"Cuộc chiến" Vinasun – Grab: Vẫn chờ phán quyết của tòa!

Phương Thảo Thứ hai, ngày 18/02/2019 11:56 AM (GMT+7)
Sau 18 tháng xét xử, vụ án dân sự “có một không hai” về yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa Vinasun và Grab đã kết thúc. Các bên tiếp tục kháng cáo bản án Sơ thẩm. Đồng thời, VKSND TP.HCM kháng nghị, VKS cấp cao tại TP.HCM bổ sung kháng nghị của VKSND TP.HCM.
Bình luận 0

Những “dấu mốc” của vụ án đặc biệt

Gọi đây là vụ án “đặc biệt”, “có một không hai” vì lần đầu tiên trên thế giới xảy ra vụ án một công ty taxi (truyền thống) khởi kiện một công ty công nghệ với lý do bị sụt giảm doanh thu.

Nguyên đơn là Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam - đơn vị sở hữu thương hiệu taxi Vinasun (gọi tắt Vinasun) và bị đơn là Công ty TNHH Grab Taxi Việt Nam (gọi tắt là Grab) đã kết thúc phiên sơ thẩm vào ngày 28.12.2018 với phán quyết của TAND TP.HCM: chấp nhận một phần nội dung khởi kiện của Vinasun, buộc Grab phải bồi thường cho Vinasun số tiền 4,8 tỷ đồng.

Vụ án này đã kéo dài trong 19 tháng, bắt đầu từ ngày 3.5.2017 bằng việc Vinasun nộp đơn khởi kiện Grab và Uber ra TAND TP.HCM. Tuy nhiên, đến ngày 7.8.2017, Vinasun điều chỉnh nội dung đơn khởi kiện, xác định chỉ còn Grab là bị đơn trong vụ kiện.

img

Trong đơn kháng cáo phúc thẩm, Vinasun giữ nguyên quan điểm, yếu cầu Grab bồi thường hơn 41 tỷ đồng

Ngày 6.2.2018, TAND TP.HCM đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm phiên đầu tiên. Ngày 7.2, sau một ngày xét xử, phiên sơ thẩm bị tạm hoãn vì thiếu chứng cứ, cần bổ sung và điều tra thêm.

17.10, TAND TP.HCM tiếp tục mở phiên xét xử, sau nhiều tháng xét xử, nhiều lần bị tạm hoãn rồi lại xét xử lại kéo dài trong vòng 11 tháng, ngày 28.12.2018, TAND TP.HCM đã kết thúc xét xử sơ thẩm.

Sau khi xem xét đầy đủ các chứng cứ cũng như lời khai của các bên tại các phiên tranh luận, HĐXX nhận định: có đủ căn cứ để HĐXX xác định Grab đang hoạt động trong lĩnh vực vận tải taxi chứ không đơn thuần là đơn vị cung ứng phần mềm kết nối.

Việc vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh vận tải hành khách của Grab đã gây ra thiệt hại cho Vinasun là có cơ sở. Bởi hoạt động của Grab không tạo ra thị trường mới, không tăng thêm lượng khách mà chỉ là sự dịch chuyển của lái xe, khách hàng từ Vinasun. Vì vậy có căn cứ chấp nhận một phần nội dung khởi kiện của Vinasun, buộc Grab bồi thường cho Vinasun hơn 4,8 tỷ đồng vì hành vi vi phạm gây ra.

img

Bị đơn Grab không chấp nhận bồi thương 4,8 tỷ đông cho Vinasun

Sau khi kết thúc phiên xét xử sơ thẩm, mới đây, cả hai bên nguyên đơn là Vinasun và bị đơn là Grab đều có kháng cáo bản án sơ thẩm. Vinasun vẫn giữ quan điểm cáo buộc Grab gây thiệt hại cho Vinasun bởi những hành vi vi phạm gây ra, buộc Grab phải bồi thường số tiền hơn 41 tỷ đồng.

Phía Grab khẳng định hoạt động đúng Đề án 24 của Bộ GTVT, chỉ là đơn vị cung ứng phần mềm công nghệ, không vi phạm pháp luật Việt nam, không phải là đơn vị kinh doanh vận tải taxi và không gây thiệt hại cho Vinasun nên không có trách nhiệm bồi thường cho Vinasun.

Đồng thời, VKSND TP.HCM kháng nghị bản án sơ thẩm. VKS cấp cao cũng có quyết định bổ sung quyết định kháng nghị phúc thẩm của VKSND TP.HCM. Nội dung kháng nghị đề nghị TAND TP.HCM xử phúc thẩm theo hướng sửa bản án sơ thẩm, không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun.

img

HĐXX kiến nghị nhiều nội dung liên quan đến Bộ GTVT, Tài chính, Bảo hiểm xã hội

Xây dựng khung pháp lý phù hợp

Phán quyết như thế nào dư luận chờ phiên xét xử phúc thẩm trong thời gian tới. Tuy nhiên, điều dư luận quan tâm chính là việc các cơ quan quản lý nhà nước cần có những thay đổi, quy định mới để quản lý các đơn vị kinh doanh vận tải trong thời đại 4.0, tránh gây thất thoát nguồn thu cho nhà nước, đảm bảo pháp luật được thực thi nghiêm minh và không để xảy ra kiện tụng kéo dài của các doanh nghiệp.

Tại bản án sơ thẩm ngày 28.12.2018 của TAND TP.HCM, trong phần kiến nghị, HĐXX nhận định, với mô hình hoạt động taxi như Grab thì trên thế giới chưa có quốc gia nào tách rời được giữa dịch vụ công nghệ cao với kinh doanh vận tải. Trong khi nội dung Đề án 24 lại tách rời giữa hai điều này. Do đó áp dụng với Grab là không thực tế. Tòa kiến nghị Bộ GTVT cần xem Grab là doanh nghiệp kinh doanh vận tải để có chính sách quản lý phù hợp, sửa đổi nội dung Đề án 24 nếu tiếp tục thực hiện đề án này.

Từ chính sách bất bình đẳng trong điều kiện kinh doanh vận tải, tăng giảm tùy tiện giá cước vận tải của Grab mà Nhà nước không quản lý được. Tòa kiến nghị Bộ Tài chính và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải có biện pháp quản lý giá cước và thu thuế đối với Grab theo đúng quy định về doanh nghiệp kinh doanh vận tải.


img

Tại phiên xét xử sơ thẩm, hàng trăm tài xế đã có mặt theo dõi phiên tòa

Về trách nhiệm đóng bảo hiểm cho người lao động, khi xác định Grab là doanh nghiệp kinh doanh vận tải thì quyền lợi người lao động phải thực hiện đúng quy định. Thời gian qua, việc đóng bảo hiểm cho tài xế của Grab gần như không thực hiện, thất thu quỹ bảo hiểm xã hội. Tòa kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước cần xem xét trách nhiệm của Grab về Bảo hiểm Xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm Y tế cho người lao động, tài xế tham gia chạy cho Grab theo quy định.

Qua vụ án này, TAND TP.HCM kiến nghị cơ quan Nhà nước cần xây dựng lại khung pháp lý về quản lý các loại hình kinh doanh vận tải nhằm tạo công bằng, bình đẳng cho những đơn vị tham gia kinh doanh vận tải hành khách; tăng cường giám sát giá cước, chương trình khuyến mãi, chống phá giá nhằm rối loạn thị trường trong ngành vận tải, tránh việc có thể các doanh nghiệp kinh doanh vận tải sẽ tiếp tục có những vụ kiện tụng tiếp sau vụ Vinasun – Grab.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem