Công trình trăm tỷ tan nát ngoài sức tưởng tượng: Dân mong công an vào cuộc điều tra

Trần Hòe Thứ tư, ngày 25/11/2020 13:18 PM (GMT+7)
Ngày 25/11, PV nhiều cơ quan báo chí đã làm việc với Ban quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế về vụ tuyến đường trăm tỷ dù chỉ bị ảnh hưởng của bão nhưng hư hỏng nghiêm trọng.
Bình luận 0

Về vụ công trình trăm tỷ ở Thừa Thiên Huế dù chỉ bị ảnh hưởng của bão nhưng đã tan nát ngoài sức tưởng tượng, ngày 25/11, PV nhiều cơ quan  báo chí đã làm việc với Ban quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế.

Công trình trăm tỷ tan nát ngoài sức tưởng tượng: Dân mong công an vào cuộc điều tra  - Ảnh 1.

Lãnh đạo Ban quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế trả lời báo chí. Ảnh: Trần Hòe.

Theo Ban quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế, dự án Đường phía Đông đầm Lập An (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc) có tổng mức đầu tư 172 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng 110 tỷ đồng. Công trình khởi công vào tháng 1/2019, do Ban quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế cấp quyết định đầu tư.

Công trình trăm tỷ tan nát ngoài sức tưởng tượng: Dân mong công an vào cuộc điều tra  - Ảnh 2.

Tuyến đường Đông đầm Lập An ở thị trấn Lăng Cô tan nát ngoài sức tưởng tượng. Ảnh: Trần Hòe.

Đơn vị tư vấn thiết kế công trình là Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế giao thông Thừa Thiên Huế. Đơn vị thi công là liên doanh các nhà thầu: Công ty Cổ phần 1.5, Công ty TNHH Xây dựng Đồng Tâm, Công ty Cổ phần Thành An (đều đóng tại Thừa Thiên Huế), Công ty TNHH Xây dựng tổng hợp Minh Đạt (đóng tại Quảng Bình) và Công ty TNHH Thương mại và xây dựng Long Đại Thịnh (đóng tại Đà Nẵng.

Công trình trăm tỷ tan nát ngoài sức tưởng tượng: Dân mong công an vào cuộc điều tra  - Ảnh 3.

Gạch, bê tông tuyến đường bong tróc, vỡ nát dù chỉ sau một đợt ảnh hưởng của bão. Ảnh: Trần Hòe.

Tổng chiều dài các tuyến đường là 3,4km, trong đó nâng cấp, cải tạo, chỉnh trang tuyến đường Nguyễn Văn (chạy dọc đầm Lập An) dài 3km. Trên các tuyến xây dựng hoàn chỉnh các hạng mục theo quy hoạch được phê duyệt gồm: Hệ thống giao thông mặt đường BTN, vỉa hè lát gạch terrazo, cây xanh bóng mát, hệ thống thoát nước mưa, hệ thống thoát nước thải, hệ thống điện chiếu sáng và trang trí, hệ thống cấp nước và phòng cháy chữa cháy, 5 điểm ngắm cảnh mở rộng phía đầm Lập An, hệ thống lan can dọc đầm bằng bê tông cốt thép.

Trong đó, phần vỉa hè phía phải tuyến đường Nguyễn Văn xây dựng mới 10.000m2, lát gạch terrazo. Lan can loại 2 dài 0,7km bằng bê tông cốt thép, có tay vịn, trụ và tấm lam thi công lắp ghép. Lan can loại 1 dài 2,3km, kết cấu lan can loại 1 đặt trên nền đường hiện hữu bên ngoài tận dụng gia cố mái bằng đá hộc đã thi công từ năm 2.000, là một hạng mục của đường Nguyễn Văn cũ.

Video: Tuyến đường đi bộ Đông đầm Lập An ở thị trấn Lăng Cô hư hỏng hết sức nghiêm trọng chỉ sau đợt ảnh hưởng của cơn bão số 13.

Ban quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, ảnh hưởng của bão số 13 ngày 14 và 15/11/2020 đã khiến công trình có những thiệt hại. Trong đó, lan can loại 1 hư hỏng 1,8km/2,3km, chiếm 78%. Lề đường terrazzo hư hỏng 31.000m2/10.000m2, chiếm 31%. Mái taluy bằng đá hộc xây hư hỏng 2km/3km, chiếm 67%. Tổng thiệt hại do công trình hư hỏng là 5 tỷ đồng.

Ban quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, công trình bị hư hỏng là do thiên tai. Cụ thể, theo giải thích của Ban, nước đầm dâng cao từ 0,5-0,8m so với mặt đường kết hợp sóng vỗ mạnh cuốn theo các vật nổi như thuyền, bè gỗ, phao, củi gỗ nên làm hư hỏng lan can loại 1, đánh vỡ mái taluy đá hộc, xói trôi đất cát dưới lề đường tạo thành các hố sụp, xói lở làm hư hỏng lề đường.

Công trình trăm tỷ tan nát ngoài sức tưởng tượng: Dân mong công an vào cuộc điều tra  - Ảnh 5.

Tuyến đường tan nát như bị giội bom sau đợt ảnh hưởng của bão số 13. Ảnh: Trần Hòe.

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc chỉ mới chịu ảnh hưởng của bão nhưng công trình đã bị hư hỏng nghiêm trọng, phía chủ đầu tư cho rằng do mục tiêu của dự án là để tạo cảnh quan. Theo giải thích của chủ đầu tư, lan can đường được thiết kế dựa trên các tiêu chí như an toàn cho người đi bộ, thẩm mĩ, mĩ quan công trình. Lan can không phải là hạng mục chịu được lực sóng kèm theo va đập của các vật trôi nổi do bão, sóng nên dẫn đến bị hư hại khi ảnh hưởng của bão số 13.

Theo phản ánh của người dân thị trấn Lăng Cô, ngay sau khi công trình bị hư hại, họ chứng kiến công nhân ngày đêm đi đập nát hết những phần bê tông cốt thép bị gãy sập rồi vứt xuống đầm Lập An. Trả lời về vấn đề này, phía Ban quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng thông tin này không đúng. Theo ban này, công trình đã được mua bảo hiểm nên phải giữ hiện trường để phía bảo hiểm giám định, đề bù.

Công trình trăm tỷ tan nát ngoài sức tưởng tượng: Dân mong công an vào cuộc điều tra  - Ảnh 6.

Bê tông cốt thép bị gãy văng khắp nơi. Ảnh: Trần Hòe.

Cũng theo người dân thị trấn Lăng Cô, trước việc công trình hư hỏng nghiêm trọng có thể do liên quan đến chất lượng thiết kế và thi công, cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc. Qua báo chí, người dân đề nghị cơ quan công an vào cuộc điều tra làm rõ những nghi vấn về chất lượng công trình. Nêu quan điểm về đề nghị này của người dân, lãnh đạo Ban quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế nói đây là chuyện của cơ quan pháp luật, phía Ban không trả lời được vấn đề này.

Như Dân Việt đã thông tin, những ngày qua, nhiều người dân ở thị trấn Lăng Cô bức xúc trước việc công trình đường phía Đông đầm Lập An ở thị trấn này bị hư hỏng hết sức nghiêm trọng chỉ sau đợt ảnh hưởng của cơn bão số 13. Bão số 13 không trực tiếp đổ bộ vào Thừa Thiên Huế nhưng công trình đã bị hư hỏng ngoài sức tưởng tượng.

Công trình trăm tỷ tan nát ngoài sức tưởng tượng: Dân mong công an vào cuộc điều tra  - Ảnh 7.

Bê tông vỡ vụn như bị máy nghiền. Ảnh: Trần Hòe.

Theo ghi nhận của PV, sau ảnh hưởng của cơn bão số 13 vừa qua, nhiều đoạn của tuyến đường này bị vỡ nát hoàn toàn. Từ nền, gạch lát cho đến các bộ phận bằng bê tông cốt thép đều bị sóng đánh vỡ, gãy nát. Nhiều chỗ bê tông bị vỡ vụn như bị máy nghiền.

Nhiều người dân địa phương cho biết, trong cơn bão số 13, tại thị trấn Lăng Cô do ảnh hưởng của bão nên có gió khoảng cấp 6 đến cấp 7, cấp 8, giật khoảng cấp 9 đến cấp 10, gây ra sóng khá lớn. 

Công trình trăm tỷ tan nát ngoài sức tưởng tượng: Dân mong công an vào cuộc điều tra  - Ảnh 8.

Nhiều người dân thị trấn Lăng Cô cho rằng, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc làm rõ chất lượng thiết kế, thi công công trình này. Ảnh: Trần Hòe.

"Đây là công trình ven đầm phá, thị trấn Lăng Cô là thị trấn ven biển nên rõ ràng việc thiết kế, thi công trình phải bảo đảm chịu đựng được sự tác động của gió và sóng lớn. Cơn bão số 13 không đổ bộ vào Thừa Thiên Huế, chỉ mới ảnh hưởng của bão mà công trình đã vỡ nát như bị giội bom thì rõ ràng cần xem lại chất lượng" - một người dân tổ dân phố An Cư Tân (thị trấn Lăng Cô) bức xúc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem