Công ty Nhật Cường của ông Bùi Quang Huy "làm xiếc" lợi nhuận thế nào?

Huyền Anh Chủ nhật, ngày 17/01/2021 06:30 AM (GMT+7)
Tại báo cáo tài chính các năm từ 2014 đến hết năm 2018 do Cục Thuế TP.Hà Nội cung cấp, Công ty Nhật Cường của ông Bùi Quang Huy lãi trước thuế xấp xỉ 4,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, trích xuất trên số liệu hệ thống ghi nhận thực tế nội bộ Công ty Nhật Cường, con số lợi nhuận này lên tới 8,27 tỷ đồng.
Bình luận 0

Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an vừa hoàn tất Bản kết luận điều tra vụ án hình sự "Buôn lậu"; "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (Công ty Nhật Cường) của ông Bùi Quang Huy.

2 con số lợi nhuận tại Công ty Nhật Cường của ông Bùi Quang Huy

Theo kết luận điều tra, Công ty Nhật Cường được thành lập năm 2001, vốn điều lệ 600 triệu đồng do ông Bùi Quang Huy (hiện bị truy nã) làm Tổng Giám đốc, người đại diện pháp luật. Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thay đổi lần thứ 28 vào tháng 5/2019, với vốn điều lệ 38 tỷ đồng.

Quá trình hoạt động, Công ty Nhật Cường của ông Bùi Quang Huy đăng ký kinh doanh nhiều ngành nghề, trong đó có ngành nghề kinh doanh chính là buôn bán thiệt bị và linh kiện điện tử, viễn thông.

Con số lợi nhuận tại  2 hệ thống sổ sách kế toán của Công ty Nhật Cường do ông Bùi Quang Huy làm Tổng Giám đốc "chênh" 3,4 tỷ đồng

Con số lợi nhuận tại 2 hệ thống sổ sách kế toán của Công ty Nhật Cường do ông Bùi Quang Huy làm Tổng Giám đốc "chênh" 3,4 tỷ đồng

Trong thời gian từ năm 2014 đến 9/5/2019 (thời điểm thực hiện khám xét khẩn cấp), ông chủ Nhật Cường là Bùi Quang Huy chỉ đạo Giám đốc tài chính Nguyễn Bảo Ngọc và bà Nguyễn Thị Bích Hằng (Kế toán trưởng) lập, sử dụng ghi sổ sách kế toán trên hai hệ thống, đầy đủ trên hệ thống bí mật, nội bộ và không ghi chép hết trên hệ thống công khai với cơ quan quản lý Nhà nước.

Tại tài liệu do Cục Thuế TP.Hà Nội cung cấp (gồm: các Báo cáo tài chính, báo cáo thuế, tờ khai thuế giá trị gia tăng của Công ty Nhật Cường trong các năm 2014 đến hết năm 2018) thể hiện: Tổng tài sản của Công ty Nhật Cường khoảng 503 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế xấp xỉ 4,9 tỷ đồng.

Các báo cáo thuế từ 2014 - 2018 cho thấy, tổng thuế thu nhập doanh nghiệp của công ty này nộp ngân sách là gần 1,38 tỷ đồng, thuế giá trị gia tăng gần 12,7 tỷ đồng.

Trong khi đó, theo trích xuất trên số liệu hệ thống ghi nhận thực tế nội bộ Công ty Nhật Cường, tổng tài sản công ty là hơn 883 tỷ đồng; tổng lợi nhuận trước thuế 8,27 tỷ đồng.

Tại bảng kê mua hàng và bán hàng, bảng kê mua hàng và bán hàng không hóa đơn của Công ty Nhật Cường cho thấy, tổng giá trị hàng mua vào là 5.782 tỷ đồng. Trong đó, giá trị có hóa đơn (có nộp thuế) là 1.567,6 tỷ đồng. Như vậy, có đến 4,215 tỷ đồng tổng giá trị hàng mua không có hóa đơn.

Tổng giá trị hàng bán ra là 6.067 tỷ đồng, trong đó tổng giá trị hàng bán ra có hóa đơn (có nộp thuế) chỉ hơn 1.583 tỷ đồng. Tổng giá trị hàng bán ra không có hóa đơn (không nộp thuế) là 4.483 tỷ đồng.

"Tổng tài sản, tổng nguồn vốn, tổng lợi nhuận trước thuế, tổng giá trị hàng hóa mua vào, bán ra có VAT và không có VAT trong các năm từ 2014 đến hết năm 2018 ghi nhận trong hệ thống sổ sách kế toán Công ty Nhật Cường sử dụng có sự chênh lệch lớn. Cụ thể, chênh lệch về tài sản và nguồn vốn là 379,9 tỷ đồng, chênh lệch về lợi nhuận trước thuế gần 3,4 tỷ đồng", kết luận điều tra đề cập.

Cũng theo kết luận điều tra, trong 5 năm kể trên công ty Nhật Cường của ông Bùi Quanh Huy đã trốn thuế giá trị gia tăng số tiền 26,8 tỷ đồng và 3,1 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp.

Con số lợi nhuận tại  2 hệ thống sổ sách kế toán của Công ty Nhật Cường do ông Bùi Quang Huy làm Tổng Giám đốc "chênh" 3,4 tỷ đồng

Công an khám xét và thu giữ tang vật tại hệ thống cửa hàng Nhật Cường hồi tháng 5/2019.

Hưởng lợi bất chính hơn 221 tỷ đồng

Tài liệu điều tra xác định, từ năm 2014 đến ngày 9/5/2019, Công ty Nhật Cường của ông Bùi Quang Huy đã giao dịch mua 2.502 đơn hàng với 255.311 sản phẩm điện thoại, thiết bị điện tử với tổng giá trị hơn 2.927 tỷ đồng của nhiều chủ hàng tại các nước Mỹ, UAE, Singapore, Hồng Kông…

Sau khi mua hàng, Bùi Quang Huy và đồng phạm không ký hợp đồng với các nhà cung cấp để nhập khẩu chính ngạch, thay vào đó chi số tiền gần 72 tỷ đồng để vận chuyển trái phép từ nước ngoài về Việt Nam phân phối.

Chỉ tính riêng một nhánh vận chuyển hàng lậu qua đường hàng không của đường dây này, từ tháng 1/2016 – 11/2017, Công ty Nhật Cường đã tổ chức vận chuyển trái phép từ Hồng Kông về Việt Nam qua sân bay Nội Bài (với thủ đoạn lập khống hồ sơ hải quan) 322 đơn hàng, với 40.000 sản phẩm, tổng trị giá 549 tỷ đồng, giúp Bùi Quang Huy và đồng phạm hưởng lợi 39,9 tỷ đồng.

Một thống kê khác, trong thời gian từ tháng 11/2017 – 9/2018 đã vận chuyển trái pháp luật 183 đơn hàng, với 16.976 sản phẩm, tổng trị giá 307,8 tỷ đồng từ Hồng Kông về Việt Nam theo đường hàng không qua sân bay Nội Bài, giúp Bùi Quang Huy và đồng phạm hưởng lợi 20,5 tỷ đồng…

Tính đến 9/5/2019, Bùi Quang Huy và đồng phạm đã nhận, nhập kho 255.236 sản phẩm; đã tiêu thụ 254.364 sản phẩm, hưởng lợi bất chính hơn 221 tỷ đồng.

Công ty Nhật Cường còn lại 872 sản phẩm chưa tiêu thụ. Ngoài ra, còn 75 sản phẩm trong lô hàng 1.157 điện thoại di động bị bắt ngày 21/9/2018 tại Chi cục Hải quan Cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội bài. Tổng giá trị mua của 947 sản phẩm này là 7,7 tỷ đồng.

Quá trình điều tra, Cơ quan chức năng đã phong tỏa một số tài khoản trị giá hơn 8 tỷ đồng; tạm giữ gần 2.000 sản phẩm điện thoại, đồng hồ Apple, máy tính...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem