Sau "cú sốc" Tân Hoàng Minh: Doanh nghiệp bất động sản "khóc ròng", chuyên gia nói "đừng vùi dập thị trường"

Huyền Anh Thứ tư, ngày 20/04/2022 07:00 AM (GMT+7)
Sau "cú sốc" Tân Hoàng Minh, doanh nghiệp lo ngại trái phiếu doanh nghiệp sẽ chỉ còn là cuộc chơi của các doanh nghiệp lớn. Nhiều doanh nghiệp sẽ bị "đuối" vốn khi bị bóp nghẹt cả hai đầu (tín dụng ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp).
Bình luận 0

Sau "cú sốc" Tân Hoàng Minh, trái phiếu doanh nghiệp chỉ còn là cuộc chơi của doanh nghiệp lớn?

Lãnh đạo một bất động sản cho biết, hiện tại doanh nghiệp đang phải dừng triển khai dự án mới vì việc phát hành trái phiếu như kế hoạch có khả năng không thực hiện được sau sự việc của Tân Hoàng Minh vừa qua.

"Không chỉ doanh nghiệp chúng tôi, mà nhiều doanh nghiệp bất động sản cũng rơi vào tình trạng tương tự", vị này thông tin.

Sau "cú sốc" Tân Hoàng Minh: Doanh nghiệp bất động sản "khóc ròng", chuyên gia nói "đừng vùi dập thị trường" - Ảnh 1.

Sau "sự cố" Tân Hoàng Minh, doanh nghiệp bất động sản lo ngại khó huy động vốn từ kênh trái phiếu. (Ảnh: Tk)

Cũng theo vị đại diện doanh nghiệp này, nếu Nghị định 153/2020/NĐ-CP sửa đổi tới đây siết chặt điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, lợi thế huy động vốn trên thị trường sẽ thuộc về các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đã lên sàn, doanh nghiệp được xếp hạng tín nhiệm. Trong khi đó, các doanh nghiệp quy mô vừa phải nhưng chưa lên sàn sẽ ngày càng đuối sức về vốn khi bị bóp nghẹt cả hai đầu (tín dụng ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp).

Thậm chí, nếu chặn dòng vốn vào bất động sản một cách cực đoan và đột ngột, nhiều dự án dở dang sẽ phải ngừng hoạt động, doanh nghiệp không thể trả nợ vay, ngân hàng đối mặt với nợ xấu, hệ lụy với nền kinh tế rất lớn.

Trong một đánh giá mới đây, các chuyên gia FiinRatings cũng cho rằng, nửa cuối năm nay và năm 2023, các doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Tuy vậy, lợi thế phát hành chỉ thuộc về các doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt và các công ty niêm yết.

"Việc siết thị trường trái phiếu sẽ khiến một số công ty bất động sản gặp khó khăn lớn và nhiều rủi ro, nhưng cũng không ít doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt và có thể tiếp tục phát triển nếu các rủi ro ngành được kiểm soát", chuyên gia FiinRatings dự báo.

Nhấn mạnh về vai trò của kênh trái phiếu doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản song theo TS.Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, việc sửa đổi Nghị định 153 là rất cần thiết để làm lành mạnh hóa thị trường trái phiếu doanh nghiệp bởi có những lỗ hổng cần thời gian nhận diện và khắc phục triệt để.

Tuy nhiên, ông Lực cho rằng vấn đề ở đây là cần nhìn nhận vai trò của thị trường trái phiếu để bắt đúng "bệnh", chứ không phải vì một số trường hợp, vài "con sâu làm rầu nồi canh" mà thắt chặt quá mức, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang phát triển, phục hồi kinh tế-xã hội.

"Thị trường tài chính rất văn minh, do đó hãy để thị trường tự điều chỉnh, chứ không phải là các hoạt động can thiệp, kiểm tra, giám sát quá chặt để doanh nghiệp không thể phát hành trái phiếu được. Nhất là trong bối cảnh tiếp cận vốn xưa nay là một điểm nghẽn lớn của thị trường tài chính", ông Lực nói.

Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên cũng cho rằng, việc lách luật phát hành trái phiếu doanh nghiệp của một số doanh nghiệp bất động sản là do lỗi của hành lang pháp lý có nhiều kẽ hở. Vì vậy, cơ quan quản lý nên tìm cách bít lỗ hổng này, chứ không phải chỉ vì một số doanh nghiệp vi phạm mà "vùi dập" thị trường. Nếu thị trường trái phiếu không được bảo vệ, phát triển, doanh nghiệp sẽ rất thiệt thòi vì thiếu một kênh huy động vốn quan trọng.

Sau "cú sốc" Tân Hoàng Minh: Doanh nghiệp bất động sản "khóc ròng", chuyên gia nói "đừng vùi dập thị trường" - Ảnh 3.

Nhìn nhận vai trò của thị trường trái phiếu để bắt đúng "bệnh", chứ không phải vì một số trường hợp, vài "con sâu làm rầu nồi canh" mà thắt chặt quá mức. (Ảnh: IT)

Cần có luật để "đánh" vào trách nhiệm của đơn vị xếp hạng tín nhiệm

Về giải pháp lành mạnh hóa thị trường trái phiếu, tại tọa đàm "Phát triển bền vững thị trường trái phiếu doanh nghiệp", các diễn giả đều có chung nhận định cho rằng xếp hạng tín nhiệm là một trong những vấn đề cần phải được nhìn nhận đầy đủ, cần được chú trọng.

Theo TS Lê Đạt Chí, trường Đại học Kinh tế TP HCM, quy định Nghị định 153 hiện nay chưa đặt nặng vai trò trách nhiệm, chuẩn mực, đạo đức trong hành nghề đánh giá tín nhiệm. Do đó, cần phải có Luật, để nhà đầu tư có thể khiếu nại, khởi kiện đơn vị xếp hạng tín nhiệm trong trường hợp họ làm không đúng chuẩn mực. Muốn phát triển thị trường nợ thì phải nâng lên thành luật.

Cũng theo vị chuyên gia này, hiện nay, nhà đầu tư cá nhân tìm được rất ít thông tin về các doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Do đó, cần phải có kênh để cung cấp đầy đủ thông tin cho nhà đầu tư, bởi họ là người giám sát tốt nhất quá trình sử dụng vốn của doanh nghiệp.

Sau "cú sốc" Tân Hoàng Minh: Doanh nghiệp bất động sản "khóc ròng", chuyên gia nói "đừng vùi dập thị trường" - Ảnh 4.

Cần phải có Luật, để nhà đầu tư có thể khiếu nại, khởi kiện đơn vị xếp hạng tín nhiệm trong trường hợp họ làm không đúng chuẩn mực. (Ảnh: TN)

Còn theo ông Lực, cần phải khuyến khích hình thành các hãng xếp hạng tín nhiệm, như ở Singapore, Hàn Quốc… có thị trường trái phiếu doanh phát triển khá tốt nhưng họ không bắt buộc 100% mà khuyến khích xếp hạng tín nhiệm trước khi phát hành. Còn ở Việt Nam, nên khuyến khích hay bắt buộc, cần phải cân nhắc. Chẳng hạn, thời gian đầu là bắt buộc và khi thị trường phát triển tốt lên thì giãn dần ra.

Như ở Singapore, khuyến khích xếp hạng tín nhiệm và phát hành trái phiếu sẽ được hỗ trợ gấp đôi chi phí so với doanh nghiệp không có xếp hạng tín nhiệm.

"Tuy nhiên, nếu đưa ra bài toán xếp hạng tín nhiệm mà chúng ta có quá ít công ty xếp hạng tín nhiệm, năng lực của họ cũng chưa bảo đảm năng lực thị trường hiện nay thì phải làm sao? Do đó, bài toán này cần phải cân nhắc, cho phép thành lập nhiều công ty xếp hạng tín nhiệm hơn, rút ngắn thời gian xếp hạng để không làm mất cơ hội của doanh nghiệp. Chưa kể, quy trình, thủ tục xét duyệt còn quá lâu, khi phát hành ra công chúng quy trình là đúng nhưng cần xem thời gian xét duyệt, quy trình thủ tục cần nhanh hơn, như 14 ngày hoặc 3 tuần, thay vì vài tháng hiện nay", ông Lực khuyến nghị.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem