Cú sập hơn 79 điểm của VN-Index và niềm tin của nhà đầu tư

O.L Thứ bảy, ngày 23/04/2022 11:56 AM (GMT+7)
Tuần qua, thị trường chứng khoán chứng kiến "cú đạp sâu" khiến VN-Index rơi 79,33 điểm, xuống 1.379,23 điểm phần nào cho thấy nhà đầu tư cũng hoang mang khi liên tiếp các vụ bắt bớ trong thời gian qua vì tội thao túng thị trường chứng khoán.
Bình luận 0

Cú sập hơn 79 điểm của VN-index 

Kết phiên ngày 22/4, VN Index đóng cửa tại ngưỡng 1.379,3 điểm (+0,66%). VN30 Index hồi phục 1,22%, đạt 1.444,3 điểm với 22 mã tăng và 5 mã giảm.

Sàn HoSE chứng kiến sắc xanh tại nhiều đại diện của nhóm ngân hàng và bất động sản. Bên cạnh VCB, VPB cũng hồi phục 3,7%, STB hồi phục 4,2%. Đáng chú ý, tại nhóm bất động sản, DXG kết phiên trong sắc tím, trong khi VIC, VHM, VRE, NVL đều đóng cửa trên tham chiếu.

Đáng chú ý, sau thời gian dài tăng nóng, nhóm cổ phiếu thủy sản đã bị chốt lời ồ ạt trong phiên hôm nay, đẩy hàng loạt mã giảm sàn như AAM, ACL, AGM, ANV, IDI, VHC, FMC, CMX đều nằm sàn, ASM sát sàn…

Chứng khoán tuần qua: ACL thăng hoa bất chấp thị trường rực lửa; cổ phiếu họ FLC "xanh" trở lại sau chuỗi giảm sàn - Ảnh 1.

Một tuần qua, thị trường chứng khoán chứng kiến "cú đạp sâu" khiến VN-Index rơi 79,33 điểm, xuống 1.379,23 điểm.

Một số nhóm cổ phiếu khác như phân bón, dệt may, công nghệ, bán lẻ cũng đua nhau giảm sàn. Cụ thể như nhóm phân bón có DPM, DCM, BFC; bán lẻ FRT, PET, DGW…, may mặc có GMC, MSH, công nghệ có ELC, ICT…

Đáng chú ý, cổ phiếu họ FLC sau chuỗi giảm sàn tới nay bật tăng với ROS, HAI hơn 6% và lộn trần như FLC, AMD, KLF, ART...

Khối ngoại đẩy mạnh mua ròng

Tuần qua, thị trường chứng khoán "đổ máu" liên tiếp 5 phiên khiến VN-Index rơi 79,33 điểm (-5,44%) xuống 1.379,23 điểm; HNX-Index giảm 57,59 điểm (-13,82%) xuống 359,12 điểm. UPCoM-Index giảm 8,21 điểm (-7,31%) xuống 104,15 điểm.

Khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HoSE gần 730 triệu cổ phiếu/phiên, tăng 20,14% so với tuần giao dịch trước. Sàn HNX đạt trung bình hơn 97 triệu cổ phiếu/phiên, tăng 30,03% so với tuần giao dịch trước.

Thị trường chứng khoán đã bắt đầu biến động mạnh từ ngày 29/3, khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt và sau đó là câu chuyện trái phiếu tại Tân Hoàng Minh được hé lộ. 

Tiếp đó là cú bồi khi lãnh đạo chủ chốt tại hệ sinh thái Louis Holdings là ông Đỗ Thành Nhân và Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán Trí Việt Đỗ Đức Nam bị bắt khiến thị trường chứng khoán "tắm máu" suốt tuần qua.

Mặc dù động thái "làm sạch thị trường chứng khoán" được cơ quan chức năng đẩy mạnh nhưng tâm lý nhà đầu tư cũng mong manh trước những thông tin tiêu cực. 

Trong tuần qua, khối ngoại mua vào 280 triệu cổ phiếu, trị giá 11.652 tỷ đồng, trong khi bán ra 183 triệu cổ phiếu, trị giá 9.102 tỷ đồng. Tổng khối lượng mua ròng ở mức 97 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng là 2.550 tỷ đồng (gấp đôi tuần trước).

Riêng sàn HoSE, khối ngoại đẩy mạnh mua ròng 2.587 tỷ đồng (gấp đôi tuần trước), tương ứng khối lượng mua ròng là 96,3 tỷ đồng.

Khối ngoại vẫn mua ròng mạnh nhất cổ phiếu GEX với khối lượng hơn 10 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị đạt 306,2 tỷ đồng.

Đứng ở vị trí tiếp theo là DXG được mua ròng 184,7 tỷ đồng (5,36 triệu đơn vị) và NLG được mua ròng 183,2 tỷ đồng (3,79 triệu đơn vị).

Trái lại, cổ phiếu VHM bị bán ròng mạnh nhất tuần qua với giá trị đạt 189,1 tỷ đồng, tương đương khối lượng 2,84 triệu đơn vị.

Tiếp theo đó là DGC bị bán ròng 132,9 tỷ đồng, tương đương khối lượng hơn 0,47 triệu đơn vị.

Ở sàn HNX, khối ngoại bán ròng khối lượng 450.373 cổ phiếu, tương đương hơn 32 tỷ đồng. VCS đứng đầu danh sách mua ròng của khối ngoại sàn HNX với 21 tỷ đồng. PVS và SHS bị bán ròng lần lượt 19 tỷ đồng và 9 tỷ đồng. Trong khi đó, PVI được mua ròng mạnh nhất sàn này với 8 tỷ đồng. 

Trên UPCoM, khối ngoại chấm dứt chuỗi 11 tuần mua ròng liên tiếp bằng việc bán ròng trở lại 4,5 tỷ đồng.  VEA bị bán ròng mạnh nhất với 25,4 tỷ đồng. VTP và MCH bị bán ròng lần lượt 21 tỷ đồng và 20 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, QNS được mua mạnh nhất với 24 tỷ đồng. OIL được mua ròng với 11 tỷ đồng, QTP được mua với 10,8 tỷ đồng. 

Cổ phiếu nào tăng, giảm mạnh nhất tuần qua?

Ngược dòng thị trường, cổ phiếu ACL của Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang vẫn tăng bất chấp. ACL liên tục có các phiên "tím lịm" với mức tăng 18,65%. Cổ phiếu ACL liên tục thăng hoa khi công ty báo lãi ròng tăng đột biến lên 62,6 tỷ đồng tăng gấp 5,7 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Chốt phiên ngày 22/4, cổ phiếu ACL đứng ở 30.850 đồng/cổ phiếu, tăng 150.63% trong vòng 1 năm. Đây cũng là vùng giá cao kỷ lục mà đơn vị thiết lập được từ khi niêm yết (05/09/2007).

Trước thông tin lãnh đạo công ty dính vào vòng lao lý vì thao túng thị trường chứng khoan, cổ phiếu của "họ Louis" và Công ty CP Chứng khoán Trí Việt đồng loạt cắm đầu. Cụ thể, BII giảm 39,22%, xuống 6.200 đồng/cổ phiếu, TVB giảm gần 30% xuống 11.350 đồng/cổ phiếu, TGG giảm 29,63% xuống 13.300 đồng/cổ phiếu.

Chứng khoán tuần tới sẽ ra sao?

Theo chuyên gia phân tích của SSI Research, trong tuần tới, quán tính hồi phục vẫn có thể tiếp diễn với vùng mục tiêu gần của VN Index là 1.385 – 1.400 điểm. Tuy nhiên, với việc xu hướng Giảm Trung hạn đang được duy trì, chúng tôi cho rằng chỉ số có nhiều khả năng sẽ thoái lui từ khu vực 1.385 – 1.400 điểm và kiểm lại vùng hỗ trợ gần 1.360 – 1.350 điểm.

Trong khi đó, chuyên gia của Công Ty Chứng Khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) cho rằng, thị trường có thể sẽ quay trở lại đà tăng khi chỉ số VN-Index hình thành dấu hiệu đảo chiều ngắn hạn và giao dịch gần vùng hỗ trợ ngắn hạn 1.350 điểm. Đồng thời, chỉ báo tâm lý tiếp tục giảm mạnh vào vùng bi quan quá mức cho nên các nhà đầu tư ngắn hạn cần hạn chế bán tháo ở giai đoạn này vì thị trường có thể sớm xác lập vùng đáy ngắn hạn hoặc sớm xuất hiện các nhịp hồi kỹ thuật. Ngoài ra, chỉ số VNMidcaps và VNSmallcaps giảm về đường trung bình 200 phiên và có dấu hiệu xuất hiện nhịp hồi phục trong 1-2 phiên tới, hay nói cách khác là áp lực bán tháo có thể giảm ở những phiên giao dịch tới.

“Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn nên hạn chế bán tháo ở các nhịp giảm mạnh trong phiên và vẫn ưu tiên đưa margin về mức thấp để tránh tình trạng bị bán giải chấp từ các công ty chứng khoán. Đồng thời, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục quan sát và chờ đợi dấu hiệu đảo chiều rõ ràng hơn”, chuyên gia của YSVN khuyến nghị.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Làm sạch thị trường chứng khoán

Chiều 22/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, những xử lý sai phạm là cần thiết, góp phần bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư. Đó cũng là hướng đi cần thiết làm trong sạch thị trường theo hướng bền vững, an toàn, hiệu quả hơn.

Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt, nhất quán của Chính phủ là khuyến khích tạo thuận lợi cho mọi tổ chức, cá nhân tham gia thị trường, hoạt động đúng, lành mạnh, tuân thủ quy định của pháp luật.

Kiên quyết xử lý những cá nhân, tổ chức cố tình vi phạm, lợi ích nhóm, trục lợi bất hợp pháp để bảo vệ lợi ích nhà đầu tư cá nhân, doanh nghiệp làm ăn lành mạnh, chính đáng. Thực hiện mọi biện pháp để thị trường công khai minh bạch, lành mạnh và phát triển bền vững.

Với những hạn chế, yếu kém, tiêu cực, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng quan trọng là nhìn ra, cương quyết giải quyết triệt để. Thông điệp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đưa ra là nhanh chóng làm trong sạch thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, doanh nghiệp, đưa thị trường phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững.

Trên cơ sở những nhận định của các tổ chức tài chính, tiền tệ trong và ngoài nước đánh giá: thị trường vốn, thị trường chứng khoán Việt Nam có tiềm năng phát triển, sự nỗ lực của chúng ta, triển vọng của nền kinh tế, sự năng động hiệu quả, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng Việt Nam có thể vươn lên thành thị trường mới nổi, thành công của khu vực và thế giới.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem