Cung cấp cá trắm đen giống, thức ăn và chế phẩm sinh học cho nông dân Thanh Hóa chăn nuôi

Vũ Thượng Thứ sáu, ngày 09/09/2022 09:42 AM (GMT+7)
Cuối tháng 8 vừa qua, Hội Nông dân (ND) tỉnh Thanh Hóa đã trực tiếp bàn giao 2.000 con cá trắm đen giống (1.000kg) , cùng thức ăn và chế phẩm sinh học cho 4 hộ là hội viên nông dân tại thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa.
Bình luận 0

Từ đây, một mô hình mới bắt đầu được triển khai với kỳ vọng giúp nhiều hộ nông dân làm giàu.

Dự án "Xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong nuôi cá trắm đen thương phẩm theo hướng an toàn sinh học" triển khai tại thị trấn Tân Phong huyện Quảng Xương (tỉnh Thanh Hóa) do Văn phòng Phát triển bền vững thuộc Văn phòng T.Ư Hội Nông dân Việt Nam quản lý, Hội ND tỉnh Thanh Hóa trực tiếp thực hiện.

Khảo sát kỹ, lựa chọn đúng hộ tham gia

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin về dự án từ Văn phòng Trung ương Hội NDVN, Hội ND tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp Sở NNPTNT, Trung tâm Khuyến nông tỉnh khảo sát các địa điểm và chọn thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương, làm điểm triển khai mô hình. Cùng với đó, các bên đã phối hợp lựa chọn 4 hộ dân tham gia dự án đáp ứng các yêu cầu: Tự nguyện tham gia triển khai mô hình; đảm bảo các yêu cầu về đất đai, lao động và khả năng tài chính để đóng góp đối ứng theo yêu cầu của dự án…

Theo ký kết triển khai, phía chủ đầu tư và quản lý dự án hỗ trợ cho 4 hộ số lượng cá giống trắm đen 2.000 con, cùng 7,2 tấn thức ăn chăn nuôi và chế phẩm sinh học. Tổng kinh phí thực hiện mô hình tại thị trấn Tân Phong là hơn 314 triệu đồng. Các hộ hội viên nông dân tham gia mô hình có trách nhiệm đóng góp đầy đủ phần vốn, vật tư đối ứng theo yêu cầu của dự án (50%), với tổng giá trị 278,4 triệu đồng/4 hộ.

Dự án đặt mục tiêu xây dựng 1 mô hình về nuôi cá trắm đen thương phẩm theo hướng an toàn sinh học tại thị trấn Tân Phong, quy mô 4.000m2. Trước khi tiến hành giao giống, thức ăn, chế phẩm… cho các hộ dân, ngày 17/8/2022, ban quản lý dự án đã tổ chức 1 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật nuôi cá trắm đen thương phẩm ứng dụng chế phẩm sinh học.

"Đòn bẩy" giúp sản xuất quy củ, hiệu quả - Ảnh 1.

Thả cá giống trắm đen xuống ao nuôi của hộ dân tham gia mô hình tại thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Vũ Thượng

Lãnh đạo Hội ND tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh: Từ mô hình và những kết quả đặt ra ban đầu, điều lớn hơn mà dự án hướng đến là nâng cao nhận thức người nông dân từ sản xuất nhỏ lẻ tự phát, sang đầu tư và sản xuất có hoạch định khoa học. Góp phần quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tại địa phương, khuyến khích mở rộng phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn…

Thông qua lớp tập huấn nhằm giúp các hộ dân được hướng dẫn, đào tạo kỹ thuật chăm sóc và phòng trị bệnh cho cá nuôi; xây dựng mô hình trình diễn; tuyên truyền và nhân rộng mô hình.

Anh Hoàng Văn Đà - hộ dân tham gia mô hình cho biết: "Sau khi tham gia lớp tập huấn kỹ thuật nuôi cá trắm đen thương phẩm ứng dụng chế phẩm sinh học, tôi đã cơ bản nắm chắc các kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh, thu hoạch… Tôi sẽ áp dụng đúng kỹ thuật đã học được để nuôi đàn cá trắm đen nhanh lớn, đạt năng suất cao".

Các đơn vị thực hiện dự án cũng đã xây dựng kế hoạch tập huấn, lựa chọn chuyên gia, giảng viên có kinh nghiệm và trình độ để tập huấn cho cán bộ khuyến nông, nông dân tham gia mô hình.

Dự án nhỏ hướng đến nhiều mục tiêu

"Đòn bẩy" giúp sản xuất quy củ, hiệu quả - Ảnh 3.

Cá giống trắm đen cung cấp cho các hộ dân được lựa chọn từ cơ sở ương giống uy tín. Ảnh: V.T

"Đòn bẩy" giúp sản xuất quy củ, hiệu quả - Ảnh 4.

"Chúng tôi kỳ vọng việc triển khai dự án này sẽ giúp nâng cao hiệu quả kinh tế và năng suất lao động, giải quyết việc làm cho các lao động địa phương, đảm bảo môi trường trong sản xuất. Góp phần giúp tổ hợp tác thúc đẩy sản xuất và liên kết theo chuỗi giá trị. Thu hút được đông đảo bà con nông dân tham gia tổ chức Hội" - ông Bùi Văn Giáp-Chủ tịch Hội ND thị trấn Tân Phong cho biết.

Về các hộ tham gia mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong nuôi cá trắm đen thương phẩm theo hướng an toàn sinh học, ông Bùi Văn Giáp cho hay, các hộ này đều đáp ưng yêu cầu có tối thiểu 1.000m2 ao nuôi, 2.000m2 đất sản xuất; có khả năng đóng góp 50% đối ứng trong dự án…

"Dự án triển khai trong 8 tháng, Hội ND thị trấn Tân Phong sẽ đồng hành, cam kết để cùng các hộ dân chăm sóc, thu hoạch cá nhằm mang lại hiệu quả kinh tế tốt nhất cho các hộ tham gia. Chúng tôi cũng kỳ vọng dự án sẽ là điểm nhấn để người dân trong huyện, tỉnh đến tham quan, học hỏi phát triển mô hình" - ông Bùi Văn Giáp nói.

Hôm 25/8 vừa qua, Hội ND tỉnh Thanh Hóa đã trực tiếp bàn giao 2.000 con cá giống trắm đen (1.000kg), cùng 7,2 tấn thức ăn và chế phẩm sinh học cho 4 hộ tham gia mô hình. Cá giống trắm đen mà các hộ nhận để thả xuống ao nuôi có trọng lượng trung bình 0,5kg/con.

Vui mừng khi nhận được cá giống và chế phẩm vi sinh, thức ăn chăn nuôi, ông Lê Thiên Tư - một hộ tham gia mô hình bày tỏ: "Gia đình tôi và 3 hộ khác cùng cam kết sẽ chăm sóc con cá trắm đen thật tốt, đúng quy trình và hướng dẫn đã được tập huấn, để sau 8 tháng nuôi con cá lớn nhanh, cho năng suất cao, giá trị kinh tế lớn hơn so với việc nuôi cá theo phương thức truyền thống".

Lãnh đạo Hội ND tỉnh Thanh Hóa cho hay, Dự án "Xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong nuôi cá trắm đen thương phẩm theo hướng an toàn sinh" đặt ra các chỉ tiêu kinh tế cụ thể: năng suất 10 tấn/vụ/diện tích mô hình; thu 1,2 tỷ đồng/năm; tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 8-10 lao động, thu nhập bình quân từ 6-8 triệu đồng/người/tháng. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem