Cử nhân vẫn phải... đào tạo lại

Thứ hai, ngày 12/12/2011 12:45 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - 26,2% số cử nhân tốt nghiệp vẫn thất nghiệp. Trong số đã đi làm có tới 61% cử nhân khiến nhà tuyển dụng vất vả vì phải... đào tạo lại.
Bình luận 0

Đó là những con số đáng báo động vừa được Trung tâm Nghiên cứu và phân tích chính sách thuộc Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội) công bố.

Mệt vì... đào tạo lại

Khảo sát trên 3.000 sinh viên đã tốt nghiệp có đến 26,2% cho biết hiện vẫn chưa có việc làm. Trong số 73,8% có việc làm tạo ra thu nhập thì 2/3 trong số đó không thoả mãn với công việc của mình và luôn trong tâm lý sẵn sàng nhảy việc nếu có cơ hội tốt hơn

img
Sinh viên Trường ĐH Nông nghiệp 1 Hà Nội trong đợt thực tập.

Khảo sát này cũng cho thấy, các cử nhân không kiếm được việc có tới 58,2% gặp lý do rất “ngớ ngẩn” là không biết xin việc ở đâu và 42% còn lại buồn bã vì bị nhà tuyển dụng từ chối do không đáp ứng được nhu cầu.

TS Đào Thanh Trường - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phân tích chính sách- Trường ĐH KHXH&NV cũng cho biết thêm: “Những sinh viên đã đi làm cũng gặp không ít thách thức khi 61% nói mình thiếu kỹ năng làm việc, 42% thiếu kinh nghiệm và có tới 32% cho biết thiếu kiến thức chuyên môn. Đây là một “lỗ hổng” đáng buồn trong chất lượng đào tạo đại học”.

Trong khi đó các nhà tuyển dụng thì than phiền rất nhiều về “sản phẩm” đào tạo. Bà Vũ Thu Hà - Giám đốc Công ty cổ phần Ứng dụng tâm lý Hoa Mặt Trời cho biết: “Hầu hết cử nhân được nhận việc đều phải đào tạo lại, điều này làm tăng chi phí và mất nhiều thời gian của chúng tôi, trong đó 92% phải đào tạo lại nghiệp vụ, 61% về kỹ năng mềm cơ bản, 53% về kỹ năng giao tiếp, ứng xử... Điều đáng buồn là nhiều sinh viên không xác định được mục tiêu nghề nghiệp của mình, nhiều sinh viên đạt loại giỏi cũng ngơ ngác về chuyên môn”.

PGS-TS Vũ Cao Đàm - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phân tích chính sách còn nhấn mạnh: “Ngoài thiếu chuyên môn nghiệp vụ, các nhà tuyển dụng nước ngoài còn chê sinh viên ta nhiều vì thiếu kỷ luật công việc, hay đi làm muộn, hay nói dối...”.

Chương trình “bảo trì” cử nhân?

Giải bài toán việc làm sau tốt nghiệp cho sinh viên, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng cần xác định trường học cũng giống như một “doanh nghiệp đào tạo nhân lực” cho thị trường.

TS Đào Thanh Trường cho biết: Thiếu kỹ năng mềm là một trong những nguyên nhân chính khiến tân cử nhân khó tìm được việc. Bằng chứng cho thấy, tỷ lệ sinh viên ra trường tìm được việc làm ở nhóm học kỹ năng mềm là 88,2%, trong khi con số này ở nhóm đối chứng là 72%. Tỷ lệ sinh viên tìm được việc làm ngay trong tháng đầu tiên của nhóm học kỹ năng mềm là trên 26%, trong khi ở nhóm đối chứng là 0%.

Theo TS Trịnh Hòa Bình (Viện Xã hội học): “Chúng ta không thiếu việc làm mà chúng ta thiếu cử nhân làm được việc”. Trong bối cảnh kinh tế thị trường, nếu coi cử nhân đại học là một sản phẩm của ngành giáo dục thì quan tâm đến nhu cầu của khách hàng, tức các đơn vị tuyển dụng lao động chất lượng cao là điều kiện đủ”.

Đồng tình với quan điểm này, GS-TS Lê Ngọc Hùng - Phó Viện trưởng Viện Xã hội học - Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh đưa ra sáng kiến: “Nếu coi các trường là các doanh nghiệp cung ứng nhân lực cho thị trường thì cần phải xây dựng một chương trình “bảo hành cử nhân”.

Nếu cử nhân ra trường không đáp ứng được nhu cầu thì trường phải có nhiệm vụ đào tạo lại, sinh viên có vướng mắc, khó khăn trong quá trình làm việc sẽ được chính trường giải đáp và tháo gỡ”. Tuy nhiên, để làm được điều này, theo GS-TS Lê Ngọc Hùng, cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng, có đề án cụ thể với một lộ trình thích hợp.

Ông Đào Văn Hải - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh viên - ĐH Quốc gia Hà Nội thì cho rằng: “Cần xây dựng một “mạng lưới huynh đệ” ở mỗi trường ĐH theo mô hình đa cấp. Tức là, sự kết nối giữa cựu sinh viên và trường học, theo đó mỗi cựu sinh viên có việc làm sẽ hỗ trợ cho tối thiểu 3 sinh viên mới ra trường xin việc. Mô hình này nếu làm được thì không chỉ giải quyết được vấn đề việc làm cho sinh viên mà nhà trường còn có thể nắm bắt được chất lượng sản phẩm đào tạo của mình. Từ đó có những điều chỉnh thích hợp trong giảng dạy”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem