Con đường 2km trồng toàn cau là cau uốn lượn giữa cánh đồng lúa nằm ở địa phương nào của Long An?

Trần Đáng Thứ sáu, ngày 01/10/2021 06:30 AM (GMT+7)
Trong giai đoạn 2010 - 2020 có thể xem là “thời kỳ vàng” để Tân Trụ bứt phá mạnh mẽ. Sau 10 năm cả hệ thống chính trị và người dân không ngừng nỗ lực phấn đấu, huyện Tân Trụ (Long An) đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM).
Bình luận 0

Hôm nay về Tân Trụ có thể thấy kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn huyện đã "lột xác". Nổi bật nhất là hệ thống đường giao thông, trường học, các thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở… tạo ra diện mạo mới cho khu vực nông thôn của huyện.

Nông thôn đáng sống

Vùng đất Tân Trụ được bao bọc bởi 2 con sông: Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây nên không những thuận tiện cho giao thông thủy mà còn sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản.

Theo ông Trương Thanh Liêm, Chủ tịch UBND huyện Tân Trụ, từ một huyện thuần nông, sau 10 năm làm NTM, hiện 9/9 xã trên địa bàn Tân Trụ đã đạt 19 tiêu chí về NTM. 

Huyện cũng đã đạt huyện NTM. Hạ tầng thiết yếu về thương mại - dịch vụ, giao thông - thủy lợi, y tế, giáo dục... được đầu tư. Các tuyến đường giao thông liên xã được nhựa hóa 100%; các tuyến đường liên ấp, xóm cũng được bê tông hóa 100%. 

Số hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh trên 99%. Trong đó, hơn 77% hộ sử dụng nước sạch. Hộ nghèo năm 2020 chỉ còn 1,82%.

Các hoạt động văn hóa - văn nghệ được đẩy mạnh; chất lượng giáo dục ngày càng tăng; công tác phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt kết quả tốt, ý thức bảo vệ môi trường của người dân được nâng lên.

Đặc biệt, cơ cấu kinh tế nông thôn trên địa bàn tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng thương mại - dịch vụ, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, nhất là các sản phẩm thế mạnh của huyện... 

Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định, tái cơ cấu ngành nông nghiệp đang đi đúng hướng, một số cây trồng, vật nuôi chuyển đổi có hiệu quả cao như thanh long, rau màu, thủy sản... góp phần quan trọng trong nâng cao thu nhập, đời sống vật chất của người dân nông thôn trên địa bàn huyện. Hiện, thu nhập bình quân đầu người đạt 53 triệu đồng/người/năm.

Ông Hai Đê (Trần Văn Đê, xã Tân Phước Tây, huyện Tân Trụ) cho biết, ông sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Tân Trụ anh hùng. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (1975), mảnh đất xã Tân Phước Tây dày đặt hố bom, đới sống kinh tế vô cùng khó khăn.

Miền quê đáng sống trên quê hương Tân Trụ anh hùng - Ảnh 2.

Ông Hai Đê kiểm tra tôm nuôi công nghệ cao. Ảnh: Trần Đáng

Theo ông Hai Đê, những năm huyện Tân Trụ làm NTM là thời gian sản xuất của bà con nông dân phát triển mạnh nhất. Lần lượt những hố bom trên địa bàn xã Tân Phước Tây được san lấp thay vào đó là vườn thanh long, ao tôm, cá...

 Tận dụng đất sản xuất nằm cập ven sông Vàm Cỏ Đông, ông Hai Đê lấy nước nuôi tôm quảng canh. Gần đây, ông Hai Đê chuyển hẵn sang nuôi tôm công nghệ cao. 

Hiện, ông đầu tư hệ thống ao nuôi tôm 2 giai đoạn, với 10 ao nổi và 2 ao nuôi. Lắp tấm pin năng lượng mặt trời nhằm duy trì nguồn điện cho việc nuôi tôm. Sau những vụ tôm, ông thu lãi tiền tỷ. "Nông thôn mới đã đổi đời cho nhiều người trên vùng đất thuần nông này", ông Hai Đê thổ lộ.

Mục tiêu huyện NTM nâng cao

Theo ông Liêm, từ nền tảng là huyện nông thôn mới vừa đạt, trong giai đoạn 2021 - 2025, huyện Tân Trụ sẽ phấn đấu để có 6 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và đạt chuẩn huyện NTM nâng cao theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020 - 2025).

 "Nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, huyện sẽ làm tốt hơn nữa tiêu chí tổ chức sản xuất. Huyện sẽ đầu tư nhiều hơn cho các HTX, THT. Lấy kinh tế tập thể để phát triển nông thôn", ông Liêm cho biết.

Bên cạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, những năm gần đây huyện còn đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái nhằm khai thác các di tích lịch sử nổi tiếng, như: Khu di tích Vàm Nhật Tảo (nơi người anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực đốt cháy tiểu hạm Espérance (Hy Vọng) của Pháp ngày 10/12/1861); Di tích cách mạng "Đám lá tối trời"; Di tích lịch sử trận đánh Pháp, chợ Mỹ Bình năm 1946; Miếu thờ Phúc thần Mai Bá Hương (người tuẫn tiết cùng đoàn thuyền vận lương triều đình nhà Nguyễn năm Ất Dậu 1765)…

Để đạt mục tiêu làm du lịch sinh thái, chính quyền huyện Tân Trụ đã hoàn thành tuyến đường Ông Đồ Nghị dài hơn 2km với khoảng 300 gốc cau vua thẳng tắp, xanh mát 2 bên đường. Con đường này đã trở thành điểm tham quan du lịch sinh thái nổi tiếng ở khu vực miền Tây từ vài năm qua.

Miền quê đáng sống trên quê hương Tân Trụ anh hùng - Ảnh 3.

Đường Ông Đồ Nghị (Huyện Tân Trụ), một điểm tham quan du lịch sinh thái nổi tiếng ở khu vực miền Tây Nam bộ. Ảnh: Công Toại

Bên cạnh đó, huyện Tân Trụ còn kêu gọi đầu tư vào khu vực ven sông Vàm Cỏ Tây - nơi được quy hoạch làm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng ven sông và du thuyền trên sông… 

Hiện, huyện Tân Trụ đang đầu tư phát triển các tuyến đường ven sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây để khi có đủ điều kiện, các nhà đầu tư sẽ đến xây dựng những khu du lịch sinh thái trên địa bàn. Ngoài ra, Tân Trụ còn đang kêu gọi đầu tư phát triển dịch vụ lưu trú để khách đến và ở lại địa phương nhiều hơn.

Sau 10 năm làm NTM, 9/9 xã của huyện Tân Trụ đã đạt 19 tiêu chí NTM. Các tuyến đường giao thông liên xã được nhựa hóa 100%; các tuyến đường liên ấp, xóm cũng được bê tông hóa 100%. Số hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh trên 99%. Trong đó, hơn 77% hộ sử dụng nước sạch. Hộ nghèo năm 2020 chỉ còn 1,82%...




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem