ được, không phát huy được những “mạch ngầm” văn hóa ấy thì rõ ràng chúng ta không xứng đáng với tổ tông! 

Với Bắc Ninh, mỗi di tích khảo cổ học đều có giá trị riêng, trong đó có những di sản mang giá trị lịch sử, văn hóa cao ở tầm khu vực, thế giới. 

Cho nên, cần có chiến lược đầu tư nghiên cứu tổng thể, khoa học và hợp lý. Trên cơ sở đó, huy động các nguồn tài lực để phát huy giá trị di sản tương xứng với vị trí, vai trò của từng di tích. 

Nhiệm vụ quan trọng trước mắt là tăng cường công tác tuyên truyền để cộng đồng địa phương hiểu được giá trị và có ý thức bảo vệ, gìn giữ di sản...

T.Lâm (Báo Bắc Ninh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem