Covid-19: Kinh tế ASEAN chững lại, hàng không Việt đối diện tổn thất 30.000 tỷ khi Chính phủ mạnh tay phong tỏa
Tính đến hôm 24/3, đã có khoảng 4.000 ca nhiễm Covid-19 được báo cáo ở 10 quốc gia thành viên ASEAN, với khoảng 100 ca tử vong. Những con số này chỉ chiếm chưa đầy 1% tổng số ca nhiễm trên toàn cầu (hiện ở mức 517.836 ca), nhờ các chính phủ Đông Nam Á đã sớm ban hành các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt kể từ khi đại dịch bắt đầu bùng phát ở Trung Quốc. Nhiều quốc gia ASEAN thậm chí phong tỏa gần như toàn bộ biên giới kể từ giữa tháng 3, từ chối nhập cảnh công dân nhiều nước vì lo sợ làn sóng dịch bệnh tràn sang từ Châu Âu và Mỹ.
Việt Nam hiện tạm dừng nhập cảnh tất cả người nước ngoài từ ngày 22/3, trong khi Philippines và Malaysia cũng cấm người nước ngoài nhập cảnh. Singapore cấm tất cả du khách du lịch ngắn hạn nhập cảnh, thậm chí cấm cả trung chuyển qua sân bay quốc tế tại nước này. Thái Lan yêu cầu du khách cung cấp giấy chứng nhận sức khỏe xác minh âm tính với Covid-19 nếu muốn nhập cảnh.
Làn sóng kiểm dịch nghiêm ngặt đã tấn công ngành kinh tế khu vực, khiến các doanh nghiệp từ lĩnh vực sản xuất đến du lịch đều chịu tổn thất nặng nề.
Công viên Merlion nổi tiếng của Singapore thường đón khoảng 50.000 lượt khách/ ngày. Nhưng hôm 23/3, công viên gần như vắng tanh vì chính phủ đã cấm du khách nhập cảnh 1 ngày trước đó. Các biện pháp quyết liệt cũng buộc Singapore Airlines sẽ cắt giảm 96% công suất chuyến bay cho đến cuối tháng 4, khiến 138/147 máy bay của hãng tạm thời hạ cánh. Jetstar Asia, hãng hàng không giá rẻ có trụ sở tại Singapore cũng tạm đình chỉ mọi chuyến bay cho đến hết ngày 15/4.
Tất cả các hãng hàng không có đường bay quốc tế của Việt Nam gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific và Bamboo Airways cũng tạm đình chỉ tất cả chuyến bay quốc tế cho đến cuối tháng 4. Theo ước tính của cơ quan hàng không, việc đình chỉ các chuyến bay quốc tế như vậy sẽ khiến các hãng hàng không Việt tổn thất ít nhất 30.000 tỷ VNĐ (khoảng 1,27 tỷ USD) trong năm 2020.
Tại Thái Lan, thủ đô Bangkok đã trở nên ảm đạm sau khi chính quyền tuyên bố đóng cửa 26 ngành công nghiệp dịch vụ bao gồm trung tâm mua sắm, nhà hàng, quán ăn… từ 21/3. Khoảng 80.000 người đã tập trung tại bến xe bus Mo Chit ở phía Bắc Bangkok để tìm cách rời khỏi thủ đô đến các tỉnh hoặc các quốc gia lân cận. Đường phố Bangkok giờ đây trở nên hoang vắng, ngay cả vào dịp cuối tuần.
Hội đồng Du lịch Thái Lan cho biết trong một tuyên bố: “Các nhà khai thác du lịch sẵn sàng hỗ trợ mọi chính sách nghiêm ngặt của chính phủ, bao gồm phong tỏa quốc gia để ngăn chặn sự bùng phát dịch Covid-19.” Tổ chức này ước tính ngành du lịch Thái Lan sẽ tổn thất 1 nghìn tỷ Baht (44 tỷ USD) nếu đại dịch tiếp tục bùng phát. “Điều này sẽ khiến bức tranh toàn cảnh ngành du lịch càng thêm ảm đạm, nhất là khi nhắc tới khoản nợ 650 tỷ Baht từ các ngân hàng thương mại mà ngành du lịch đang gánh trên lưng”.
Trong năm 2018, các quốc gia ASEAN đã đón 135 triệu lượt du khách quốc tế, trong đó 50 triệu du khách đến từ chính các quốc gia thành viên bao gồm Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Với nhiều nước ASEAN như Thái Lan là điển hình, ngành công nghiệp du lịch chiếm vai trò quan trọng trong nguồn thu ngoại tệ nói riêng và tăng trưởng kinh tế quốc gia nói chung. Các biện pháp phong tỏa kiểm dịch nghiêm ngặt không chỉ làm tê liệt các dịch vụ kinh doanh giải trí do mất đi hàng triệu lượt khách, mà còn ảnh hưởng đến dòng chảy lao động và thị trường hàng hóa.
Ví dụ, Campuchia hiện nhập khẩu nông sản chính từ Việt Nam. Nhưng kể từ hôm 15/3, Việt Nam đã tuyên bố đóng cửa biên giới với Campuchia, trong khi Campuchia cũng dừng tất cả các chuyến bay giữa hai quốc gia trong nỗ lực kiểm dịch. Do đó, giá sản xuất ở Campuchia chắc chắn sẽ tăng nhanh.
Cassey Lee, thành viên cao cấp tại Viện nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak có trụ sở tại Singapore trả lời phỏng vấn Nikkei Asian Review rằng: “Kiểm soát biên giới có thể tác động tiêu cực đến tình hình an ninh lương thực, việc làm và thu nhập”.
Ngoài ra, việc phong tỏa biên giới cũng ảnh hưởng đáng kể đến các công ty toàn cầu có chuỗi cung ứng trong khu vực. Nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới - Samsung sản xuất khoảng 50% smartphone tại nhà máy ở Việt Nam. Nhưng khi Việt Nam hạn chế nhập cảnh công dân Hàn Quốc, các chuyên gia sản xuất màn hình OLED đã không thể di chuyển đến nhà máy để hỗ trợ công tác sản xuất. Hôm 13/3, chính phủ Việt Nam đã cho phép nhập cảnh 200 nhân viên, kỹ sư Samsung như một sự cân nhắc đặc biệt. Nhưng các chuyến bay giữa Việt Nam và Hàn Quốc vẫn đang bị tạm đình chỉ.
Nhìn chung, ngành sản xuất của ASEAN đang chứng kiến dấu hiệu suy yếu vì dịch bệnh. Chỉ số quản lý thu mua PMI tháng 2 của IHS Markit chỉ ra hoạt động sản xuất tại Việt Nam đã thu hẹp lần đầu tiên kể từ năm 2015. PMI của Singapore, Malaysia, Thái Lan và Myanmar cũng cho thấy sự giảm tốc.
Một số chính phủ trong khu vực đã bắt đầu triển khai các gói kích thích tài khóa để hỗ trợ các doanh nghiệp chống lại tác động từ dịch Covid-19, trong khi các ngân hàng trung ương gấp rút chuẩn bị cho việc nới lỏng tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế. Bất chấp những nỗ lực như vậy, hầu hết các quốc gia ASEAN được dự đoán tăng trưởng chậm lại trong năm 2020.