Công ty 144.000 tỷ đồng tại Hoài Đức khai khống vốn góp: Đối mặt án phạt nào?

Trung Kiên Thứ năm, ngày 27/02/2020 15:25 PM (GMT+7)
Công ty cổ phần tư vấn đầu tư quốc tế và dịch vụ thương mại USC gây bất ngờ khi đăng ký vốn sở hữu lên tới 144.000 tỷ đồng (6,3 tỷ USD). Tuy nhiên, theo cán bộ xã Kim Chung (Hoài Đức – Hà Nội) thì đây là công ty có hành vi khai khống số vốn góp cổ phần.
Bình luận 0

Cán bộ xã Kim Chung bất ngờ

Công ty cổ phần tư vấn đầu tư quốc tế và dịch vụ thương mại USC (viết tắt tên tiếng Anh là USC Interco., JSC.) được đăng ký vào ngày 17/1 đang nhận được sự chú ý lớn của dư luận khi sở hữu vốn đăng ký lên tới 144.000 tỷ đồng (6,3 tỷ USD). Với số vốn điều lệ này đưa USC Interco vượt qua hàng loạt ông lớn trong nước như Vingroup, VinHomes,… và tương đương tổng vốn điều lệ của 4 ngân hàng nhà nước lớn nhất là Agribank, BIDV, Vietcombank và Vietinbank cộng lại. Và USC Interco trở thành doanh nghiệp có vốn điều lệ lớn thứ 3 Việt Nam, chỉ đứng sau PetroVietnam, EVN.

Dù sở hữu vốn đăng ký hàng trăm nghìn tỷ đồng nhưng USC Interco., JSC.) lại có trụ sở đăng ký ở con ngõ nhỏ tại địa chỉ số 10, ngõ 234 đường Thôn Lai Xá, Xã Kim Chung, Huyện Hoài Đức, Thành phố Hà Nội. Doanh nghiệp có 3 cổ đông góp vốn gồm:

- Bà Kim Thị Phương (thường trú huyện Đan Phượng, Hà Nội) góp 43.200 tỷ đồng (chiếm 30%).

- Ông Nguyễn Hoàn Sơn (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) góp 57.600 tỷ đồng chiếm 40% vốn điều lệ.

-Ông Trần Gia Phong (huyện Đan Phượng, Hà Nội) góp 43.200 tỷ đồng (chiếm 30%). Ông Trần Gia Phong sinh năm 1979 là người đại diện pháp luật của công ty.

img

img

Trụ sở công ty có vốn đăng ký 144.000 tỷ đồng nằm trong con ngõ nhỏ

Sáng 27/2, phóng viên có mặt tai ngôi nhà được đăng ký là trụ sở công ty USC Interco, tuy nhiên cổng đóng kín và không có ai ở đây. Trao đổi với phóng viên, một cán bộ văn phòng của xã Kim Chung (Hoài Đức – Hà Nội) cho biết các cán bộ trong xã rất bất ngờ khi nghe được thông tin địa bàn xã có công ty sở hữu vốn đăng ký trăm nghìn tỷ đồng. Theo vị này, xã đã cử người tới nhà bà Kim Thị Phương trên địa chỉ đăng ký doanh nghiệp để trao đổi, xác minh thông tin.

Trong cuộc trao đổi với đoàn cán bộ địa phương, bà Phương thừa nhận mình chỉ làm nghề bán nước và cũng rất bất ngờ khi biết mình sẽ phải góp số tiền lên tới hàng tỷ USD vào công ty. Người phụ nữ này cho biết có quen với ông Trần Gia Phong do cùng làm nhà phân phối nước đóng chai, còn ông Sơn làm nghề buôn gỗ.

Bà không trực tiếp tham gia làm đăng ký kinh doanh mà cho hai người kia mượn chứng minh thư và địa chỉ nhà để làm các thủ tục hành chính và giấy phép kinh doanh. Về thông tin bà Kim Thị Phương có địa chỉ đăng ký thường trú tại huyện Đan Phượng, Hà Nội trên phần giới thiệu cổ đông sáng lập công ty USC Interco, vị cán bộ văn phòng xã Kim Chung cho biết bà Phương lấy chồng về xã nhưng chưa cắt hộ khẩu gốc của mình ở nơi sinh ra.

Ông Lê Văn Nhất – trưởng thôn Lai Xá, xã Kim Chung cũng cho biết rất bất ngờ trước thông tin bà Phương góp số tiền lớn vào đăng ký thành lập doanh nghiệp. Ông Nhất thừa nhận ban đầu tưởng bà Phương chỉ cho thuê địa điểm để doanh nghiệp đăng ký trụ sở và không nghĩ bà là một trong những cổ đông góp 30% vốn.

Vị trưởng thôn sinh năm 1950 chia sẻ chồng bà Phương mới mất cách đây không lâu, 3 mẹ con đang sống cùng mẹ chồng hơn 80 tuổi. Ngôi nhà hiện tại cũng đang cắm vay ngân hàng chưa có tiền trả và gia đình cũng phải chạy ăn từng bữa.

Cũng theo ông Nhất, bà Phương có chia sẻ vào tháng 12/2019, bà được ông Phong và ông Sơn rủ thành lập công ty nhưng không biết mục đích cụ thể sẽ kinh doanh gì. Bà được hứa hẹn tham gia công ty sẽ giúp việc bán nước đóng bình của mình trở nên dễ dàng hơn.

Dù đăng ký góp 30% vốn, nhưng bà Phương cũng không biết số tiền cụ thể phải góp là bao nhiêu. Đến nay bà mới mất khoảng 2 triệu do bị Phong trừ trực tiếp tiền doanh thu bán nước để làm đăng ký kinh doanh cho công ty có số vốn đăng ký lên tới 6,3 tỷ USD.  

Khai khống vốn góp bị xử phạt như thế nào?

Những trao đổi của bà Kim Thị Phương cho thấy USC Interco sẽ khó có đủ số vốn góp đăng ký 144.000 tỷ đồng như đăng ký. Trao đổi với phóng viên, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư tại VPLS Tinh Thông Luật cho biết theo Luật doanh nghiệp hiện hành thì thời hạn góp vốn điều lệ vào doanh nghiệp là 90 ngày kể từ ngày doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Trong luật quy định chi tiết về thời gian góp vốn, điều chỉnh góp vốn khi chưa góp đủ.

img

Luật sư Diệp Năng Bình cho biết các cổ đông của USC Interco có thể bị xử phạt vì khai khống vốn góp

Tại Điều 17, Luật Doanh nghiệp 2014 quy định rõ 7 hành vi bị nghiêm cấm, cụ thể: Cấm kê khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và nội dung hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp. “Kê khai khống vốn điều lệ, không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký; cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị”, Luật Doanh nghiệp 2014 nêu rõ.

Đồng thời theo quy định tại khoản 3 Điều 28 Nghị định 50/2016/NĐ-CP quy định mức phạt tiền 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh khi không góp đủ vốn Điều lệ như đã đăng ký.

Biện pháp khắc phục hậu quả sẽ buộc đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp, cổ phần của các thành viên, cổ đông bằng số vốn đã góp đối với hành vi vi phạm quy định.

Luật sư Bình khẳng định việc công ty khai khống vốn điều lệ là một trong những hành vi bị nghiêm cấm theo Luật doanh nghiệp 2014. Khi cơ quan có thẩm quyền phát hiện ra hành vi này, công ty sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Ngoài ra doanh nghiệp buộc đăng ký điều chỉnh vốn Điều lệ bằng số vốn đã góp đối với hành vi vi phạm.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem