Công chức tự nguyện xin tinh giản biên chế: "Tôi sợ người cần không ở, người đuổi lại không đi"

Thùy Anh Thứ sáu, ngày 17/03/2023 10:19 AM (GMT+7)
Bộ Nội vụ vừa trình Dự thảo Nghị định về Chính sách tinh giản biên chế với công chức, viên chức. Nếu được thông qua, những người xin tinh giản biên chế sẽ nhận được một khoản trợ cấp lên tới 200 triệu đồng. Tuy nhiên, có tiền nhiều nhưng chưa chắc họ đã tự nguyện nghỉ việc.
Bình luận 0

Cán bộ, công chức tự nguyện tinh giản biên chế: Chủ yếu là người sắp về hưu

Từng là cán bộ, công chức có nhiều năm cống hiến, đạt được nhiều thành tựu, ông Cao Văn Quang – Chủ tịch xã Hoằng Thanh (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) cũng đã tự nguyện xin tinh giản biên chế sau 5 khóa làm lãnh đạo liên tục.

Ông Quang cho biết ông thừa thời gian đóng BHXH vì đã đóng được 37 năm, dù chưa đủ tuổi về hưu (thiếu 3 năm) nhưng ông vẫn tự nguyện xin về hưu để tạo điều kiện cho thế hệ kế cận tiếp quản, phát triển.

"Dù về hưu trước tuổi tôi vẫn được nhận sổ hưu, tiền lương hưu đạt tối đa 75% không trừ. Khi về hưu tôi được nhận 65 triệu đồng tiền hỗ trợ từ tỉnh Thanh Hóa và 148 triệu đồng tiền trợ cấp xin tinh giản biên chế trước tuổi. Ngoài ra, tôi còn được nhận thêm 13 triệu đồng tiền thừa thời gian tham gia BHXH", ông Quang nói.

cán bộ công chức, tự nguyện tinh giản biên chế

Cán bộ, công chức, viên chức được tinh giản biên chế chủ yếu là những người gần đến tuổi về hưu và số người không hoàn thành nhiệm vụ. Ảnh: NN

Như vậy, cộng tất cả các khoản tiền, ông Quang nhận được gần 230 triệu đồng. Theo tính toán của ông nếu lấy tổng tiền này cộng thêm với tiền lương hưu ông đã nhận được (khoảng 5,5 triệu đồng/tháng) trong 3 năm và chia cho 3 năm công tác (36 tháng, nếu ông đi làm) thì vừa bằng tiền lương mà ông đi làm được hưởng.

"Bởi vậy, tôi thấy chính sách hỗ trợ cho lao động về trước tuổi như trong trường hợp của tôi là hợp lý. Tất nhiên, còn tùy từng hoàn cảnh, tùy từng đối tượng... không phải ai cũng giống tôi", ông Quang nói.

Ông Quang cho rằng, nếu cán bộ, công chức, viên chức không đủ trình độ năng lực, nếu mình công tác ở vị trí lãnh đạo quá lâu, nếu bị kỷ luật... thì cũng nên tự nguyện xin tinh giản biên chế. Điều này không phải là "nhường" hay tự nguyện nữa mà nó phải được xem là "việc nên làm". Tuy nhiên, ông Quang cũng cho rằng không phải ai cũng có đủ dũng cảm từ bỏ công việc đang làm bởi vì nhiều người nghỉ việc (khi tuổi đời, tuổi nghề "không còn trẻ, lại chưa đủ già") rất khó để xin được việc làm mới.

"Thực tế có những người có năng lực trình độ thì không ở, có những người năng lực yếu kém thì lại thích bám lấy công chức. Nhiều người trong số ấy là con ông cháu cha, sống không cần tiền. Bởi vì lương công chức hiện nay cũng đâu có cao, nhất là đối tượng cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ không chuyên trách cấp xã. Vì thế, nếu không cẩn thận thì tinh giản biên chế sẽ rơi vào cảnh người cần không ở, người đuổi lại không đi", ông Quang nói.

2 phương án hỗ trợ khi tinh giản biên chế

Ngoài một số thay đổi liên quan tới bổ sung nhóm đối tượng cán bộ, công chức, viên chức bị kỷ luật vào tinh giản biên chế, Dự thảo nghị định tinh giản biên chế lần này còn đưa ra 2 phương án hỗ trợ.

Phương án 1: Cứ mỗi tháng nghỉ trước so với thời điểm kết thúc lộ trình giải quyết cán bộ, công chức, viên chức dôi dư theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì được hưởng trợ cấp 1.800.000 đồng (bằng một tháng lương cơ sở áp dụng từ 1/7).

Phương án 2: Cứ mỗi tháng nghỉ trước so với thời điểm kết thúc lộ trình giải quyết cán bộ, công chức, viên chức dôi dư theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì được hưởng trợ cấp bằng 1/2 tháng lương hiện hưởng.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Hoa, từng cán bộ công chức phòng Văn hóa - Xã hội ở một xã thuộc tỉnh Nghệ An cũng đang trong diện tinh giản biên chế do xã trong quá trình sáp nhập lại.

Chị Hoa tâm sự: "Dù phải nghỉ việc mình rất buồn, nhưng do tính chất công việc và nhiệm vụ không còn phù hợp thì mình cũng đành chấp nhận nghỉ việc, tinh giản sớm".

Chị Hoa chia sẻ thêm, dù còn 5 năm nữa mới về hưu nhưng giờ không làm nhà nước nữa thì cũng không biết phải làm gì. Tuổi 50 rồi có đi xin việc cũng rất khó, chẳng ai nhận nên về là về luôn.

"Nếu nhà nước quan tâm, có sự hỗ trợ thêm cho chúng tôi thì chúng tôi rất phấn khởi. Tôi ủng hộ phương án 2 trợ cấp gần 200 triệu đồng cho những người thuộc diện 'tự nguyện' tinh giản biên chế", chị Hoa nói.

Tinh giản biên chế với cán bộ, công chức, viên chức chưa đạt mục tiêu

Theo số liệu thẩm tra về tinh giản biên chế đến hết ngày 15/10/2018 và số liệu kiểm tra tinh giản biên chế đến hết ngày 30/6/2022 của Bộ Nội vụ cho thấy đến nay, các bộ, ngành, địa phương đã tinh giản 79.024 người (bộ, ngành 5.510 người; địa phương 73.5134 người).

Bộ Nội vụ cho biết, nếu tính theo đối tượng áp dụng thì số viên chức nghỉ tinh giản biên chế cao nhất, chiếm 66,115%; cán bộ, công chức cấp xã chiếm 19,020% và thấp nhất là người làm việc tại khu vực doanh nghiệp: 0,216%... còn lại là các đơn vị khác.

Nếu tính theo lý do tinh giản biên chế thì tinh giản biên chế do đánh giá hàng năm không hoàn thành nhiệm vụ cao nhất, chiếm hơn 52%; do chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo chiếm hơn 15%... Tuy nhiên, tính theo chính sách được hưởng, đối tượng hưởng chính sách về hưu trước tuổi cao nhất, chiếm 81,813%; chính sách thôi việc ngay chiếm 18%...

tinh giản biên chế công chức

Sau 5 năm đã có 79.000 cán bộ, công chức, viên chức trong cả nước được tinh giản biên chế. Ảnh: NN

Tờ trình của Bộ Nội vụ thực hiện Dự thảo nghị định tinh giản biên chế cũng chỉ ra rằng, kết quả tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2021, tuy đạt về chỉ tiêu số lượng nhưng chưa thực sự gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Việc tinh giản biên chế thời gian qua chủ yếu giảm số người về hưu, thôi việc, nghỉ việc, chỉ giảm những người “tinh” (có đủ năng lực tham gia khu vực tư) mà chưa thực sự gắn với việc đánh giá xếp loại hoàn thành công việc.

Bên cạnh đó, có những trường hợp cán bộ, công chức, viên chức tự nguyện muốn nghỉ hưu, thôi việc nhưng lại không thuộc đối tượng tinh giản biên chế nên họ lựa chọn làm việc với hiệu quả không cao để “được” đánh giá xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ để thực hiện tinh giản biên chế. Thực trạng như vậy vừa gây ảnh hưởng đến tính hiệu quả của hoạt động công vụ, vừa gây lãng phí ngân sách nhà nước và mục đích tinh giản biên chế không đạt... vì chỉ giảm được người "tinh" trong khi đó, người có năng lực yếu kém lại không giảm được.

Trước đó, trao đổi với PV Báo Dân Việt, bà Nguyễn Thị Lan Hương - Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động đã cho rằng "Tinh giản biên chế cần được làm thường xuyên, liên tục. Cho thôi việc với cán bộ công chức, viên chức kém năng lực phải là văn hóa trong cơ quan công quyền".

"Tinh giản biên chế nên là việc làm thường xuyên liên tục, nó giống như một dòng sông, có ra thì có vào, liên tục chảy thì nước mới trong. Không phải là việc thích thì làm, làm cho có hay nay có nhu cầu tinh giản người để tăng lương thì mới giản. Cho thôi việc với cán bộ, công chức, viên chức kém năng lực là phải văn hóa, không phải cứ thích là tinh giản".

Bà Hương cũng cảnh báo, nếu không có giải pháp đúng thì công tác tinh giản biên chế sẽ giẫm phải lỗi mòn như trước đây khi thực hiện tinh giản biên chế theo Quyết định 227/HĐBT về việc sắp xếp lại tổ chức, tinh giản biên chế các cơ quan hành chính sự nghiệp vào ngày 29/12/1987, tiếp đó là Quyết định 176 về sắp xếp lại lao động trong các đơn vị kinh tế quốc doanh. Hậu quả là những người "về hưu non" sau đó hối hận, quay lại phản ứng với chính sách vì cuộc sống của họ sau khi nhận trợ cấp 1 lần quá khốn khó.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem