Nhờ chuyển đổi số, doanh nghiệp này không ngại Covid-19 cản đường

Khánh Nguyên Thứ sáu, ngày 19/02/2021 06:11 AM (GMT+7)
Năm 2020, chính nhờ đẩy mạnh chuyển đổi số nhiều doanh nghiệp vẫn giữ được đà tăng trưởng, nông sản vẫn đến được nhiều thị trường nhờ thương mại điện tử. Theo nhiều chuyên gia, chuyển đổi số không còn là câu chuyện của tương lai mà nó đang hiện hữu trong sự phát triển của từng đơn vị.
Bình luận 0

Nắm bắt từng "khe hẹp" thị trường

Năm 2020, lần đầu tiên thế giới phải đối mặt với dịch bệnh trăm năm có một - Covid-19. Ngay lập tức, các chuỗi cung ứng hàng hóa, nông sản bị gián đoạn do chính sách kiểm soát, phong tỏa các quốc gia đặt ra để kiềm tỏa sự lây lan của con virus bí ẩn.

Nhưng trải qua những lúng túng ban đầu, bằng nhiều biện pháp, trong đó có tích cực chuyển đối số, các doanh nghiệp đã chủ động nắm bắt từng khe hẹp của thị trường, đưa nông sản Việt đến được nhiều thị trường, nâng cao vị thế trên trường quốc tế.

Nhờ chuyển đổi số, doanh nghiệp này không ngại Covid-19 cản đường - Ảnh 1.

Ông Thân Văn Hùng (bên trái) - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn VISIMEX trong lễ lý kết thỏa thuận hợp tác với Helvetas Việt Nam.

Nói về một năm sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành, ông Thân Văn Hùng - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn VISIMEX, một doanh nghiệp chuyên sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản cho biết, công ty vẫn giữ được mức tăng trưởng hơn 200% so với năm 2019 nhờ chủ động đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất, ứng dụng công nghệ số trong mọi hoạt động sản xuất kinh doanh...

Nhưng không phải ngẫu nhiên mà VISIMEX đạt được kết quả vô cùng ấn tượng ngay cả khi dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp lao đao, bởi cả chục năm trước, doanh nghiệp này đã chủ động đẩy mạnh áp dụng thương mại điện tử trong việc giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

"Ngay từ năm 2005, tôi đã đăng ký là thành viên miễn phí của Alibaba. Thật không ngờ, nhờ giới thiệu sản phẩm trên sàn giao dịch thương mại điện tử nổi tiếng này, chúng tôi đã tìm kiếm được các đơn hàng từ khắp nơi trên thế giới và dần cải thiện cơ sản xuất…" - ông Hùng cho biết thêm.

tannien/Công nghệ số đưa nông sản vươn xa - Ảnh 1.

Ở những địa phương như Lâm Đồng, Hà Nam,… đã xuất hiện những khu nông nghiệp công nghệ cao với những ứng dụng hiện đại vào sản xuất. Ảnh tư liệu

Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), đến hết tháng 11/2020, đã có 221 đề án cấp quốc gia về xúc tiến thương mại được triển khai thực hiện, hỗ trợ gần 13.000 lượt doanh nghiệp, giá trị các hợp đồng xuất khẩu thương mại điện tử đạt khoảng 34 triệu USD, tổng giá trị của hợp đồng mua bán hàng hóa, đại lý tiêu thụ sản phẩm tại thị trường trong nước và doanh số bán hàng đạt hơn 71 tỷ đồng, thu hút hơn 350.000 lượt khách tham quan.

Không chỉ doanh nghiệp, rất nhiều nông dân, hợp tác xã cũng đã chuyển đổi rất nhanh các phương thức kinh doanh nông sản dưới tác động của dịch Covid-19. 

\Ngay khi dịch Covid-19 xuất hiện, ảnh hưởng đến việc tiêu thụ nông sản, HTX thủy sản Xuyên Việt (huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) đã đẩy mạnh các kênh tiêu thụ trực tuyến, bán hàng online, nhờ vậy, kết quả sản xuất kinh doanh rất khả quan.

Đàm phán trực tuyến, giúp nông sản xuất khẩu

Ngày 8/12/2020, lãnh đạo Bộ NNPTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã chính thức ký Nghị định thư cho phép xuất khẩu chính ngạch thạch đen sang Trung Quốc tại cuộc họp trực tuyến giữa hai bên. Đây được coi là giấy thông hành chính thức để sản phẩm này có thể xuất khẩu chính ngạch sau 2 năm đàm phán.

Cũng với hình thức trực tuyến, Bộ NNPTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã và đang đàm phán để có thêm nhiều sản phẩm nông sản Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này, trước mắt là tổ yến, sau đó là sầu riêng, khoai lang,… 

Ngoài thị trường Trung Quốc, Bộ NNPTNT cũng tổ chức các cuộc họp trực tuyến với đối tác Nhật Bản để đẩy mạnh cơ hội xuất khẩu nông sản. 

 Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ NNPTNT cho biết, những năm gần đây, ngành nông nghiệp đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến nhiều các giải pháp chuyển đổi số và ứng dụng trong các lĩnh vực.

Trong trồng trọt, công nghệ IOT, Big Data bắt đầu được ứng dụng thông qua các sản phẩm công nghệ số như phần mềm cho phép phân tích các dữ liệu về môi trường, loại cây và giai đoạn sinh trưởng của cây, người tiêu dùng có thể truy xuất và theo dõi các thông số này theo thời gian thực… Công nghệ IOT, Blockchain, công nghệ sinh học được áp dụng rộng ở trang trại chăn nuôi quy mô lớn.

Trong lâm nghiệp, ứng dụng công nghệ DND mã mạch trong quản lý giống lâm nghiệp và lâm sản; công nghệ GIS và ảnh viễn thám để xây dựng các phần mềm phát hiện sớm và cảnh báo cháy rừng, phát hiện sớm mất rừng, suy thoái rừng...

 Trong thủy sản, cũng chuyển đổi số mạnh mẽ như việc sử dụng thiết bị dò cá sử dụng sóng siêu âm, máy đo dòng chảy, điện thoại vệ tinh; máy thu lưới vây (đứng); hệ thống thu - thả lưới chụp, công nghệ GIS và hệ thống định vị toàn cầu (GPS) giúp quản lý đội tàu khai thác hải sản xa bờ. 

Từ góc độ doanh nghiệp, ể chuyển đổi số trong nông nghiệp thành công, ông Thân Văn Hùng cho rằng, các chính sách được ban hành cần phù hợp với thực tiễn sản xuất, có “tính thực tiễn cao” nhằm huy động các nguồn lực để phát triển đồng bộ, toàn diện nông nghiệp thông minh 4.0, từ đó chủ động đầu tư công nghệ phù hợp với từng vùng sinh thái và quy mô sản xuất để tạo ra một luồng sinh khí mới.

"Chúng tôi mong muốn Chính phủ đứng ra tạo ra một hệ sinh thái nông nghiệp số để cho doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận" - ông Hùng nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem