Covid-19 ở Hải Dương: Nông dân chờ đợi thời khắc được làm ruộng mà không cần đem theo thẻ ra đồng

Tâm Đức Thứ ba, ngày 02/03/2021 11:15 AM (GMT+7)
Vượt qua khó khăn của dịch bệnh Covid-19, nông dân tỉnh Hải Dương đang mong chờ phút giây gỡ bỏ phong tỏa, trở lại nhịp sống thường ngày để bắt tay vào trồng trọt, chăn nuôi, làm ruộng không phải đem theo thẻ ra đồng. Một số địa phương trong tỉnh Hải Dương, người dân đang chạy đua với thời gian thu hoạch nông sản cho kịp thời vụ.
Bình luận 0

 Nông dân mong mỏi ra đồng 

Kinh Môn là một trong những địa phương có diện tích trồng hành tỏi lớn nhất tỉnh Hải Dương. Dịch bệnh Covid-19 bùng phát đúng vào dịp cận Tết Nguyên đán cũng là lúc cao điểm thu hoạch hành tỏi khiến việc sản xuất bị gián đoạn. 

Bà con nơi đây đang mong mỏi cuộc sống trở lại bình thường để tiếp tục ra đồng thu hoạch hành, tỏi và sản xuất kịp thời vụ.

Covid-19 ở Hải Dương: Nông dân chờ đợi thời khắc được ra đồng - Ảnh 1.

Nông dân thị xã Kinh Môn (tỉnh Hải Dương) tranh thủ thu hoạch hành để kịp sản xuất vụ Xuân.

Chị Nguyễn Thị Hạnh, một nông dân chăn nuôi lợn thịt thương phẩm ở thôn Kim Lôi cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh, việc giao thương bị kiểm soát nên sức mua giảm mạnh. 

Từ sau khi dỡ lệnh phong tỏa, việc kinh doanh của gia đình thuận lợi hơn, lợn đã được xuất chuồng để cung ứng thịt cho người dân ở các vùng lân cận. Không những vậy, người dân ở đây còn giúp đỡ các hộ khác trong xóm thu hoạch hành tỏi để kịp làm đất gieo cấy lúa vụ chiêm Xuân. 

Cũng giống như bao hộ nông dân khác trên địa bàn tỉnh Hải Dương, chị Hạnh mong muốn dịnh bệnh sớm qua đi để người nông dân bắt tay vào sản xuất, phục hồi chăn nuôi để phát triển kinh tế và nhanh chóng khắc phục những thiệt hại mà dịch Covid-19 gây ra.

Theo ghi nhận của PV Dân Việt, nông dân xã Bạch Đằng đã thu hoạch xong hành tỏi và gieo cấy được khoảng 30 ha trong tổng số 300 ha. 60 ha thanh long cũng được bà con tích cực chăm sóc. Đại diện chính quyền địa phương cho biết, chỉ khoảng một tuần nữa toàn xã sẽ hoàn thành gieo cấy.

Covid-19 ở Hải Dương: Nông dân chờ đợi thời khắc được ra đồng - Ảnh 2.

Covid-19 ở Hải Dương: Nông dân chờ đợi thời khắc được ra đồng - Ảnh 3.

Người dân phấn khởi xuống đồng trước ngày gở bỏ phong toả cách ly ở TP.Chí Linh và huyện Cẩm Giàng.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, đến nay, toàn bộ 12 huyện, thành phố, thị xã của tỉnh đã cơ bản hoàn thành gieo cấy lúa chiêm xuân với diện tích khoảng 50.000 ha. Riêng thị xã Kinh Môn do thu hoạch hành, tỏi muộn và ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên mới gieo cấy được 3.500 ha, đạt 60% diện tích. 

Các xã, phường Minh Tân, Duy Tân, Phú Thứ, Hoành Sơn (thị xã Kinh Môn) gieo cấy đạt gần 80%. Các địa phương thu hoạch hành, tỏi muộn như Quang Thành, Thăng Long, Thượng Quận, An Phụ (thị xã Kinh Môn) gieo cấy đạt 45% diện tích. Vụ này, thị xã Kinh Môn có kế hoạch gieo cấy 5.800 ha, trà xuân muộn chiếm 90% diện tích. Toàn thị xã đã đổ ải, làm đất được hơn 80% diện tích và phấn đấu gieo cấy xong trước ngày 5/3 để bảo đảm lịch thời vụ.

Doanh nghiệp phục hồi sản xuất, công nhân vơi bớt nỗi lo

Thời gian qua, nhiều địa phương, khu dân cư bị phong tỏa do dịch Covid-19 khiến hàng nghìn doanh nghiệp phải dừng hoạt động. Mặc dù vậy, lãnh đạo tỉnh Hải Dương đã có nhiều chỉ đạo nhằm  thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch, đồng thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động.

Công ty TNHH ANT (Hà Nội) có nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc tại xã Tân Trường, huyện Cẩm Giàng. Trước mùa dịch, mỗi ngày xuất ra thị trường khoảng 1.000 tấn sản phẩm các loại. Tuy nhiên, từ khi Cẩm Giàng thực hiện lệnh phong tỏa, doanh nghiệp phải dừng hoạt động, hơn 400 công nhân lao động phải nghỉ việc.

Covid-19 ở Hải Dương: Nông dân chờ đợi thời khắc được ra đồng - Ảnh 4.

Các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 được triển khai nghiêm túc sau khi một số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.

Ngày 25/2, sau khi đáp ứng được các điều kiện phòng chống dịch Covid-19, nhà máy đã hoạt động trở lại nhưng chỉ có khoảng 120 lao động cư trú tại huyện Cẩm Giàng đến làm việc.

Ngày 27/2, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Dương Thái đã chỉ đạo các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh gắn với phòng chống dịch để trở lại hoạt động từ đầu tháng 3 với các điều kiện cụ thể. 

Riêng các doanh nghiệp có ca mắc Covid-19, ngoài yêu cầu lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh thì cần tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh và huyện Cẩm Giàng rà soát, xử lý triệt để các yếu tố nguy cơ dịch bệnh và phải lập báo cáo gửi Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh xem xét thống nhất trước khi hoạt động trở lại. Việc này khiến các doanh nghiệp và người lao động rất phấn khởi.

Covid-19 ở Hải Dương: Nông dân chờ đợi thời khắc được ra đồng - Ảnh 5.

Các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 được triển khai nghiêm túc sau khi một số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.

Chị Nguyễn Thị Thảo ở xã Cẩm Phúc, huyện Cẩm Giàng hiện là công nhân Công ty TNHH Công Nghệ Nissei Việt Nam ở khu công nghiệp Phúc Điền cho biết, mọi năm chị và anh em công nhân chỉ nghỉ đến mùng 6 Tết đã đi làm. Năm nay do dịch, công ty phải tạm dừng hoạt động. 

Gần 1 tháng qua, gia đình chị và nhiều công nhân khác phải ở nhà, kinh tế khó khăn, nếu cứ tiếp tục phải nghỉ việc thì chị không biết phải xoay sở thế nào. Từ 1/3, khi nhận được thông báo quay trở lại làm việc khiến anh em công nhân rất đỗi vui mừng.

Lãnh đạo một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương cho biết, việc sớm được trở lại hoạt động là mong mỏi lớn nhất hiện tại để họ tiếp tục triển khai các đơn hàng đã ký, phục hồi kinh tế bù đắp những thiệt hại lớn vừa qua. 

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng đề nghị tỉnh Hải Dương xem xét điều kiện doanh nghiệp phải xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với tất cả lao động khi quay trở lại làm việc. 

Bởi thực tế, nhiều lao động tại địa phương đã được chính quyền xét nghiệm SARS-CoV-2 trên diện rộng. Nếu doanh nghiệp phải xét nghiệm lại sẽ gây tốn kém kinh tế. Ngoài ra, việc phải bố trí ăn ở tại chỗ cho người lao động trong thời gian địa phương bị phong tỏa, cách ly y tế cũng khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn.

Covid-19 ở Hải Dương: Nông dân chờ đợi thời khắc được ra đồng - Ảnh 6.

Việc kiểm soát thân nhiệt và khai khai báo y tế được triển khai thường xuyên tại các nhà máy, xí nghiệp.

Theo thống kê của Liên đoàn Lao động huyện Cẩm Giàng, đến thời điểm hiện nay, mới có khoảng 1/3 số doanh nghiệp trên địa bàn huyện hoạt động trở lại. Số lượng công nhân đến làm việc cũng chỉ đạt khoảng 10-20%. 

Nguyên nhân là do trước mắt chỉ có người có hộ khẩu thường trú tại huyện Cẩm Giàng và người huyện khác trong tỉnh hoặc ở tỉnh khác đang tạm trú trong huyện Cẩm Giàng đáp ứng đủ yêu cầu phòng chống dịch mới được đến làm việc và về trong ngày.

Công ty TNHH NamYang Delta ở khu công nghiệp Đại An mở rộng có trên 2.000 công nhân nhưng hiện mới có 10% số này đi làm trở lại. Anh Hoàng Duy Kha, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH NamYang Delta cho biết do số lượng công nhân đến làm việc còn ít nên doanh nghiệp đã bố trí công nhân ngồi giãn cách trong khi ăn ca. 

Sắp tới công nhân đi làm đông, công ty sẽ bố trí thêm khung giờ ăn ca để hạn chế việc tập trung đông người. Công ty cũng đã lấy mẫu xét nghiệm cho 500 người và đều có kết quả âm tính với Covid-19.

Covid-19 ở Hải Dương: Nông dân chờ đợi thời khắc được ra đồng - Ảnh 7.

Nhiều doanh nghiệp tại Hải Dương đã sử dụng dây truyền tự động trong sản xuất nhằm hạn chế việc tiếp xúc giữa các công nhân.

Công ty Cổ phần Nhiệt điện Phả Lại Hải Dương ở phường Phả Lại, TP.Chí Linh có hơn 900 cán bộ, công nhân lao động. Trong thời điểm TP.Chí Linh bị cách ly, phong toả, hoạt động của đơn vị vẫn diễn ra bình thường để phục vụ nhiệm vụ công tác chuyên môn. Tuy nhiên, đơn vị vẫn luôn đảm bảo thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch Covid-19.

Ông Nguyễn Văn Thịnh, Trưởng phòng An toàn và Môi trường cho biết, trước đây công ty chia 3 ca làm việc. Từ khi có dịch, công ty đã chủ động phân 4 ca làm việc để giãn cách công nhân. Việc đeo khẩu trang, tiến hành khử khuẩn người và phương tiện khi ra vào nhà máy cũng được thực hiện nghiêm. 

Từ đầu mùa dịch, công ty đã thành lập tổ giám sát Covid-19 tại đơn vị để chủ động theo dõi, hướng dẫn y tế nếu có trường hợp nghi nhiễm hoặc tiếp xúc liên quan đến dịch bệnh. Việc này cũng sẽ tiếp tục được triển khai trong thời gian tới nhằm đảm bảo kế hoạch sản xuất, đồng thời đảm bảo công tác phòng chống dịch theo đúng quy định.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem