Cty em gái Shark Liên lỗ lũy kế hơn 390 tỷ, bị yêu cầu ngừng triển khai bảo hiểm “ăn theo” Covid-19

06/04/2020 08:50 GMT+7
Lỗ lũy kế tính đến cuối năm 2019 của CTCP Bảo hiểm Viễn Đông do em gái bà Đỗ Thị Kim Liên (Shark Liên) làm Chủ tịch gấp 3,5 lần vốn chủ sở hữu. Đây là một trong những doanh nghiệp tiên phong triển khai gói bảo hiểm “ăn theo” Covid-19 và bị Thủ tướng yêu cầu ngừng triển khai từ 01/4 vừa qua.

Công ty Cổ phần Bảo hiểm Viễn Đông (VASS) do bà Đỗ Thị Minh Đức làm Chủ tịch HĐQT. Bà Đức được biết đến là em gái của bà Đỗ Thị Kim Liên ("Shark" Liên). Về hoạt động kinh doanh, dù doanh nghiệp báo lãi liên tiếp trong 3 năm trở lại đây song số lãi này vẫn chưa đủ bù đắp cho khoản lỗ lũy kế gần 900 tỷ đồng trong khoảng thời gian trước đó.

Kinh doanh bết bát, lỗ lũy kế gấp 3,5 lần vốn chủ sở hữu

Nhìn vào báo cáo tài chính của bảo hiểm Viễn Đông kể từ năm 2016 trở lại đây cho thấy, doanh thu hoạt động bảo hiểm của doanh nghiệp này năm 2016 đạt 1.621 tỷ đồng trong năm 2016, tăng gấp đôi năm 2015.

Tuy nhiên, chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm cùng chi phí quản lý doanh nghiệp còn tăng với biên độ lớn hơn khiến đơn vị này vẫn phải "ngậm ngùi" báo lỗ 251 tỷ đồng.

Lỗ lũy kế theo đó vọt lên mức 886 tỷ đồng, gấp 3 lần vốn điều lệ (300 tỷ đồng). Điều đáng nói, Bảo hiểm Viễn Đông lỗ "khủng" trong khi các đối thủ khác như PVI, PTI, Bảo Minh hay Bảo Việt vẫn đều đặn báo lãi hàng trăm tỷ đồng.

Thua lỗ nặng nề, thế nhưng bước sang năm 2017, doanh thu kinh doanh bảo hiểm của doanh nghiệp này "bất ngờ" tăng trưởng nhanh trên 80%, từ mức 1.621 tỷ đồng lên 2.951 tỷ đồng. Doanh nghiệp báo lãi sau thuế 249 tỷ đồng trong năm 2017.

Năm 2018, Bảo hiểm Viễn Đông của em gái Shark Liên dù vẫn tiếp tục duy trì tăng trưởng so với giai đoạn trước đó song nếu so với năm 2017 doanh thu trong lĩnh vực bảo hiểm của công ty có phần chững lại và sụt giảm 58% so với năm 2017. Kết quả, lợi nhuận sau thuế năm 2018 của công ty chỉ đạt gần 104,8 tỷ đồng, giảm gần 2,5 lần so với năm 2017 (249,2 tỷ đồng).

Cty của em gái Shark Liên lỗ lũy kế hơn 390 tỷ, bị yêu cầu ngừng triển khai bảo hiểm “ăn theo” Covid-19 - Ảnh 1.

Báo cáo tài chính 2019 của Bảo hiểm Viễn Đông

Còn tại báo cáo tài chính năm 2019 đã kiểm toán vừa công bố, Bảo hiểm Viễn Đông của em gái Shark Liên ghi nhận 2.887 tỷ đồng doanh thu hoạt động bảo hiểm, tăng gần 4% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động tài chính mang về cho bảo hiểm Viễn Đông 4,5 tỷ đồng doanh thu nhưng có tới 20 tỷ đồng chi phí. Kết quả, lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp chỉ còn 91,9 tỷ đồng, thấp hơn con số gần 105 tỷ đồng ghi nhận trong năm 2018.

Lỗ lũy kế của Bảo hiểm Viễn Đông cũng lần lượt biến động từ mức âm gần 900 tỷ (cuối năm 2016) xuống còn 486 tỷ (cuối năm 2018) và tại ngày 31/12/2019, lỗ lũy kế của công ty là gần 394 tỷ đồng, gấp 3,5 lần vốn chủ sở hữu của công ty này tại thời điểm đó.

"Báo động" về khả năng hoạt động liên tục

Điều đáng nói, tổng nguồn vốn tính đến cuối năm 2019 "bốc hơi" 6% so với đầu năm và 84% được tài trợ bằng nợ ngắn hạn. Khoản mục nợ ngắn hạn tính tới cuối quý IV/2019 của Bảo hiểm Viễn Đông đạt 1.153 tỷ đồng, gấp gần 5 lần so với phải thu ngắn hạn.

Bên cạnh đó, nợ phải trả của công ty này cũng gấp hơn 11 lần so với vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp.

Trước thực tế này, trong những năm qua khả năng thanh khoản của doanh nghiệp này luôn ở trạng thái căng thẳng. Kiểm toán viên không ít lần đưa ra ý kiến về dấu hiệu ảnh hưởng tính hoạt động liên tục của Bảo hiểm Viễn Đông.

Cty của em gái Shark Liên lỗ lũy kế hơn 390 tỷ, bị yêu cầu ngừng triển khai bảo hiểm “ăn theo” Covid-19 - Ảnh 2.

Báo cáo tài chính 2019 của Bảo hiểm Viễn Đông

Tại báo cáo tài chính năm 2019 đề cập, công ty có các chỉ số tài chính xấu hơn mức bình thường, nợ phải trả ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn; lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm quá 78,8% vốn góp chủ sở hữu. "Đến ngày 31/12/2/2019, Ban Tổng giám đốc hiểu rõ tình hình Công ty đang có các dấu hiệu ảnh hưởng tính hoạt động liên tục. Ban Tổng giám đốc cam kết vẫn sẽ hoạt động liên tục trong tương lại dựa trên bảng kế hoạch của Ban Tổng giám đốc về các hành động cải thiện khả năng hoạt động liên tục cùng với sự hỗ trợ từ cổ đông mới và hợp tác cơ cấu và giãn nợ của các chủ nợ", kiểm toán viên nhấn mạnh.

Liên quan đến khoản thu dài hạn là gần 84 tỷ đồng tồn tại từ năm 2010, 2011 được đánh giá là không thể thu hồi, kiểm toán cho biết, công ty tiến hành lập 60% số dư nợ gốc nên chưa dự phòng đầy đủ khoản phải thu khó đòi này. Nếu tiến hành xử lý và trích lập dự phòng đủ tỷ lệ 100% cho các khoản phải thu khó đòi này thì ảnh hưởng đến khoản mục tài sản trên bảng cân đối kế toán và nguồn vốn chủ sở hữu giảm là 33,8 tỷ đồng. Đồng thời, trên báo cáo kết quả kinh doanh "tổng lợi nhuận kế toán trước thuế" cũng giảm một khoản tương ứng.

Đến ngày lập báo cáo này, kiểm toán cũng chưa nhận dược các thư xác nhận số dư tại ngày 31/12/2019 cho các khoản phải thu và phải trả của hoạt động nhận tái và nhượng tái bảo hiểm. "Chúng tôi đã thực hiện thủ tục kiểm toán thay thế khác nhưng vẫn không đạt được đầu đủ các bằng chứng cho tính đầy đủ, chính xác và nghĩa vụ nợ của các khoản này. Các ảnh hưởng như sau: Số dư tại ngày 31/12/2019 của khoản phải thu hoạt động nhận và nhượng tái bảo hiểm chiếm tỷ lệ 2,26 % trên tổng tài sản và các khoản phải trả hoạt động nhận và nhượng tái bảo hiểm chiếm tỷ lệ 3,66% trong tổng nợ phải trả. Tổng doanh thu từ hoạt động nhận và nhượng tái trong năm chiếm 0,68% trên tổng doanh thu từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Tổng chi từ hoạt động nhận tái bảo hiểm chiếm 0,32% trên tổng chi từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm", báo cáo kiểm toán đề cập.

Công ty Cổ phần Bảo hiểm Viễn Đông (VASS) được thành lập ngày 07/11/2003 theo Giấy phép của Bộ Tài chính,  trở thành doanh nghiệp bảo hiểm tư nhân lâu đời nhất tại Việt Nam. Trong những tháng đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, Bảo hiểm Viễn Đông của em gái Shark Liên là một trong những doanh nghiệp tiên phong triển khai sản phẩm bảo hiểm liên quan đến Covid-19 là Corona Care thông qua ứng dụng bảo hiểm Lian do Madam Liên sáng lập. Theo chia sẻ từ phía doanh nghiệp, sau 1 thời gian ngắn triển khai doanh nghiệp này đã có tới hàng chục nghìn đơn bảo hiểm Corona. Tuy nhiên, sản phẩm Corona Care của Bảo hiểm Viễn Đông nói riêng và các sản phẩm "ăn theo" Covid-19 nói chung trên thị trường mới đây đã bị Thủ tướng Chính phủ "tuýt còi" và yêu cầu ngừng triển khai kể từ 1/4/2020. 

Huyền Anh
Cùng chuyên mục