Cục Chăn nuôi lên tiếng về việc Bộ Y tế nói không đủ sữa tươi cho sữa học đường

Anh Thơ (thực hiện) Thứ hai, ngày 22/10/2018 16:19 PM (GMT+7)
Trước công văn của Bộ Y tế về việc, cho phép các sản phẩm sữa dạng lỏng khác ngoài sữa tươi tham gia Chương trình Sữa học đường, vì nguồn trong nước không đáp ứng đủ nguồn sữa tươi, PV Dân Việt đã phỏng vấn ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT). Ông Chinh cho biết: "Ngành chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu của Chương trình Sữa học đường Quốc gia, mà chưa cần phải bổ sung thêm các loại sữa khác".
Bình luận 0

img

Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi. Ảnh: I.T.

Sản lượng sữa tươi Việt Nam đã đạt gần 1 triệu tấn

Thưa ông, vừa qua Bộ Y tế đã có công văn 5454/BYT-ATTP về gửi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc sản phẩm sữa tham gia Chương trình Sữa học đường, trong đó có đặt vấn đề điều chỉnh lại quy định, chỉ sản phẩm sữa tươi mới được tham gia Sữa học đường theo hướng cho cả các sản phẩm sữa dạng lỏng cũng được  tham gia chương trình này, với lý do sữa tươi trong nước không đủ để đáp ứng nhu cầu của trẻ. Ông có thể cho biết, năng lực thực tế của ngành chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tươi của Việt Nam hiện nay?  

- Tuy không phải là ngành có bề dày truyền thống nhưng chăn nuôi bò sữa ở Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc, số đầu con tăng 7 – 10%/năm, sản lượng sữa tăng 15 – 17%/năm, cao nhất trong ngành chăn nuôi. Năm 2017, tổng đàn bò sữa cả nước đạt 302.000 con, sản lượng sữa đạt 881.000 tấn, đáp ứng khoảng 40% nhu cầu trong nước. Doanh thu của ngành sữa đạt trên 100.000 tỷ đồng, tương đương trên 4 tỷ USD.

Sữa của Việt Nam cũng đã được xuất khẩu, riêng sản phẩm của Vinamilk đã xuất khẩu sang 36 quốc gia và vùng lãnh thổ, đạt kim ngạch hơn 300 triệu USD.

Trước đây, nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam chỉ có thể phát triển nghề chăn nuôi bò sữa ở một số  địa phương có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp thì nay với sự tham gia đầu tư cao của những doanh nghiệp lớn, tiến bộ vượt bậc của khoa học công nghệ, nghề chăn nuôi bò sữa đã có thể phát triển ở những địa bàn vốn không thích hợp với con bò sữa, mở ra một triển vọng to lớn cho ngành chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa.

Như vậy, triển vọng cũng như dư địa phát triển của ngành chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa của chúng ta vẫn còn lớn, thưa ông?

- Đúng như vậy, triển vọng phát triển của ngành chế biến sữa tươi trong nước lớn khi Việt Nam được đánh giá là nước có tốc độ công nghiệp hóa ngành sữa hiện đại nhất khu vực Đông Nam châu Á. Hiện nay, sữa tươi nguyên liệu sản xuất trong nước mới đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu tiêu dùng sữa, vì vậy, dư địa phát triển còn lớn.

Năm 2018, dự kiến sản lượng sữa nguyên liệu đạt trên 960.000 tấn, chỉ tiêu đến năm 2020 là 1 triệu tấn trong Chiến lược phát triển chăn nuôi đến 2020 là hoàn toàn có thể đạt được nhờ năng lực sản xuất của các nông hộ, doanh nghiệp ngày càng cao do áp dụng những tiến bộ công nghệ về giống, thức ăn, chăm sóc, nuôi dưỡng và chuồng trại.

Theo như công văn mới đây của Bộ Y tế, do nguồn sữa tươi không đủ đáp ứng cho Chương trình Sữa học đường, nên đang đề xuất bổ sung thêm sữa dạng lỏng (tức sữa hoàn nguyên, pha lại, trong đó có sản phẩm được nhập khẩu từ nước ngoài) cùng tham gia. Là cơ quan quản lý trực tiếp về chăn nuôi, ông cho biết thực hư về số liệu này như thế nào?.

- Cục Chăn nuôi đã ước tính về nhu cầu của Chương trình Sữa học đường, cũng như khả năng cung ứng của ngành chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa trong nước. Theo đó, với nhu cầu mỗi học sinh sử dụng 180ml sữa/ngày nhân với 260 ngày đến lớp nhân với khoảng 11 triệu học sinh (mẫu giáo đến lớp 6) thì sản lượng sữa cần cho chương trình Sữa học đường khoảng 514.000 tấn, tương đương 22.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, sản lượng sữa năm 2018 đã đạt khoảng 960.000 tấn, vì vậy, nhu cầu sữa tươi nguyên liệu chế biến cho Chương trình Sữa học đường tại các doanh nghiệp hoàn toàn có thể đáp ứng được.

Hiện nay, các nước có ngành chăn nuôi bò sữa phát triển mạnh như Mỹ, Úc, châu Âu, họ tiêu thụ 100% sữa lỏng được chế biến từ sữa tươi, trong khi Việt Nam mới đáp ứng được 40%. Vì vậy, ưu tiên phát triển đàn bò sữa, đi kèm với các dịch vụ cho chăn nuôi nuôi bò sữa để hạn chế sự phụ thuộc nhập khẩu vẫn là ưu tiên hàng đầu, cũng là cách để trẻ em Việt Nam được tiếp cận với nguồn thức uống giàu dinh dưỡng của đất nước ta.

img

Theo Cục Chăn nuôi: Sản lượng sữa tươi hiện nay đáp ứng đủ nhu cầu của chương trình Sữa học đường. Ảnh: T.Q.

Cần cân nhắc thận trọng khi đưa thêm sản phẩm sữa khác vào sữa học đường

Trên thực tế, việc Chính phủ phê duyệt và triển khai Chương trình Sữa học đường là chủ trương đúng nhằm cải thiện và nâng cao thể trạng cho thanh niên Việt Nam. Do đó, mới có quy định mới có quy định chỉ dùng sữa tươi nhằm đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ. Vì thế, có ý kiến lo ngại, nếu đề xuất của Bộ Y tế được chấp thuận, sẽ có nhiều sản phẩm sữa dạng lỏng, thực chất là sữa hoàn nguyên, pha lại cũng được tham gia vào chương trình này, điều đó có thể dẫn tới 3 nguy cơ: Trẻ không đảm bảo dinh dưỡng; hàng năm chúng ta phải mất một lượng ngoại tệ để nhập khẩu; đặc biệt có thể làm triệt tiêu khả năng phát triển chăn nuôi đàn bò sữa trong nước. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào. 

- Chương trình Sữa học đường được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1340/QĐ-TTg ngày 8/7/2016 đã yêu cầu phải sử dụng sữa có nguồn gốc 100% từ sữa tươi nguyên liệu. Việc Bộ Y tế đề xuất đưa thêm các sản phẩm sữa khác, ngoài sữa tươi vào chương trình như sữa bột hoàn nguyên chẳng hạn cần có sự cân nhắc thận trọng, để trẻ em, học sinh được uống sản phẩm sữa tươi thanh trùng, tiệt trùng chất lượng, giống như các nước có nền chăn chăn nuôi bò sữa vẫn làm như Thái Lan, hỗ trợ chăn nuôi bò sữa trong nước phát triển và giảm nhập khẩu sữa, sản phẩm sữa.

Với năng lực chăn nuôi bò sữa và chế biến hiện nay, ngành sữa hoàn toàn có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng sữa lỏng của Chương trình Sữa học đường mà chưa cần bổ sung thêm các loại sữa bột khác.

Về mặt khoa học, khi so sánh hai loại sữa tươi và sữa bột hoàn nguyên cũng có sự khác nhau nhất định. Theo đó, sữa lỏng từ 100% sữa tươi nguyên liệu vẫn còn giữ lại được những hoạt chất sinh học, enzym có lợi cho cơ thể, trong khi sữa bột hoàn nguyên những chất này có thể mất đi do điều kiện trong quá trình chế biến thành sữa khô.

img

img

Ngành chăn nuôi bò sữa của Việt Nam phát triển khá mạnh, tổng đàn 302.000 con (trong ảnh, đàn bò sữa hữu cơ organic của TH được nuôi ở Nghĩa Đàn, Nghệ An). 

Vậy theo ông, để chương trình Sữa học đường triển khai hiệu quả, các địa phương, ngành giáo dục, doanh nghiệp cần làm gì?

- Theo tôi, để Chương trình Sữa học đường được triển khai hiệu quả, để trẻ em mọi vùng miền được tiếp cận với thức uống giàu dinh dưỡng thì cần áp dụng chương trình một cách linh hoạt, tùy điều kiện địa phương.

Ví dụ, ở vùng đồng bằng, đô thị, việc lưu thông thuận tiện. có điều kiện bảo quản có thể dùng sữa tươi 100% thanh trùng, nhưng ở miền núi vận chuyển xa xôi thì dùng sữa tươi 100% tiệt trùng để đảm bảo điều kiện bảo quản. Về hỗ trợ, ở thành thị, trẻ em vốn đã được tiếp xúc với nhiều sản phẩm sữa nhiều thì áp dụng không hỗ trợ, ở vùng đồng bằng có thể kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ một phần nhưng ở miền núi thì phải có thể tài trợ toàn bộ từ Trung ương, địa phương, khu vực kinh tế tư nhân.

Theo tôi, phải linh hoạt để Chương trình thực sự hiệu quả khi huy động được nhiều nguồn lực xã hội hỗ trợ cho Chương trình sữa học đường với mong muốn mọi trẻ em của nước ta đều được uống sữa.

Ngoài ra, chúng ta cũng cần đa dạng hóa các sản phẩm từ sữa khác ngoài sữa lỏng để trẻ em có nhiều sự lựa chọn, miễn là từ sữa như pho mát, sữa chua, váng sữa, pizza có pho mát…, Nước ta cũng cần quy định hàm lượng đường Saccharose trong các sản phẩm sữa để đảm bảo sức khỏe cho trẻ, giảm nguy cơ bệnh tật do ăn uống quá nhiều đường.

Bên cạnh đó, hiện nay, bình quân tiêu thụ sữa quy đổi tính trên đầu người ở Việt Nam vẫn còn thấp, mới đạt 28kg/người/năm. Vì vậy, để nâng cao thể chất, tầm vóc, trí tuệ của trẻ, việc đầu tư phát triển ngành chăn nuôi bò sữa theo hướng đẩy mạnh liên kết sản xuất của nông hộ với các doanh nghiệp chế biến sữa, áp dụng công nghệ vào các khâu trong chuỗi giá trị sản phẩm sữa, mở rộng quy mô đàn bò, để tăng năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm tiến tới giảm phụ thuộc vào các nguồn sữa nhập khẩu là ưu tiên hàng đầu trong Đề án tái cơ cấu chăn nuôi.

Chăn nuôi bò sữa trong nước phát triển không chỉ tạo được việc làm, thu nhập cho nông dân, thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp, giảm nhập khẩu mà còn giúp người tiêu dùng được sử dụng những sản phẩm sữa do chính doanh nghiệp Việt làm ra từ dòng sữa tươi của đàn bò Việt.

Xin cảm ơn ông!

Ngày 17.9.2018, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có Văn bản gửi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ: Hiện, Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo Quyết định của Bộ Y tế về việc quy định sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình Sữa học đường.

Trên cơ sở các ý kiến đóng góp, Bộ Y tế nhận thấy Quyết định số 1340/QĐ-TTg quy định Bộ Y tế có trách nhiệm “xây dựng và ban hành các quy định về sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình Sữa học đường” mà không có quy định nào hạn chế các sản phẩm sữa khác tham gia chương trình.

Việc ban hành quy định chỉ đối với sản phẩm sữa tươi sẽ dẫn tới việc hạn chế sự lựa chọn các loại sữa khác trong khi các sản phẩm sữa khác vẫn đáp ứng mục tiêu dinh dưỡng của chương trình Sữa học đường, tạo rào cản cho doanh nghiệp, chỉ có doanh nghiệp sản xuất, cung cấp sữa tươi mới có thể tham gia chương trình.

Bộ Y tế cũng dẫn thêm báo cáo của Hiệp Hội Sữa Việt Nam cho biết, sản lượng sữa tươi mới đáp ứng 34% nhu cầu cả nước.

Trên cơ sở đó, Bộ Y tế đề nghị ngoài sản phẩm sữa tươi các sản phẩm sữa dạng lỏng khác cũng được tham gia chương trình Sữa học đường để đảm bảo trẻ em được sử dụng đa dạng các sản phẩm sữa khác, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng và sự tham gia bình đẳng của doanh nghiệp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem