Cuộc chiến bán lẻ: Đại gia tung chiêu mới, giành giật "miếng bánh" trăm tỷ USD

Hồng Phúc Thứ tư, ngày 10/03/2021 17:01 PM (GMT+7)
Cuộc chiến bán lẻ tại Việt Nam chưa bao giờ thôi hấp dẫn. Các nhà bán lẻ liên tục có "chiêu" để thu hút khách hàng theo hướng ngày càng tiện lợi và tiết kiệm hơn.
Bình luận 0

Tại Việt Nam, cuộc chiến bán lẻ với sự cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp từ nội đến ngoại chưa bao giờ thôi khốc liệt. Covid-19 xuất hiện, đẩy các doanh nghiệp bán lẻ tìm nhiều "chiêu" thức mới để tiếp cận, giành khách hàng.

Cuộc chiến bán lẻ: Đua nhau giành khách

Anh Hoàng Nam (Q.3) không nghĩ mình lại trở thành khách hàng thường xuyên của chuỗi Bách Hóa Xanh bởi hệ thống này có "chiêu" khá độc. 

Trước Tết, anh Nam mua một dây cáp điện thoại chính hãng tại hệ thống Thế giới Di động (TGDĐ), về nhà anh nhận được một tin nhắn từ "người anh em" của TGDĐ là Bách Hóa Xanh, một mã giảm giá 50.000 đồng cho đơn hàng 150.000 đồng khi mua sắm tại website Bách Hóa Xanh.

Cuộc chiến bán lẻ: Đại gia tung chiêu mới, giành giật miếng bánh trăm tỷ USD - Ảnh 1.

Cuộc chiến bán lẻ: Bách Hoá Xanh tung chiêu tự động gửi mã giảm giá cho khách hàng. Ảnh: H.Phúc.

"Chỉ cần lên mạng đặt, hàng được giao tận nhà mà còn được giảm tới 1/3 so với giá gốc là quá hời. Chưa hết, sau khi mua xong, 2 tuần sau tôi quên béng sự tồn tại của Bách Hóa Xanh, thì bất ngờ tin nhắn lại tới, cũng cho mã giảm 50.000 đồng như trước. Cách tiếp thị khá độc", anh Nam cười. 

Với việc ngồi tại nhà, đặt hàng qua website, hẹn khung giờ giao khi có mặt ở nhà, hiện anh Nam có thể mua rau xanh, thịt cá giúp vợ mà không cần phải ra khỏi nhà.

Các hệ thống siêu thị nội khác cũng đang tăng cường bán hàng hóa, thực phẩm giao tận nhà. VinMart có website riêng, hoạt động tương tự một trang thương mại điện tử, hàng hóa đa dạng. Saigon Co.op - đơn vị sở hữu hàng loạt thương hiệu Co.opmart, Co.opXtra… cũng vừa có ứng dụng bán hàng riêng. 

Đại diện Saigon Co.op cho biết giai đoạn sau Tết, hệ thống sẽ đẩy mạnh dịch vụ mua sắm hộ, đồng thời tăng cường nhân sự tiếp nhận đơn, giao hàng miễn phí tận nhà trong 1-2 tiếng đồng hồ. 

Cuộc chiến bán lẻ trong tình hình mới ở khối doanh nghiệp ngoại như Central Retail (Big C, Tops Market), Aeon, Lotte Mart cũng rất sôi động. Một "chiêu" phổ biến được các doanh nghiệp áp dụng là bán qua điện thoại, bởi nhiều bà nội trợ, đặc biệt là người lớn tuổi chưa quen sử dụng điện thoại thông minh cũng như đặt hàng qua ứng dụng.

"Trên website của siêu thị có sẵn một danh mục hàng, từ rau củ quả, bánh kẹo, nước uống, gà quay sẵn đều có hết. Danh sách này được đánh số, cô chỉ cần gọi đến tổng đài và đọc số thứ tự của món hàng là bên siêu thị giao tận nhà luôn", nữ nhân viên Big C miền Đông (Q.10), nói. 

Khu vực nhận đặt hàng qua điện thoại của siêu thị nằm song song dãy quầy thu ngân, nhân viên liên tục nhấc điện thoại nghe máy, ghi lại thông tin đơn hàng.

Cuộc chiến bán lẻ: "Miếng bánh" trăm tỷ USD

Thị trường bán lẻ Việt Nam được xem là "miếng bánh" hấp dẫn và chưa bao giờ ngưng thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Số liệu thống kê cho thấy những năm qua, ngành bán lẻ Việt đều tăng trưởng hai con số, năm sau cao hơn năm trước. Ngay cả bị ảnh hưởng vì Covid-19 nhưng kết quả của ngành vẫn rất khả quan so với bức tranh chung.

Cuộc chiến bán lẻ: Đại gia tung chiêu mới, giành giật miếng bánh trăm tỷ USD - Ảnh 3.

Ngoài bán trực tiếp, mảng bán hàng qua điện thoại của Big C cũng rất tốt. Ảnh: H.Phúc.

Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt gần 219 tỷ USD, tăng 2,6% so với năm trước; xét theo ngành hoạt động thì doanh thu bán lẻ hàng hóa chiếm 79%, đạt gần 173 tỷ USD, tăng 6,8% so với năm 2019. 

Để có được kết quả tích cực này, các doanh nghiệp bán lẻ đã có một năm 2020 nhiều thử thách. Covid-19 trở thành một phép thử, các doanh nghiệp đã ứng phó bằng cách tăng cường giao hàng tận nhà thay cho hình thức mua sắm trực tiếp thông thường. 

Ông Nguyễn Anh Dũng - Giám đốc cấp cao bộ phận Retail Intelligence của Nielsen Việt Nam xác nhận, bức tranh bán lẻ trong năm 2020 có nhiều thay đổi, sang năm 2021 vẫn tiếp tục thay đổi mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt là người mua hàng. Vì vậy, việc nắm bắt thị trường của các đơn vị bán lẻ là hết sức quan trọng.

Nếu như trước đây, người tiêu dùng đi chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, thì hiện chuyển sang mua hàng online nhiều hơn. Bước sang năm 2021, khi dịch bệnh còn nhiều bất định, các doanh nghiệp bán lẻ tiếp tục đẩy mạnh mảng mua sắm online và xem đây là xu hướng thay đổi trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem