Cục trưởng Cục Chăn nuôi: Cực chẳng đã mới phải nhập khẩu thịt lợn

Anh Thơ Thứ tư, ngày 27/11/2019 13:00 PM (GMT+7)
Tại toạ đàm “Phát triển ngành chăn nuôi: Từ góc nhìn chống dịch tả lợn châu Phi” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 26/11, ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, việc nhập khẩu thịt lợn để bù đắp lượng thiếu hụt là bất khả kháng nhưng sẽ tính toán trên cơ sở hài hòa lợi ích người dân và doanh nghiệp.
Bình luận 0

img

Theo ông Hoàng Anh Tuấn, dựa trên báo cáo tổng đàn lợn hiện tại của Bộ NNPTNT, sức sản xuất của doanh nghiệp, Bộ Công Thương dự tính, lượng thịt lợn bị thiếu hụt cho các tháng cuối năm 2019, đầu năm 2020 là khoảng 200.000 tấn.

"Trong bối cảnh đàn lợn bị thiệt hại nặng do dịch tả lợn châu Phi, việc thiếu hụt nguồn cung là khó tránh khỏi, trong khi việc tái đàn, khôi phục chăn nuôi phải có quá trình nên Bộ Công Thương thống nhất với Bộ NNPTNT đề xuất nhập khẩu thịt lợn để bù đắp lượng thịt thiếu hụt trên tinh thần đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp, người chăn nuôi, người tiêu dùng" - ông Tuấn nói.

img

Việt Nam thiếu khoảng 200.000 tấn thịt lợn cho những tháng cuối năm 2019, đầu năm 2020. Ảnh: I.T

Cũng theo ông Tuấn, hiện có 24 nước có quan hệ hai chiều với Việt Nam về mặt hàng thịt lợn, các doanh nghiệp có thể tìm kiếm nguồn hàng từ các thị trường này, nhưng phải đảm bảo các điều kiện về kiểm dịch thú y, dịch bệnh và an toàn thực phẩm của Bộ NNPTNT.

"Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ NNPTNT giúp các doanh nghiệp tiếp cận thị trường châu Âu, châu Mỹ, các doanh nghiệp quan tâm có thể liên hệ với Thương vụ của Việt Nam ở các thị trường để được hỗ trợ" - ông Tuấn cho biết thêm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Dương - Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết, trong cuộc họp bàn giải pháp bình ổn thị trường thịt lợn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ NNPTNT phải dự đoán nhu cầu thịt lợn và nguồn cung của từng tháng từ nay tới Tết Nguyên đán Canh Tý (nhu cầu thịt lợn sẽ tăng từ 25-30%/ngày). Cùng với đó, Bộ NNPTNT báo cáo Chính phủ kế hoạch bù đắp nguồn cung và không để dư thừa nguồn cung trong thời gian tới.

"Phó Thủ tướng chỉ đạo bằng mọi giá không để thiếu thịt, nhất là thịt lợn trong dịp Tết nhưng phải đảm bảo được lợi ích các bên là doanh nghiệp, người chăn nuôi, giữ ổn định thị trường chăn nuôi. Việt Nam không dễ có được ngành hàng thịt lợn phát triển như hiện nay khi đứng thứ 6 thế giới về đầu lợn, có lúc đứng thứ 4 thế giới. Bộ NNPTNT chắc chắn tìm mọi cách để đủ nguồn cung thịt lợn. Việt Nam là nước nông nghiệp không thể chỉ đi nhập khẩu thịt lợn về để ăn, “cực chẳng đã” mới phải nhập khẩu không để thiếu nguồn cung và không ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng" - ông Dương nói.

img

Người Trung Quốc trong cơn khủng hoảng thiếu thịt lợn. Ảnh: I.T

Ông Dương cho rằng, thịt lợn là mặt hàng nhập khẩu tự do, doanh nghiệp tính toán có lợi thì sẽ nhập. "Nhưng đứng trên góc độ ngành chăn nuôi thì không ai muốn, nhưng nếu thiếu nguồn thì việc nhập khẩu là quy luật tự nhiên theo kinh tế thị trường.

"Trước mắt nhập khẩu cần kiểm soát tốt cả về chất lượng, xuất xứ hàng hóa, hạn sử dụng. Hiện nay, giá thành sản phẩm thịt lợn trên thế giới đang cao lên, khu vực ăn thịt lợn nhiều nhất là châu Á, điển hình là Trung Quốc, nguồn cung thế giới cũng có thể thiếu theo. Nếu hàng nhập khẩu được kiểm dịch tốt, xuất xứ tốt, hạn sử dụng tốt thì giá có về cũng không phải là giá thấp" - ông Dương dự đoán và cam kết "sẽ có phối hợp với các bên kiểm soát tốt, nhập về sản phẩm thực sự tốt có giá trị mà không ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi".

Cũng theo ông Dương, Bộ NNPTNT xác định tăng sản xuất các loại vật nuôi an toàn là gia cầm, gia súc ăn cỏ, thủy sản... Lựa chọn này là khoa học, phải tái cơ cấu cả sản xuất ngành chăn nuôi, tái cơ cấu cả bữa ăn hàng ngày, không quá lệ thuộc vào một mặt hàng thực phẩm.

Một chút thịt lợn, bò, gà, trứng, thủy sản… mới tạo ra khẩu phần ăn hợp về dinh dưỡng và khẩu vị, tận dụng lợi thế sinh học. Gia cầm vòng đời ngắn, chi phí chăn nuôi thấp. Trong khi nuôi lợn thời gian khá dài, mất tới 6 tháng, lợn nái thì vòng đời cả năm, áp lực môi trường… Theo tôi, vẫn phải tái cơ cấu thay đổi quy mô, giảm chăn nuôi lợn, tăng nuôi những con khác lên" - ông Dương nhấn mạnh.

Một trong những giải pháp quan trọng khác là tái đàn, không tái đàn ồ ạt tránh tái dịch. Ông Dương cho biết, từ 3 tháng trước, Bộ trưởng Bộ NNPTNT đã có văn bản chỉ đạo: Một là mở rộng quy mô đàn ở những vùng, cơ sở an toàn dịch. Tái đàn ở chỗ bị dịch thì sau 30 ngày hết dịch phải kiểm tra không có mầm bệnh, kiểm soát được chăn nuôi an toàn sinh học thì địa phương tạo điều kiện để tái đàn.

"Thịt lợn không chỉ thiếu từ nay đến Tết mà còn thời gian dài nữa. Không tái đàn thì không thể đủ, tái đàn nhưng không để tái dịch" - ông Dương nói.

Việt Nam sản xuất thành công 1 triệu liều vắc-xin bệnh tai xanh

1 triệu liều vắc-xin phòng bệnh tai xanh (tên khoa học rối loạn hô hấp và sinh sản cho lợn) đã được sản xuất thành công tại Việt Nam.

“Dịch tai xanh như một cơn lũ quét đối với ngành chăn nuôi, khi nó đã tràn qua vùng nào thì tất cả sẽ bị cuốn trôi”. Đây là phát biểu của PGS.TS Hoàng Kim Giao, nguyên Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NNPTNT vào năm 2008 – thời điểm dịch tai xanh bùng phát, gây thiệt hại nghiêm trọng tại Việt Nam. Thời điểm này hơn 300.000 con lợn bị chết và tiêu hủy vì dịch tai xanh.

img

Năm 2010 bệnh đã xuất hiện ở hơn 20 tỉnh thành trên cả 2 miền Nam, Bắc. Nhất là ở miền Nam, đây là lần đầu tiên bệnh xuất hiện với quy mô lớn, trên hầu khắp các tỉnh Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Hậu quả khiến hơn 450.000 con lợn bị chết và tiêu hủy vì dịch bệnh này.

Bệnh tai xanh (hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản ở lợn) là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm của lợn mọi nòi giống, mọi lứa tuổi. Bệnh tai xanh do một loại virus (virus PRRS) gây ra, tấn công các tế bào đại thực bào dẫn đến hiện tượng suy giảm miễn dịch ở lợn, tạo điều kiện cho các virus, vi khuẩn gây bệnh khác tấn công.

Đối với lợn nái, bệnh gây hậu quả nghiêm trọng như sẩy thai, lợn con sơ sinh yếu ớt, giảm số con sơ sinh/ổ, tình trạng bệnh kéo dài âm ỉ, rối loạn sinh sản, động dục kéo dài, chậm động dục trở lại. Đối với đực giống, số lượng tinh dịch giảm, chất lượng tinh dịch kém, ảnh hưởng đến tỷ lệ thụ thai và chất lượng đàn con.

Những năm trước đây, mỗi năm Việt Nam bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng để nhập khẩu vắc-xin phòng chống bệnh tai xanh từ Trung Quốc, Tây Ban Nha, Bắc Mỹ, Singapore nhưng hiệu quả không cao. Dịch tai xanh vẫn bùng phát hàng năm và trở thành nỗi ám ảnh của người chăn nuôi và nền kinh tế Việt Nam.

img

Để giải quyết vấn đề này, dự án khoa học và công nghệ phát triển sản phẩm quốc gia “Công nghệ sản xuất vắc-xin phòng hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản cho lợn” được triển khai, với sự chủ trì của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Đây là dự án nằm trong chương trình Phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020 - một trong các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia đang được Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý.

Trong giai đoạn đầu (từ tháng 12/2014 đến tháng 1/2017), dự án đã tuyển chọn thành công 3 giống virus cường độc, 3 giống virus nhược độc phục vụ nghiên cứu tạo giống gốc để sản xuất vắc-xin phòng bệnh tai xanh.

Từ kết quả này, nhóm nghiên cứu đi vào nghiên cứu thành công vắc-xin nhược độc phòng bệnh tai xanh ở lợn đạt yêu cầu về độ vô trùng, thuần khiết (đạt 100%), an toàn (đạt 100%), hiệu lực lên đến trên 80%. Hơn 200.000 liều vắc-xin nhược độc phòng bệnh tai xanh đã được sản xuất thành công.

Trong giai đoạn tiếp theo, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tiếp tục mở rộng nghiên cứu sản xuất vắc-xin vô hoạt nhũ dầu phòng bệnh tai xanh để đảm bảo nguồn vắc-xin thay thế vắc-xin nhập khẩu.

Sau khi dự án sản xuất thử nghiệm kết thúc, Học viện Nông nghiệp Việt Nam chuyển giao quy trình sản xuất vắc-xin vô hoạt PRRS để sản xuất đại trà với quy mô công nghiệp ( dự kiến 10-15 triệu liều/năm).

img

Tính đến tháng 9/2019 đã có 1.000.000 liều vắc-xin vô hoạt phòng bệnh tai xanh đạt yêu cầu về độ vô trùng, thuần khiết (đạt 100%), an toàn (đạt 100%), hiệu lực lên đến trên 70%.

Bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Trưởng phòng thí nghiệm Trọng điểm Công nghệ sinh Học, Khoa Y học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết: “Vắc-xin phòng bệnh tai xanh được sản xuất từ dự án này có sự tương đồng kháng nguyên với các chủng gây bệnh rất cao nên hiệu lực cao hơn hẳn vắc-xin nhập khẩu. Đặc biệt, vắc-xin trong nước có giá thành cạnh tranh, chỉ bằng 30 – 50% giá của vắc-xin nhập ngoại".

Khi Việt Nam chủ động về nguồn vắc-xin phòng bệnh tai xanh thì quá trình tiêm phòng, quá trình can thiệp sẽ được thực hiện theo đúng lịch trình, kịp thời và hiệu quả, tỷ lệ lợn chết do bệnh sẽ giảm đáng kể. 

Cao Oanh

Giá heo hơi hôm nay 27/11 tại miền Bắc: Giảm ở nhiều nơi                                 

Trái ngược với sự tăng quá nóng của tuần trước, giá heo hơi hôm nay 27/11 ở nhiều địa phương miền Bắc có xu hướng giảm nhẹ, tuy nhiên, mức giá heo hơi vẫn trên 70.000 đồng/kg.

Cụ thể, giá heo hơi hôm nay ở Tuyên Quang, Hà Nội, Hà Nam giảm 1.000 đồng/kg, xuống mức 72.000 - 74.000 đồng/kg.

Cá biệt, giá heo hơi ở Phú Thọ giảm tới 5.000 đồng/kg, còn 70.000 đồng/kg, trong khi giá heo hơi ở Vĩnh Phúc còn 72.000 đồng/kg, giảm 3.000 đồng/kg so với vài ngày trước.

Bên cạnh những địa phương ghi nhận mức giảm nhẹ, ở nhiều nơi, giá heo hơi vẫn đứng ở mức cao. Cụ thể, giá heo hơi ở Ninh Bình, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên vẫn đạt 77.000 đồng/kg; giá heo hơi ở Hưng Yên đạt 75.000 đồng/kg.

img

Giá heo hơi hôm nay 27/11 ở miền Bắc chững lại, trong khi giá heo hơi ở miền Nam vẫn ổn định. Ảnh: I.T

Khánh Nguyên

img

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem