Covid-19 Hải Dương: Chính quyền xắn tay giúp nông dân bán hàng tấn cá nước ngọt

Thi Ngọc Thứ tư, ngày 01/09/2021 18:36 PM (GMT+7)
Ngành chăn nuôi thủy sản nước ngọt của tỉnh Hải Dương hiện đang chịu ảnh hưởng rất nặng nề do dịch bệnh Covid-19. Hàng nghìn tấn cá nước ngọt nằm trong ao chờ tiêu thụ. Sở Nông nghiệp và PTNT Hải Dương đã vào cuộc, xắn tay kết nối, hỗ trợ người dân tiêu thụ sản phẩm.
Bình luận 0

Những năm gần đây, chăn nuôi thủy sản được coi là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của ngành nông nghiệp Hải Dương. Do tạo được nhiều công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cao nên ngành chăn nuôi thủy sản được chú trọng, phát triển mạnh mẽ dưới nhiều hình thức.

Một trong những điển hình của Hải Dương hiện nay phải kể đến mô hình chăn nuôi của Hợp tác xã SX & TM Thủy sản Nhật Tân thuộc Liên hiệp hợp tác xã Thủy sản Xuyên Việt, do ông Phạm Văn Hoàn làm đại diện, được thành lập từ năm 2018.

Hải Dương:  Giải pháp nào gỡ khó cho nông dân trong tiêu thu thủy sản? - Ảnh 1.

Ao nuôi cá của Hợp tác xã SXTM Thủy sản Nhật Tân, xã Nhật Tân, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. (Ảnh: Thi Ngọc)

Đây được đánh giá là mô hình chăn nuôi đạt hiệu quả cao, có quy củ, áp dụng kịp thời các công nghệ hiện đại vào nuôi trồng. Đó là mô hình nuôi cá trên ao nổi với diện tích khoảng 22 ha, gổm 7 hộ gia đình. 

Ưu điểm của mô hình này là bề mặt nước luôn thông thoáng, lượng ô-xy nhiều, đáy ao không có bùn cho nên năng suất tăng hơn so với nuôi ở ao chìm gấp từ 1,5 đến 2 lần. Lợi thế khác là chi phí đầu tư làm ao nổi chỉ bằng 60% so với đào ao chìm. 

Đặc biệt, cơ sở sẵn sàng sơ chế tại chỗ cá thương phẩm nếu khách hàng có nhu cầu. Các loại cá được chú trọng chủ yếu là cá trắm, cá chép, rô phi đầu vuông…

Hải Dương: Giải pháp nào gỡ khó cho nông dân trong tiêu thu thủy sản? - Ảnh 2.

Ông Bùi Văn Thăng, Giám đốc Sở Nông Nghiệp; ông Nguyễn Việt Anh, Phó giám đốc Sở nông nghiệp; ông Đặng Xuân Thưởng, Bí thư huyện ủy Gia Lộc và các cán bộ Sở nông nghiệp tham quan mô hình chăn nuôi thủy sản của Hợp tác xã Nhật Tân. (Ảnh: Thi Ngọc)

Được biết, thị trường tiêu thụ của Hợp tác xã Tân Việt chủ yếu là miền Bắc, trong đó có các thị trường khó tính như các nhà hàng, siêu thị… Mỗi năm Hợp tác xã này thu được lợi nhuận khoảng 2 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do dịch bệnh Covid -19 suốt từ năm ngoái tới nay, bà con trong Hợp tác xã đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề.

Nhu cầu thị trường bị sụt giảm trầm trọng, các nhà hàng chuyên tiêu thụ thủy sản bị đóng cửa do giãn cách xã hội. 

Việc các phương tiện phải khai báo y tế khi qua các trạm kiểm soát dịch và phải phụ thuộc vào lưu lượng giao thông trên đường, dẫn đến thời gian di chuyển không xác định để chủ động trong việc bảo quản hàng hóa như trước đây. Chi phí vận chuyển cũng tăng cao. 

Trong khi đó, giá bán sản phẩm thấp mà cũng không tiêu thụ được. 

Hải Dương: Giải pháp nào gỡ khó cho nông dân trong tiêu thu thủy sản? - Ảnh 3.

Các lãnh đạo Sở Nông nghiệp và huyện Gia Lộc tham quan cơ sở đóng gói bánh đa cá rô của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khánh Thọ. (Ảnh: Thi Ngọc)

Để tháo gỡ phần nào những khó khăn trong việc tiêu thụ, chế biến thủy sản của bà con trong hợp tác xã Nhật Tân, Sở Nông nghiệp và PTNN tỉnh Hải Dương đã nhanh chóng vào cuộc kết nối thương mại, tìm các giải pháp để thúc đẩy tiêu thụ thủy sản giúp bà con. 

Anh Bùi Ngọc Huyên, thành viên của Hợp tác xã SX TM Thủy sản Nhật Tân

Gần đây nhất, Sở đã kết nối một số cơ sở chế biến với sản lượng tương đối lớn để tiêu thụ cá cho các hợp tác xã.

Điển hình là Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khánh Thọ, địa chỉ tại số nhà 53, đường Yết Kiêu (phường Hải Tân, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) do bà Bùi Kim Khánh làm Giám đốc đã được kết nối tiêu thụ thủy sản.

Đây là công ty chuyên sản xuất bánh đa cá rô với số lượng lớn, sản phẩm chất lượng. Doanh nghiệp này đã ký hợp đồng tiêu thụ cho Hợp tác xã Nhật Tân mỗi ngày một tấn cá rô đầu vuông (chiếm 1/2 sản lượng cá mỗi ngày của hợp tác xã).

Trao đổi với phóng viên báo Dân Việt, anh Bùi Ngọc Huyên, một thành viên của Hợp tác xã Nhật Tân cho biết, như mọi năm sản phẩm bao tiêu đầu ra khá tốt và ổn định, nhưng năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid nên đầu ra rất khó khăn, đặc biệt là con cá rô đầu vuông. 

"Nhờ sự quan tâm và đến trực tiếp tham quan cơ sở, có giải pháp tháo gỡ của các cấp, các ngành nên tình hình tiêu thụ đã có nhiều biến chuyển. Tới đây, mong các cấp, các ngành quan tâm hơn nữa giúp đỡ chúng tôi. Tôi xin chân thành cảm ơn."- anh Huyên phấn khởi nói. 

Anh Huyên cho biết thêm, bên cạnh những khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm, việc chăn nuôi, sản xuất thủy sản hiện nay của hợp tác xã cũng đang gặp một số vấn đề như giá cả thức ăn chăn nuôi tăng cao (tới 20%), môi trường nước ngày càng giảm chất lượng cần phải cải tạo, dịch bệnh cũng bắt đầu xuất hiện.

Được biết, diện tích nuôi cá nước ngọt của tỉnh Hải Dương hiện tại khoảng 11.300 ha với sản lượng khoảng 90.000 tấn/năm và chất lượng sản phẩm khá tốt. Tuy nhiên, trong thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid - 19 nên việc tiêu thụ sản phẩm rất khó khăn.

Ông Vũ Việt Anh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hải Dương.

Ông Vũ Việt Anh, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh  Hải Dương chia sẻ, lãnh đạo cũng như chuyên viên của Sở những ngày qua đã tìm mọi biện pháp để giúp bà con tiêu thụ sản phẩm. 

"Chúng tôi đã liên hệ với các cơ sở thu mua trong và ngoài tỉnh nhằm đẩy mạnh việc tiêu thụ hàng tươi sống. Một hướng khác nữa là đẩy mạnh việc sơ chế, chế biến sâu thành các sản phẩm cung cấp cho các siêu thị như chế biến thành bún cá rô, bánh đa cá"- ông Vũ Việt Anh cho biết. 

Theo ông Vũ Việt Anh, sắp tới Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ tiếp tục định hướng các doanh nghiệp nghiên cứu chế biến các sản phẩm khác như cá phi lê chiên, dim, kho... để cung cấp ra thị trường, thúc đẩy tiêu thụ thủy sản nước ngọt cho bà con nông dân. 

"Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem