"Cuộc chiến" ở Tập đoàn Hòa Bình đã đến hồi kết?

Quốc Hải Thứ tư, ngày 01/03/2023 12:31 PM (GMT+7)
Việc HĐQT Tập đoàn Hòa Bình thông qua nghị quyết chính thức hủy các nghị quyết 50, 51, 53 ban hành tháng 12/2022; đồng thời, thông qua việc rút đơn từ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT và tư cách thành viên HĐQT của ông Lê Viết Hải, là tín hiệu cho thấy "cuộc chiến" ở tập đoàn này đã đến hồi kết.
Bình luận 0
"Cuộc chiến" ở Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã kết thúc? - Ảnh 1.

Sự rút lui của ông Nguyễn Công Phú (bên phải) là tín hiệu cho thấy cuộc chiến ở Xây dựng Hòa Bình đã đến hồi kết. Ảnh: HBC

Như Dân Việt đã đưa tin, ông Nguyễn Công Phú đã có đơn từ nhiệm thành viên HĐQT độc lập của Tập đoàn Hòa Bình kể từ ngày 13/2/2023. Như vậy, nếu các nghị quyết này được chấp thuận trong đại hội đồng cổ đông sắp tới, ông Nguyễn Công Phú sẽ chính thức thôi các vai trò tại Tập đoàn Hòa Bình.

Cuộc chuyển giao quyền lực bất thành

Trước khi xảy ra những vấn đề tranh chấp chức danh Chủ tịch HĐQT, Tập đoàn Hòa Bình cho biết việc thay đổi nhân sự cấp cao nhằm đảm bảo tính pháp lý trong việc đề cử ông Lê Viết Hiếu (hiện là Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc thường trực Hòa Bình) đảm nhận chức vụ Tổng Giám đốc của tập đoàn này vào kỳ đại hội cổ đông năm 2023.

Ông Lê Viết Hiếu (31 tuổi), là con của ông Lê Viết Hải.

Chia sẻ với báo chí thời điểm đó, ông Hải cho hay, việc ông từ nhiệm để đảm bảo tính pháp lý cho con trai trở thành Tổng Giám đốc. Bởi, theo quy định của Luật Doanh nghiệp, nếu ông Hải là thành viên HĐQT, người trong gia đình không được giữ chức Tổng Giám đốc.

Vì vậy, bằng các nghị quyết đã ban hành, ông Hải muốn lùi về phía sau và giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng sáng lập. 

Đến giữa tháng 12/2022, ông Phú được 8/8 thành viên HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình thống nhất bầu làm Chủ tịch HĐQT từ ngày 1/1/2023 thay ông Lê Viết Hải.

Tuy nhiên, ngay sau khi ông Phú được đề cử làm Chủ tịch Hòa Bình, đúng vào ngày cuối cùng của năm 2022, HĐQT Hòa Bình ban hành nghị quyết hoãn thi hành việc bầu ông Phú làm Chủ tịch HĐQT. 

Ông Phú cùng 3 thành viên HĐQT khác sau đó công khai trên truyền thông phản đối nghị quyết trên. Ông Phú cho biết, mình không tham gia cuộc họp ngày 31/12/2022, đồng thời nêu quan điểm, nghị quyết tiếp tục để ông Hải làm Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Bình vi phạm điều lệ doanh nghiệp. 

Ở chiều ngược lại, Tập đoàn Hòa Bình khẳng định cuộc họp và nghị quyết hoãn thi hành bầu ông Phú, để ông Hải tiếp tục làm Chủ tịch HĐQT là hợp lệ.

"Cuộc chiến" ở Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã kết thúc? - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Công Phú (bên trái) tại cuộc gặp gỡ một số báo chí để tố sai phạm của cha con ông Lê Viết Hải. Ảnh: Đ.Hòa

Vụ việc sau đó tiếp tục gây "sốt" khi ông Phú cùng một số thành viên HĐQT của Tập đoàn Hòa Bình xuất hiện chính thức trước truyền thông, tiết lộ nhiều nội dung liên quan đến các cuộc họp và một số vấn đề nội bộ liên quan hoạt động điều hành, quản trị doanh nghiệp. Phản ứng trước động thái này, phía Tập đoàn Hòa Bình tuyên bố các hành vi của ông Phú và thành viên có liên quan có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi không chỉ cung cấp thông tin và phát tán tài liệu có tính nội bộ, bảo mật mà còn cố tình diễn giải báo cáo tài chính sai với bản chất.

Sau đó, khi dịp nghỉ Tết Nguyên đán 2023 kết thúc, phía Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã công bố thông tin ông Nguyễn Công Phú đã có đơn từ nhiệm thành viên HĐQT độc lập của Tập đoàn Hòa Bình kể từ ngày 13/2/2023.

Như vậy, với việc hủy bỏ các nghị quyết trước đó, nếu muốn tiếp tục đề cử ông Lê Viết Hiếu làm Tổng Giám đốc, HĐQT Hòa Bình sẽ phải tiếp tục tìm kiếm một chủ tịch HĐQT khác thay thế ông Hải trong khi ngày đại hội cổ đông sắp đến gần.

Đặt mục tiêu lãi 125 tỷ đồng trong năm 2023

Bên cạnh các thông tin về nhân sự, HĐQT Hòa Bình cũng thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023. Sau khi trải qua năm đầu tiên báo lỗ do thị trường khó khăn, Hòa Bình đặt mục tiêu doanh thu 2023 đạt 12.500 tỷ đồng và lãi sau thuế 125 tỷ đồng.

Trong đó, chỉ tiêu doanh thu giảm hơn 11% so với kết quả năm 2022 do những khó khăn của thị trường xây dựng vẫn kéo dài trong năm nay.

Ngoài ra, HĐQT cũng thống nhất thời gian tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2023, dự kiến tổ chức vào ngày 26/4.

"Cuộc chiến" ở Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã kết thúc? - Ảnh 4.

Tập đoàn Hòa Bình thông qua nghị quyết chính thức hủy các nghị quyết 50, 51, 53 ban hành tháng 12/2022

Trước đó, theo báo cáo tài chính HBC công bố cho thấy, doanh nghiệp này đã dính khoản lỗ ròng kỷ lục (tính theo quý) hơn 1.200 tỷ đồng trong quý IV/2022. Lũy kế cả năm, doanh thu của HBC tăng hơn 20% nhưng giá vốn tăng cao khiến biên lãi gộp của doanh nghiệp trong top đầu ngành xây dựng thu hẹp về dưới 2%, so với mức 7% của năm trước. 

Đồng thời, doanh thu hoạt động tài chính không đủ để bù đắp chi phí lãi vay và chi phí quản lý doanh nghiệp - hai chỉ tiêu đều tăng tính bằng đơn vị lần. 

Kết quả, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình ghi nhận khoản lỗ ròng hơn 1.100 tỷ đồng sau năm 2022, so với mức lãi ròng gần 100 tỷ của năm trước. Khoản lỗ này cũng đánh dấu năm kinh doanh thua lỗ đầu tiên của HBC kể từ khi lên sàn.

Trên thị trường chứng khoán, trong phiên giao dịch sáng nay (1/3), cổ phiếu HBC đóng cửa ở mức giá tham chiếu 8.170 đồng/CP. Như vậy, so với thời điểm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, cổ phiếu HBC đã mất giá hơn 20%.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem