Nam Định: Cám cảnh cơn bĩ cực giá lợn hơi rẻ, ăn thịt giá "chát", trăm dâu đổ đầu người chăn nuôi

Thứ sáu, ngày 19/05/2023 05:08 AM (GMT+7)
Từ đầu năm đến nay, giá lợn hơi xuất chuồng giảm trong khi chi phí sản xuất tăng, lại tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh do thời tiết diễn biến phức tạp khiến người chăn nuôi lợn trong tỉnh Nam Định gặp nhiều khó khăn. Nhiều trang trại, gia trại chỉ nuôi cầm cự, giảm đàn, thậm chí bỏ trống chuồng...
Bình luận 0

Trăm dâu đổ đầu...người chăn nuôi lợn

Theo ước tính của ngành chức năng, đến tháng 3-2023, tổng đàn lợn của tỉnh Nam Định đạt khoảng 641 nghìn con, giảm 0,4%; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước đạt 15.028 tấn, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm 2022. 

Giá lợn hơi xuống thấp, dao động từ 42-45 nghìn đồng/kg nên nhiều trang trại, gia trại, hộ cá thể chỉ nuôi cầm cự, thậm chí bỏ trống chuồng không tái đàn vì sợ thua lỗ. Trang trại của ông Nguyễn Văn Tiệp, xã Yên Thắng (Ý Yên) thường xuyên nuôi từ 200 đến 300 con lợn.

Nam Định: Cám cảnh cơn bĩ cực giá lợn hơi rẻ, ăn thịt giá "chát", trăm dâu đổ đầu người chăn nuôi - Ảnh 1.

Thịt lợn sạch được bán tại Trung tâm Giới thiệu sản phẩm nông sản an toàn tỉnh (thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định).

Ông Tiệp cho biết: Trong 3 năm trở lại đây, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, gia đình tôi đã đầu tư xây dựng chuồng nuôi áp dụng phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học nên chi phí sản xuất cũng tăng cao hơn so với kiểu chuồng nuôi hở, nhỏ lẻ. Hiện tại, giá lợn xuất chuồng đang dao động từ 45-46 nghìn đồng/kg. 

Với giá bán như hiện nay thì gia đình thua lỗ từ 1,2 đến trên 1,5 triệu đồng mỗi đầu lợn”. Theo ông Tiệp, trước Tết Nguyên đán, giá lợn hơi xuất chuồng duy trì ổn định ở mức 56-60 nghìn đồng/kg trở lên nên người nuôi có lãi. 

Tuy nhiên, thời gian gần đây, giá bán liên tục giảm, trong khi giá các loại thức ăn chăn nuôi không giảm mà ở mức cao khiến người nuôi lợn “đứng ngồi không yên”. “Nếu tình trạng này cứ tiếp diễn kéo dài, giá lợn hơi không tăng lên thì người nuôi lợn chắc chắn sẽ lâm vào cảnh khó khăn, nợ nần; nhiều trang trại, gia trại sẽ phải “treo” chuồng” - ông Tiệp tâm sự… 

Để đối phó với khó khăn này, hiện gia đình ông Tiệp đã phải giảm quy mô đàn lợn xuống còn dưới 100 con nhằm giảm bớt chi phí đầu tư và cắt lỗ.

Anh Mai Văn Luyện ở thôn Báng Già, xã Kim Thái (Vụ Bản) hiện chỉ còn nuôi trên 20 con lợn thịt, giảm hơn nửa so với cùng thời điểm năm 2022. 

Anh Luyện cho biết: “Lúc thì dịch bệnh bùng phát, lúc thì giá cám tăng phi mã, giờ thì giá lợn hơi lao dốc… khiến người chăn nuôi thiệt đơn, thiệt kép. Người nuôi nhiều thì lỗ nhiều, người nuôi ít lỗ ít”. Hiện nay, gia đình anh vẫn đang còn gần chục con lợn tạ (từ 110-120 kg/con). 

Nếu bán với giá rẻ hiện nay thì vừa mất không công chăm sóc lại không có lãi, song nếu giữ lại thì chẳng biết khi nào giá lợn hơi mới tăng, trong khi tiền cám mỗi ngày một nhiều thêm. Thời gian tới, nếu giá lợn hơi xuất chuồng vẫn dưới 50 nghìn đồng/kg, gia đình tôi sẽ phải tiếp tục giảm đàn nuôi, thậm chí bỏ trống chuồng để cắt giảm chi phí đầu vào”, anh Luyện chia sẻ.

Đến những nghịch lý “không mới” của thị trường thịt lợn

Theo các cơ quan chức năng, nguyên nhân giá lợn giảm là do nhu cầu thị trường giảm liên tục từ những tháng cuối năm 2022, đẩy lượng lợn đến tuổi xuất chuồng của cả doanh nghiệp, trang trại, gia trại chăn nuôi lớn và các nông hộ ùn ứ nhiều đến thời điểm này vẫn chưa tiêu thụ hết nên nguồn cung dư. 

Trong khi đó, thị trường xuất khẩu, nhất là thị trường Trung Quốc vẫn chưa có những tín hiệu tích cực khiến người chăn nuôi lợn càng thêm khó khăn.

Trong khi đó, giá bán thịt lợn ngoài thị trường vẫn không giảm, thậm chí duy trì ở mức cao. Theo khảo sát của chúng tôi tại các chợ Mỹ Tho, Lý Thường Kiệt, Hoàng Ngân, Văn Miếu (thành phố Nam Định); chợ Chiều Liên Bảo, Gạo, Hầu (Vụ Bản); chợ Cổ Lễ (Trực Ninh)… giá bán thịt lợn mông 95-100 nghìn đồng/kg, thịt ba chỉ 100 nghìn đồng/kg, sườn 90-95 nghìn đồng/kg… 

Tiểu thương tại các chợ cho biết, giá thịt lợn bán ra vẫn duy trì ở mức cao vì giá họ nhập từ các đầu mối hoặc các lò giết mổ cung cấp vẫn không giảm nên không thể giảm giá bán. 

Tìm hiểu thêm, chúng tôi nhận thấy, mặc dù giá lợn hơi giảm sâu, nhưng các cơ sở giết mổ vẫn “kiên định” duy trì “mức lãi” trên đầu lợn. Tính ra, mỗi đầu lợn hiện nay, các cơ sở giết mổ có lãi từ 500-600 nghìn đồng. Nắm bắt được nhu cầu tiêu thụ thịt lợn của các tiểu thương và người tiêu dùng hàng ngày không giảm nên các cơ sở giết mổ hoàn toàn chủ động quyết định giá bán thịt mà không chịu bất kỳ sự kiểm soát nào. 

Phạm Văn T, chủ một cơ sở giết mổ ở chợ Chiều Liên Bảo, xã Liên Bảo (Vụ Bản) cho biết: Đều đặn mỗi ngày, cơ sở mổ 5-6 con lợn để bán tại nhà và cung cấp thịt lợn cho các tiểu thương. Mặc dù giá lợn hơi chỉ 42-45 nghìn đồng/kg nhưng chi phí vận chuyển, tiền điện, nước, thuê người giết lợn, làm sạch thịt và đảm bảo ngày công lao động nên mỗi đầu lợn vẫn phải “gánh” như trước nên hầu như giá bán thịt lợn vẫn không giảm. 

Theo đó, mỗi đầu lợn ngoài phải chịu những chi phí trên vẫn phải bảo đảm “lãi ròng” cho chủ cơ sở giết mổ từ 500-600 nghìn đồng/con… Điều này cho thấy, việc tăng hay giảm giá bán thịt lợn trên thị trường hiện nay phần lớn do các chủ cơ sở giết mổ “quyết định”. Nói cách khác, giá bán thịt lợn tăng hay giảm phụ thuộc rất nhiều vào việc chủ cơ sở giết mổ mong muốn lãi nhiều hay ít mà thôi?!.

Trong khi người nuôi lợn chật vật trăm mối lo từ dịch bệnh, chi phí đầu tư, giá thức ăn... cho chăn nuôi tăng cao, giá bán lợn hơi sụt giảm thì ngược lại những chủ cơ sở giết mổ vẫn ung dung duy trì mức lãi, không chia sẻ khó khăn với người nuôi cũng như người tiêu dùng. 

Thực trạng này cho thấy rõ bất cập trong tổ chức sản xuất và quản lý ngành chăn nuôi. Không chỉ người nuôi nhỏ lẻ nông hộ mà cả đến gia trại, trang trại cũng bị phụ thuộc đầu ra ở các chủ cơ sở giết mổ, không thể quyết định giá sản phẩm mình làm ra, cộng với các sự phụ thuộc khác như thức ăn chăn nuôi... thì việc lãi dồn vào khâu trung gian, chỉ người nuôi và người tiêu dùng thiệt thòi là tất yếu.

Theo nhiều chủ cơ sở chăn nuôi lợn, để giải quyết bất cập này, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, rất cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng trong việc hỗ trợ, giải quyết khó khăn cho người chăn nuôi lợn; đồng thời điều chỉnh giá bán thịt lợn một cách hợp lý trên cơ sở tính toán chi phí đầu vào trong quá trình chăn nuôi, giết mổ...

Khôi Nguyên (Báo Nam Định)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem