Cocobay Đà Nẵng: Ham lợi nhuận 12%, hàng nghìn khách hàng mắc kẹt

Quỳnh Chi Thứ sáu, ngày 29/11/2019 18:55 PM (GMT+7)
Việc chủ đầu tư thông báo dừng chi trả lợi nhuận như cam kết kể từ đầu năm 2020, khiến hàng nghìn khách hàng đã mua nhà tại dự án Cocobay Đà Nẵng “mắc kẹt”.
Bình luận 0

Hàng nghìn khách hàng mắc kẹt

Được biết, lượng khách hàng đã ký hợp đồng mua bán bị ảnh hưởng trực tiếp tại Cocobay Đà Nẵng lên tới 1.807 người với 2.061 căn hộ. Ngoài ra còn những khách hàng khác hiện đã có thỏa thuận đặt mua.

img

Hàng trăm khách hàng là chủ sở hữu đã đầu tư vào Cocobay Đà Nẵng tập trung trước cổng công ty Thành Đô để phản đối chủ đầu tư 

Trong hàng nghìn khách hàng phải kể tới ông Mai Huy Tân - tiến sĩ Toán học ở Đức. Ông Tân là người sáng lập ra thương hiệu xúc xích Đức Việt, cũng là người bỏ gần 600 tỉ đồng vào dự án Cocobay Đà Nẵng và hiện đang bị “mắc kẹt”.

Theo lời kể, ông Tân bỏ gần 600 tỷ đồng để mua dự án Cocobay. Trong đó, ông Tân vay của ngân hàng SHB số tiền 402 tỷ đồng với lãi suất hơn 8%/năm trong vòng 18 tháng và hiện tại là 10,4%/năm.

Ông Tân cho biết, hiện công ty của ông sở hữu 42 bất động sản, theo hợp đồng đã ký thì Thành Đô phải trả 67,7 tỷ đồng/năm tiền thu nhập cam kết.

Đến nay, Thành Đô đã trả cho công ty của ông Tân hai năm và tạm ứng kỳ 1 năm 2019 là 14,5 tỷ đồng, còn nợ 54 tỷ đồng chưa trả. Toàn bộ số tiền này, công ty của ông Tân đã trả cho SHB 74 tỷ đồng tiền gốc và 76 tỷ đồng tiền lãi.

Cùng cảnh ngộ, chị P.T.N.N. (Long Biên, Hà Nội) cho biết, trước cam kết lợi nhuận được hưởng 12% giá trị hợp đồng trong vòng 8 năm, không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh, năm 2017, chị đã nhanh tay “ôm” 4 căn hộ tại Cocobay với tổng mức đầu tư hơn chục tỷ đồng.

“Tôi chấp nhận vay ngân hàng 65%, phần còn lại là tích lũy bao năm của hai vợ chồng, cộng với vay thêm họ hàng, bạn bè. Những tưởng lấy “mỡ nó rán nó”, sau 8 năm có nguồn thu thụ động để nuôi con nên kể từ khi nghe thông báo, mấy hôm nay mất ăn mất ngủ, không khí trong nhà nặng nề. Nếu Thành Đô dừng trả lợi nhuận cam kết thật, cộng thêm khoản trả lãi ngân hàng nữa thì chắc tan cửa nát nhà. Chúng tôi bị đẩy vào đường cùng rồi”, chị P.T.N.N. nói.

Tương tự, Ông Phạm Văn Lai (trú TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) cho biết tháng 4-2017 ông mua một căn condotel tại tòa nhà Skyline trong tổ hợp Cocobay với giá 1,5 tỉ đồng, đã thanh toán 95% giá trị. Hợp đồng giao nhà tháng 10-2018 nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn chưa có nhà bàn giao.

Theo ông Lai, ông đã vay 65% giá trị căn hộ từ ngân hàng bảo lãnh dự án là Ngân hàng SHB và rất nhiều chủ sở hữu khác cũng mua condotel bằng tiền vay. Giờ đây, khi Công ty Thành Đô cắt không trả thu nhập cam kết, chủ sở hữu rất khó khăn trong việc thanh toán tiền lãi vay ngân hàng.

Ông Lai cho rằng các phương án xử lý Công ty Thành Đô đưa ra đều không hợp lý và yêu cầu doanh nghiệp tôn trọng hợp đồng mua bán, bàn giao nhà và giấy chứng nhận căn hộ cho chủ sở hữu.

Ngoài những trường hợp kể trên, theo tìm hiểu của phóng viên, còn nhiều khách hàng khác đã bỏ ra từ vài tỷ tới hàng trăm tỷ đồng để “ôm” căn hộ, nhà liền kề tại đây. Đa số họ, đều chấp nhận vay tiền ngân hàng SHB từ 50 - 65% giá trị hợp đồng.

Quá bức xúc và lo lắng khi khối tài sản lớn có nguy cơ mất trắng, mới đây nhiều khách hàng là chủ sở hữu đã đầu tư vào Cocobay Đà Nẵng tập trung trước cổng công ty Thành Đô (khu vực Tây Hồ, Hà Nội) để phản đối chủ đầu tư vi phạm điều khoản thỏa thuận trong hợp đồng mua bán.

img

Nhiều khách hàng đã thanh toán 95% tiền mua Condotel tại Cocobay Đà Nẵng tỏ ra lo lắng trước khoản nợ khổng lồ

Nhiều khách hàng đã thanh toán 95% tiền mua Condotel tại Cocobay Đà Nẵng nhưng chưa được nhận căn hộ và mới chỉ được thanh toán cam kết lợi nhuận 2 năm.

Đa phần khách hàng đều bày tỏ sự lo lắng, nếu Thành Đô không trả đúng lợi nhuận cam kết ban đầu, họ sẽ phải đối mặt với khoản nợ khổng lồ. Nhiều người cho hay, họ đã vay ngân hàng 60-70% để mua căn hộ.

Ông Sơn – một khách hàng mua 4 căn hộ Condotel tại Cocobay Đà Nẵng cho biết, các chủ sở hữu căn hộ Condotel chấp nhận giá mua "cắt cổ" lên đến 40-60 triệu đồng/m2 vào năm 2016, vì mức cam kết lợi nhuận 12% cao hơn so với ngân hàng. "Bây giờ, chúng tôi muốn cả ba bên là chủ sở hữu căn hộ, công ty Thành Đô và ngân hàng SHB cùng ngồi lại để làm rõ sự việc", anh Sơn nhấn mạnh.

“Cạm bẫy” siêu lợi nhuận

Trong khi đó, phát biểu trước báo chí, ông Nguyễn Đức Thành - chủ tịch HĐQT Công ty Thành Đô - cho biết loại hình condotel vỡ trận là đương nhiên, nhưng doanh nghiệp là người dũng cảm thừa nhận sự vỡ trận đó.

"Rất nhiều nơi đã vỡ trận lâu rồi nhưng không nói ra thôi. Nhưng tôi khẳng định đến giờ này chưa có thiệt hại cho khách hàng. Đến thời điểm này doanh nghiệp vẫn hoạt động tốt, không có nợ xấu ngân hàng. Chúng tôi có tiềm lực tài chính để giải quyết vấn đề này trong năm 2020" - ông Thành nói.

Dự án Cocobay Đà Nẵng trực thuộc CTCP Đầu tư Phát triển và Xây dựng Thành Đô (còn được biết đến là Tập đoàn Empire), có vốn đầu tư lên đến 11.000 tỷ đồng. Trong khi đó vốn điều lệ của Tập đoàn này thời điểm mới bắt đầu xây dựng Cocobay chỉ ở mức 300 tỷ đồng và công ty phải tìm nguồn vốn tài trợ cho dự án, mà một trong số đó là từ ngân hàng SHB.

Cuối năm 2016, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) còn ký hợp đồng hợp tác với Thành Đô và độc quyền cho vay mua bất động sản Cocobay Đà Nẵng. Thời điểm đó, SHB và Thành Đô cùng nhau đưa ra những chính sách cho khách hàng vay vốn mua bất động sản tại dự án.

Theo đó, lãi suất cho vay ưu đãi cố định 8%/năm trong 12 tháng hoặc 8,5%/ năm trong 18 tháng, SHB miễn phí phạt trả nợ trước hạn sau 60 tháng. Về phía Chủ đầu tư, mức hỗ trợ lãi suất 1,01%/ năm và toàn bộ phí phạt trả nợ trước hạn sẽ được áp dụng trong vòng 12 tháng đầu tiên kể từ ngày giải ngân.

"Ngoài ra thời gian vay lên tới 15 năm dành cho khách hàng doanh nghiệp và 25 năm dành cho khách hàng cá nhân, mức cho vay lên đến 90% nhu cầu vốn và được ân hạn nợ gốc tới 12 tháng. Đặc biệt, Chủ đầu tư cam kết lợi nhuận từ cho thuê bất động sản tối thiểu 12%/năm trong 8 năm đầu. Như vậy, chỉ với vốn ban đầu từ hơn 400 triệu đồng, quý khách đã có thể sở hữu căn hộ dự án với tỷ suất sinh lời cao, hay 90 triệu đồng sẽ được sở hữu ngay kỳ nghỉ dưỡng cùng với gói hỗ trợ nhiều ưu đãi vượt trội" – SHB thông báo trên website của ngân hàng ngày 7/9/2016 như vậy.

Được biết sau thời gian ưu đãi, SHB áp dụng lãi suất thả nổi như cách thức các ngân hàng khác vẫn đang cho vay vốn, đó là lãi suất tiết kiệm cao nhất cộng với biên độ dao động từ 3,3 đến 4,5%, tùy từng trường hợp.

Như vậy đối chiếu với mức lãi suất thả nổi nêu trên, lãi suất mà không ít các nhà đầu tư dự án Condotel của Thành Đô đang phải chi trả cho ngân hàng là hơn 12%/năm. Với giá căn hộ bình quân vào khoảng 2 tỷ đồng và tỷ lệ vay khảng 70% giá trị căn hộ thì khách hàng đang phải trả lãi bình quân trên dưới 150 triệu đồng mỗi năm.

“Vỡ trận” Cocobay Đà Nẵng: Khách hàng kiện được không?

Theo Luật sư Bùi Quang Hưng, phải tính đến các phương án như chủ đầu tư đưa ra, quyết định chọn phương án nào là do...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem