Công ty mang “dấu ấn” Trịnh Xuân Thanh sắp bị hủy niêm yết?

Quốc Hải Thứ ba, ngày 14/04/2020 13:19 PM (GMT+7)
Ba năm liên tiếp có lợi nhuận sau thuế âm, PVX (Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam; HNX: PVX) - doanh nghiệp mang “dấu ấn” của Trịnh Xuân Thanh - có thể bị hủy niêm yết bắt buộc theo Nghị định 58/2012.
Bình luận 0

Trên sàn giao dịch chứng khoán, cổ phiếu PVX đang có 4 phiên liên tiếp tăng kịch trần nhưng thị giá chỉ đạt… 1.100 đồng/CP. Thuộc top cổ phiếu giá “bèo” nhất trên thị trường chứng khoán hiện nay, dù có tới 9 công ty con và 12 công ty liên kết có tên tuổi trong ngành dầu khí, bất động sản, khách sạn…

img

Trịnh Xuân Thanh hồi còn làm Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (Ảnh: IT)

Từ “ông lớn” của PVN đến hành trình thua lỗ không tưởng

Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC; HNX: PVX) được thành lập từ năm 1983 với tên gọi là Xí nghiệp Liên hợp Xây lắp Dầu khí, sau được cổ phần hóa và chuyển đổi thành Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (năm 2007) - đây cũng là giai đoạn đánh dấu “dấu ấn” của Trịnh Xuân Thanh trong vai trò Tổng Giám đốc. Một năm sau đó, từ một DN chỉ có vốn điều lệ vỏn vẹn 150 tỷ đồng, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã “rót” vốn để PVC nâng vốn điều lệ lên 1.500 tỷ đồng, nhằm đảm nhiệm các dự án lớn trong ngành dầu khí trên bờ.

Năm 2009, Trịnh Xuân Thanh trở thành Chủ tịch HĐQT của PVC và doanh nghiệp này tiến hành niêm yết 150 triệu cổ phiếu trên sàn HNX. Trong giai đoạn này, với việc được giao triển khai nhiều dự án tầm cỡ như: Nhiệt điện Thái Bình 2, Nhiệt điện Vũng Áng, Lọc dầu Nghi Sơn… cổ phiếu PVX trở thành hàng “hot” trên sàn HNX khi có thời điểm đạt mức giá 30.000 đồng/CP. Sau đó PVC tiếp tục tăng vốn lên 4.000 tỷ đồng và trở thành một trong những Tổng công ty lớn nhất của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Với việc được PVN giao triển khai nhiều dự án lớn, PVC đã thành lập hàng chục công ty liên doanh, liên kết hoạt động trong các lĩnh vực như xây dựng, xây lắp, vật liệu, bất động sản, tài chính… Tuy vậy, phần lớn các DN này đều hoạt động kém hiệu quả, hoặc thua lỗ, phá sản khiến lợi nhuận của PVC bắt đầu lao dốc mạnh.

Từ con số lợi nhuận sau thuế lên tới 742 tỷ đồng (năm 2010), bước sang năm 2011, lợi nhuận của PVC chỉ còn 117 tỷ đồng; và càng thảm hại hơn khi 2 năm liên tiếp sau đó (năm 2012, 2013) lợi nhuận sau thuế của PVC lần lượt là con số âm lên tới 1.847 tỷ đồng và 2.228 tỷ đồng do phải trích lập dự phòng đầu tư tài chính, dự phòng phải thu khó đòi, dự phòng các khoản vay bảo lãnh ngân hàng...

Trong 3 năm kế tiếp (từ 2014-2016), những tưởng PVC sẽ vực dậy được khi lợi nhuận sau thuế lần lượt phục hồi ở mức 10 tỷ đồng, 23 tỷ đồng và 92 tỷ đồng. Tuy nhiên, PVC lại tiếp tục khiến nhà đầu tư thất vọng khi trong 3 năm liên tiếp (từ 2017-2019), PVC lần lượt báo lợi nhuận sau thuế là âm tròn trĩnh với các con số 416 tỷ đồng, 414 tỷ đồng và 393 tỷ đồng.

img

Cổ phiếu PVX liên tục tăng trần trong 4 phiên liên tiếp nhưng đang đối diện với nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc

Tính đến 31/12/2019 lỗ lũy kế của PVC đã tăng lên gần 3.899 tỷ đồng, tương đương 97% vốn điều lệ. Tổng tài sản của PVC là 9.668 tỷ đồng; Tổng vay nợ hơn 1.500 tỷ đồng.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu PVX từ đầu năm 2020 đến nay chỉ giao động quanh vùng giá 1.000 đồng/CP, thuộc vào “top” cổ phiếu rẻ mạt nhất thị trường, có thời điểm giá cổ phiếu của “ông lớn” ngành dầu khí này chỉ còn 700 đồng/CP. Vốn hóa thị trường của PVC hiện cũng chỉ đạt 400 tỷ đồng.

Sẽ bị hủy niêm yết?

Mở phiên giao dịch hôm nay 14/4, cổ phiếu PVX vẫn tăng trần nhưng chỉ đạt mức giá 1.100 đồng/CP; đây cũng là phiên tăng trần thứ 4 liên tiếp của cổ phiếu PVX. Tuy nhiên, có thể PVX sắp bị hủy niêm yết bắt buộc, nguyên nhân là vì PVC không chỉ có ba năm liên tiếp có lợi nhuận sau thuế âm (đây là một trong các điều kiện khiến DN phải bị hủy niêm yết bắt buộc theo Nghị định 58/2012), mà bên cạnh đó, PVC đã bị kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến về BCTC năm 2019 đã kiểm toán.

img

Các công ty con và công ty liên kết của PVC

Cụ thể, đơn vị kiểm toán là Deloitte đã đưa ra tới 11 vấn đề để từ chối cho ý kiến kiểm toán. Chẳng hạn, khoản lỗ lũy kế đến năm 2019 khoảng 3.898,6 tỷ đồng, nợ phải trả vượt quá nợ ngắn hạn khoảng 563 tỷ đồng. Tổng công ty đang thiếu hụt vốn lưu động để thanh toán các khoản nợ đến hạn số dư gốc vay khoảng 1.011,3 tỷ đồng; không thu thập bằng chứng kiểm toán tại các đơn vị thành viên như Petroland, Khách sạn Lam Kinh, PVC MS, dự án Dầu khí Thái Bình, Dầu khí Đông Đô... PVC đã thực hiện hoàn nhập dự phòng nghĩa vụ nợ phải trả liên quan đến thư bảo lãnh cho PVC-SG vay vốn tại 01 tổ chức tín dụng với số tiền 99,9 tỷ đồng trong năm 2016. Tại ngày lập BCTC hợp nhất PVC vẫn đang làm việc với PVC-SG và tổ chức tín dụng để giải tỏa nghĩa vụ bảo lãnh…

Như vậy, với kết quả kinh doanh 3 năm liên tiếp có lợi nhuận sau thuế âm, cùng với việc đơn vị kiểm toán từ chối cho ý kiến, có lẽ Bluechips một thời trên HNX sắp phải rời khỏi sàn.

Hiện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hiện đang nắm giữ hơn 217,8 triệu cổ phiếu PVX (tỷ lệ 54,47% vốn) của PVC.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem