CPTPP - Cơ hội và thách thức cho nông sản Việt: Khắc phục điểm yếu về thương hiệu

Lê Thúy Chủ nhật, ngày 07/07/2019 20:45 PM (GMT+7)
Việt Nam đã và đang hội nhập sâu rộng về kinh tế, nhất là khi chúng ta đã ký kết 13 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có những hiệp định có quy mô lớn và các  tiêu chuẩn cao như CPTPP, EVFTA... Thế nhưng, bức tranh hội nhập không phải là màu hồng do những nguyên nhân từ chủ quan đến khách quan. Trong đó, nông sản thường là mặt hàng dễ tổn thương nhất khi có xáo trộn, đối đầu với hàng hóa của các nước khác...
Bình luận 0

Đó là nhận định chung được nhiều đại biểu đưa ra tại hội thảo “CPTPP: Cơ hội và thách thức cho nông sản Việt” diễn ra mới đây, do Báo NTNN tổ chức dưới sự phối hợp chỉ đạo của T.Ư Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) và Bộ Công Thương.

img

Ông Thào Xuân Sùng - Chủ tịch T.Ư Hội NDVN trả lời báo chí bên lề hội thảo sáng 2/7.  Ảnh: Đ.D

Vươn mình hội nhập - không chỉ màu hồng

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Thào Xuân Sùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội NDVN cho biết, nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta đang phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu. Từ một nước phải nhập khẩu lương thực để cứu đói, chống đói, Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu lương thực và nông sản có thứ hạng cao trên  thế giới.

Nhiều nông sản xuất khẩu của Việt Nam đang chiếm vị trí dẫn đầu trên thị trường thế giới như gạo, hồ tiêu, hạt điều, thủy sản, rau, quả... và đang dần định hình được thương hiệu, uy tín về chất lượng, giá cạnh tranh.

“Việc Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) thể hiện sự chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của nước ta. Việc nhận diện rõ hơn những cơ hội và thách thức của nông sản Việt Nam trong CPTPP sẽ góp phần tăng cường nâng cao nhận thức và sự quan tâm của các cấp, ngành, doanh nghiệp và nông dân đối với sản xuất nông nghiệp, đời sống nông dân và phát triển nông thôn” - Chủ tịch T.Ư Hội NDVN nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Trần Tuấn Anh - Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh rằng, hội nhập rõ ràng là một lựa chọn không thể đảo ngược, nhất là khi chúng ta đã ký kết 13 hiệp định thương mại tự do.  “Hội nhập kinh tế quốc tế đã được thể hiện toàn diện trong các lĩnh vực đời sống kinh tế, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn - lĩnh vực đang là nơi làm việc, sinh sống của hơn 60 triệu người, chiếm hơn 64% dân số cả nước” - Bộ trưởng nói.

 CPTPP đã chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14/1/2019. Ngày 30/6 vừa qua, Việt Nam và Liên minh châu Âu đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA), đánh dấu thêm một cột mốc đáng nhớ nữa trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Việt Nam là quốc gia thứ hai trong ASEAN ký kết FTA với EU.

Theo Bộ trưởng Công Thương, đây là kết quả của chặng đường dài, thể hiện các bước tiến lớn để đưa nước ta từ một nước đi sau, lần đầu tiên vươn lên thuộc nhóm nước đi đầu trong trong khu vực trong tiến trình chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Đây là hiệp định dự kiện có tác động rất tích cực đến nền kinh tế Việt Nam, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp.

“Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta lạc quan hoàn toàn do những nguyên nhân từ chủ quan đến khách quan. Trong khi đó, nông sản thường là hàng hóa dễ tổn thương nhất khi có xáo trộn, đối đầu trên thế giới” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Hội nhập và bài toán thương hiệu của Việt Nam

Tại hội thảo hôm qua, bàn luận về thách thức của nông sản Việt trong sân chơi chung CPTPP hay EVFTA, nhiều ý kiến cho rằng, thương hiệu đang là một điểm yếu mà Việt Nam cần sớm khắc phục mới có thể “cất cánh bền vững” trong hội nhập. 

Ví dụ chuối của các bạn rất ngon, ngon hơn rất nhiều so với chuối Hàn Quốc nhưng kể cả khi các bạn dán tem truy xuất nguồn gốc hay chứng tỏ sự an toàn thì người tiêu dùng vẫn không tin tưởng vì các bạn chưa xây dựng được thương hiệu đủ mạnh” -

ông Hong Sun  - Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam

Ông Hong Sun - Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam có ngành nông lâm thủy sản phát triển rất mạnh. Thế nhưng, việc tìm một đối tác phù hợp tại Việt Nam lại vô cùng khó khăn.

“Chúng tôi đã mất từ 5-6 năm mới có thể tìm được một đối tác phù hợp. Bởi Việt Nam dù có lợi thế về rất nhiều sản phẩm nông lâm thủy sản nhưng nhiều doanh nghiệp lĩnh vực này lại không thể đáp ứng được nhu cầu, yêu cầu của chúng tôi về hợp tác làm ăn. Đơn giản như muốn tìm kiếm thông tin về các doanh nghiệp, các đối tác cũng rất khó do các bạn chưa có cách làm bài bản, chuyên nghiệp” - ông Hong Sun nói.

Tuy nhiên, theo ông Hong Sun, quan trọng hơn nữa là tạo dựng thương hiệu mạnh cho nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. Đồng quan điểm, theo ông Trần Mạnh Báo - Chủ tịch, Tổng Giám đốc ThaiBinh Seeds, với sản phẩm gạo của Việt Nam, thế giới chỉ biết đến với tên gọi “gạo trắng Việt Nam”.

Có nghĩa rằng, tất cả các loại gạo xuất khẩu ra nước ngoài đều được mặc định là gạo trắng Việt Nam mà không biết rằng trong đó có hàng trăm, hàng ngàn giống gạo khác nhau, năng suất, chất lượng và hương vị khác nhau. Vậy sao lại làm thương hiệu quy về một mối gạo trắng Việt Nam?” - ông Báo đặt câu hỏi.

Theo ông Báo, gạo Thái Lan, gạo Campuchia là gạo hạt tròn hay sản phẩm gạo của Nhật Bản chất lượng chưa hẳn bằng gạo Thái Bình hạt dài, dễ tiêu hóa. Trên thực tế, có rất nhiều giống gạo Việt có chất lượng cao và được các chuyên gia nông sản của Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc… đánh giá cao, thế nhưng tại sao sản phẩm gạo của chúng ta vẫn gặp khó trong xuất khẩu? Ông Báo cho rằng đó là vì chúng ta không quảng bá, không xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm nông sản của mình.

Ông Báo và nhiều ý kiến khác tại hội thảo đều cho rằng nông sản Việt cần coi trọng xây dựng thương hiệu từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Mỗi quá trình phải là một khâu xây dựng thương hiệu trên cơ sở sản phẩm sạch, giống chất lượng, quy trình bài bản. Muốn tận dụng được hiệu quả và triệt để nhất cơ hội từ CPTPP hay các EVFTA, hơn lúc nào hết Chính phủ cần phối hợp với doanh nghiệp đẩy mạnh công tác xây dựng thương hiệu quốc gia một cách đồng bộ và vững mạnh.

Theo Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Thào Xuân Sùng, Việc nhận diện rõ hơn những cơ hội và thách thức của nông sản Việt Nam trong CPTPP sẽ góp phần tăng cường nâng cao nhận thức và sự quan tâm của các cấp, ngành, doanh nghiệp và nông dân đối với sản xuất nông nghiệp, đời sống nông dân và phát triển nông thôn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem