Cục Đường sắt được phép đặt hàng gì với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam

Thế Anh Thứ ba, ngày 18/04/2023 14:24 PM (GMT+7)
Bộ GTVT giao Cục Đường sắt Việt Nam được thay mặt Bộ GTVT đặt hàng hợp đồng bảo trì hạ tầng đường sắt với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
Bình luận 0

Cục Đường sắt Việt Nam được đặt hàng với Tổng công ty đường sắt

Bộ GTVT đã ban hành Quyết định số 387/QĐ-BGTVT quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Đường sắt Việt Nam, bổ sung thêm một số nhiệm vụ mà các quyết định trước đây chưa quy định.

Đáng chú nhất, Bộ GTVT giao Cục Đường sắt Việt Nam được thay mặt Bộ GTVT đặt hàng hợp đồng bảo trì hạ tầng đường sắt với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam; Tổ chức quản lý tài sản kết cấu hạ tầng khi được giao.

Cục Đường sắt được phép đặt hàng gì với Tổng công ty đường sắt - Ảnh 1.

Hệ thống đường sắt quốc gia. Ảnh: VNR

Cùng với đó, Cục Đường sắt Việt Nam được giao chủ trì xây dựng, trình Bộ trưởng Bộ GTVT chiến lược, quy hoạch, kế hoạch trung hạn và hàng năm, các chương trình, dự án quốc gia, các đề án phát triển thuộc chuyên ngành GTVT đường sắt trong phạm vi cả nước.

Cục Đường sắt Việt Nam chủ trì xây dựng, trình Bộ trưởng Bộ GTVT các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn... về GTVT đường sắt. Tổ chức thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về GTVT đường sắt.

Đồng thời, Cục này thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành về quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt; về vận tải, phương tiện, nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu, ATGT, đầu tư xây dựng, môi trường, KHCN, hợp tác quốc tế...

Đối với việc quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng (KCHT) đường sắt, Cục Đường sắt Việt Nam có trách nhiệm tổ chức thực hiện quản lý, bảo trì tài sản KCHT đường sắt theo quy định và thẩm quyền; Kiểm tra, rà soát kế hoạch và dự toán kinh phí quản lý, bảo trì KCHT đường sắt hàng năm, trung hạn (hoặc theo kỳ kế hoạch) trình Bộ trưởng phê duyệt và tổ chức thực hiện theo quy định.

Quản lý nhà nước đối với tài sản KCHT đường sắt quốc gia theo quy định của pháp luật khi được cấp có thẩm quyền giao.

Bên cạnh những nội dung nêu trên, Bộ GTVT giao Cục Đường sắt Việt Nam chủ trì thẩm tra, trình Bộ trưởng Bộ GTVT quyết định việc đưa vào khai thác, dừng khai thác tuyến, đoạn tuyến, ga đường sắt quốc gia và việc kết nối đường sắt chuyên dùng, đường sắt đô thị (nếu có) với đường sắt quốc gia.

Đồng thời, chủ trì tham mưu trình Bộ trưởng để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định hoặc quyết định theo thẩm quyền việc công bố, phân loại, đặt tên, điều chỉnh, đóng, mở, tháo dỡ, đưa vào khai thác, dừng, tạm dừng khai thác công trình đường sắt theo quy định của pháp luật...

Cục Đường sắt được phép đặt hàng gì với Tổng công ty đường sắt - Ảnh 2.

Ga Hà Nội đang hoạt động ổn định. Ảnh: TA

Cục Đường sắt chủ trì nhiều nội dung quan trọng

Về hoạt động vận tải đường sắt, Cục Đường sắt Việt Nam có nhiệm vụ kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật đối với hoạt động vận tải đường sắt; Hướng dẫn doanh nghiệp kinh doanh vận tải, ga đường sắt có tham gia hoạt động liên vận quốc tế thực hiện quyền và nghĩa vụ theo các thỏa thuận, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Tổ chức thực hiện kiểm tra, giám sát việc thực hiện biểu đồ chạy tàu trên đường sắt quốc gia. Thẩm định kế hoạch chạy tàu an sinh xã hội hàng năm của doanh nghiệp; Theo dõi về vận tải an sinh xã hội, tổ chức kiểm tra xét duyệt quyết toán chi phí thực hiện vận tải phục vụ nhiệm vụ đặc biệt, chạy tàu an sinh xã hội...

Trong quản lý dự án đầu tư xây dựng, Cục Đường sắt Việt Nam thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quyết định đầu tư, chủ đầu tư đối với các dự án được giao quản lý theo phân cấp. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực GTVT đường sắt theo hình thức đối tác công tư theo phân cấp hoặc ủy quyền của Bộ trưởng...

Trong năm 2022, Cục Đường sắt Việt Nam tổ chức ký hợp đồng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2022 sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước.

Thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ GTVT, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam Vũ Quang Khôi và Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Đặng Sỹ Mạnh đã ký kết hợp đồng bảo trì đường sắt năm 2022. Tổng giá trị hợp đồng là 3.000 tỷ đồng.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ thực hiện toàn bộ công việc quản lý, bảo trì KCHT đường sắt quốc gia: Công tác quản lý, giám sát, bảo dưỡng thường xuyên; Công trình khắc phục hậu quả bão lũ bước 1; Công tác sửa chữa định kỳ, hoạt động kiểm định, khắc phục hậu quả bão lũ bước 2, sửa chữa đột xuất và công tác khác. Thời gian thực hiện hợp đồng từ 00h00 ngày 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2022.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem