Con trai nghệ nhân ở làng nghề Đào Xá trăn trở việc gìn giữ nghề làm nhạc cụ dân tộc truyền thống

Kim Duyên Thứ hai, ngày 07/11/2022 08:39 AM (GMT+7)
Ngôi làng thuần nông Đào Xá tại huyện Ứng Hòa, TP.Hà Nội nổi tiếng là nơi sản sinh hàng triệu cây đàn truyền thống của dân tộc. Từng nức tiếng xa gần với nghề truyền thống đậm chất nhân văn, nhưng làng đàn Ðào Xá giờ đây đang đứng trước nguy cơ thất truyền.
Bình luận 0

Ông Đào Anh Tuấn (con trai nghệ nhân Đào Văn Soạn) - người cuối cùng theo, giữ nghề tại làng nhạc cụ Đào Xá. Thực hiện: Kim Duyên.

Đặt chân tới một vùng quê thanh bình tại xã Đông Lỗ đâu đó vang lên từng nốt âm thanh của tiếng đàn nguyệt vừa thân thương, vừa mộc mạc. Đó là những âm thanh được phát ra từ làng Đào Xá, nơi nổi danh với nghề làm đàn suốt nhiều thế kỷ.

Để hiểu rõ hơn về công việc này, chúng tôi tìm về Đào Xá vào một ngày đầu tháng 11. Thật tiếc khi biết tin, cụ Đào Văn Soạn là người duy nhất ở Việt Nam được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian cấp quốc gia trong lĩnh vực làng nghề truyền thống và danh hiệu Nghệ nhân ưu tú của TP. Hà Nội vừa qua đời.

Nghệ nhân ở làng nghề Đào Xá trăn trở việc gìn giữ nghề làm nhạc cụ dân tộc truyền thống - Ảnh 2.

Ông Đào Anh Tuấn tỉ mỉ chỉnh từng phím đàn. Ảnh: Kim Duyên.

Tuy nhiên, chúng tôi may mắn gặp được ông Đào Anh Tuấn (con trai nghệ nhân Đào Văn Soạn). Trong  cuộc trò chuyện, ông Tuấn đã giúp chúng tôi hiểu hơn về nghề, hiểu về cả những trăn trở của người cuối cùng giữ nghề truyền thống tại Đào Xá qua cách chất giọng trầm ấm của người đàn ông đã gần 60 tuổi.

Trăm năm lưu giữ những thanh âm truyền thống

Ở tuổi gần 60, sinh ra trong làng nghề, gia đình có 4 đời gắn bó với nghề làm nhạc cụ dân tộc truyền thống, hơn ai hết ông Đào Anh Tuấn là người biểu rõ nhất về những thăng trầm của làng nghề.

Theo lời ông Tuấn, nghề làm nhạc cụ truyền thống của làng tính đến nay đã hơn 200 năm. Vào thời kỳ phát triển nhất làng có hơn 50 gia đình làm nghề, đã có tốp thợ của làng được tuyển vào làm đàn ở Cung đình Huế. Nhưng trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, làng nghề không phát triển được vì đó là thời kỳ kinh tế khó khăn. Sau chiến tranh, người làng nghề phải đi xa tới các tỉnh Nam Định, Thanh Hóa, Sài Gòn… để làm nghề.

Nghệ nhân ở làng nghề Đào Xá trăn trở việc gìn giữ nghề làm nhạc cụ dân tộc truyền thống - Ảnh 3.

Tất cả những tấm bằng khen của bố (nghệ nhân Đào Văn Soạn) đều được ông Tuấn nâng niu, treo ở trí trang trọng nhất. Ảnh: Kim Duyên.

Tới đầu những năm 90, nhờ chính sách đẩy mạnh khôi phục văn hóa truyền thống của Nhà nước, nghề làm đàn ở Đào Xá mới dần có những bước chuyển mình.

Với những người thợ chế tác nhạc cụ ở Đào Xá, từ xưa đến nay để có thể theo nghề phải thạo hay ít nhất phải biết về nghề mộc, chưa kể phải có đôi tai và cặp mắt tinh tế. Từ khâu chọn gỗ, ra gỗ, phơi gỗ cho đến công đoạn chắp, ghép, bịt da trăn, đánh bóng, trau chuốt, khảm trai và hoàn thiện. Tất cả đều được làm theo phương pháp thủ công đúng với kỹ thuật truyền thống.

Cái khó nhất khi làm một chiếc đàn là hoàn thiện âm thanh. "Ngày nay người thợ nhàn hơn vì một số công đoạn có máy hỗ trợ, việc chỉnh âm cũng đã có máy chỉnh. Nhưng cơ bản, người thợ vấn phải biết căn chỉnh phím, biết thẩm âm để làm sao chiếc đàn đạt được chuẩn mực nhất", ông Tuấn chia sẻ.

Nghệ nhân ở làng nghề Đào Xá trăn trở việc gìn giữ nghề làm nhạc cụ dân tộc truyền thống - Ảnh 4.

Mỗi chi tiết của từng cây đàn đều đòi hỏi sự tỉ mỉ của người thợ, dù có một khâu đã được máy móc hỗ trợ. Ảnh: Kim Duyên.

Sản phẩm của làng rất đa dạng, từ cây đàn bầu, đàn tam, thập, lục, đàn đáy, đàn nguyệt, đàn tỳ bà... cho đến những cây nhị, cây hồ, cây líu... đều có cả. Những ai đã theo nghề này thì đều có thể làm được tất cả các loại đàn dân tộc một cách thuần thục. "Điều đặc biệt, người làm nghề có thể không có kiến thức về âm nhạc nhưng nhạc cụ họ làm ra có âm thanh rất chính xác", ông Tuấn tự hào khẳng định.

Nỗi niềm gìn giữ nghề cha ông

Gia đình anh Đào Văn Tuấn và chị Nguyễn Thị Huệ (con trai, con dâu ông Soạn) đã theo nghề làm đàn được 10 năm. "Trước đây tôi làm nghề lái xe. Khi lớn tuổi thì quay về học nghề của bố, mong muốn lưu giữ nghề tổ tiên để lại…", anh Tuấn bộc bạch.

Nghệ nhân ở làng nghề Đào Xá trăn trở việc gìn giữ nghề làm nhạc cụ dân tộc truyền thống - Ảnh 5.

Để làm ra được một chiếc đàn ưng ý cũng lắm công phu, đòi hỏi người thợ phải trải qua nhiều công đoạn, từ khâu chọn nguyên liệu, phơi gỗ, ra gỗ đến đánh bóng, trau chuốt và lắp ghép. Ảnh: Kim Duyên.

Dù biết, theo nghề truyền thống sẽ gặp nhiều khó khăn, song ông Tuấn… vẫn quyết tâm gìn giữ nghề truyền thống. Nhớ lại những kỉ niệm ngày đầu theo bố học nghề, ông Tuấn kể: "Bố tôi từng nói, tôi không học được nghề của gia đình. Nhiều lần mải hoàn thiện, quên giờ trưa, nhưng chỉ đến chiều đã bị bố cho thành củi vì gắn sai phím, lệch âm".

Kiên trì, không bỏ cuộc, sau 10 năm cố gắng, giờ đây ông Tuấn là người thợ làm nhạc cụ dân tộc cuối cùng tại Đào Xá. Những đơn hàng tại xưởng sản xuất của ông vẫn xuất đi liên tục. Những cây đàn với nhiều loại, nhiều mức giá từ vài trăm nghìn đến hàng chục triệu đồng, chủ yếu phục vụ thị trường Hà Nội và tỉnh miền Bắc.

Nghề truyền thống dù tạo ra mức thu thập ổn định cho gia đình. Nhưng nói về việc duy trì làng nghề, giọng ông Tuấn bỗng trầm hơn: "Cứ như thế này, khoảng chục năm nữa khi già, yếu không đủ sức khỏe làm nghề được nữa chắc cái tên làng làm đàn Đào Xá cũng bị xóa bỏ khỏi danh sách làng nghề truyền thống. Thật tiếc, khi bố còn sống, tôi chưa được trở thành nghệ nhân.

Nghệ nhân ở làng nghề Đào Xá trăn trở việc gìn giữ nghề làm nhạc cụ dân tộc truyền thống - Ảnh 6.

Mỗi cây đàn được tạo ra từ bàn tay người nghệ nhân làng Đào Xá như một tác phẩm nghệ thuật. Ảnh: Kim Duyên.

Đây không chỉ đơn thuần là một nghề mà hơn thế còn là nét văn hóa đặc trưng lâu đời của quê hương. Tôi vẫn luôn hi vọng sẽ tìm và truyền lại được nghề cho thế hệ sau", ông Tuấn bộc bạch.

Không còn là bài toán về thị trường, hướng tìm đầu ra cho sản phẩm, câu hỏi làm thế nào để bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống cũng như giữ gìn và phát triển được những nét đẹp của văn hóa dân tộc là một vấn đề lớn được đặt ra với làng nhạc cụ dân tộc Đào Xá nói riêng, và các làng nghề thủ công, truyền thống nói chung.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem