Cuộc 'di dân lịch sử ở Huế': Thủ tướng chỉ đạo gỡ khó về kinh phí

Trần Hòe Thứ sáu, ngày 21/06/2019 11:23 AM (GMT+7)
Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ đạo giải quyết vấn đề kinh phí thực hiện cuộc di dân lịch sử ở Huế trước việc số tiền thực hiện đề án quá lớn so với khả năng ngân sách địa phương.
Bình luận 0

Liên quan đến “cuộc di dân lịch sử” ở Huế, ngày 21/6, Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, Thủ tướng Chính phủ vừa có những chỉ đạo về vấn đề kinh phí thực hiện đề án.

Cụ thể, văn bản thông báo về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế mới đây đã đề cập việc hỗ trợ kinh phí còn thiếu cho Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế giai đoạn 1.

img

Những ngôi nhà "vá chằng vá đụp" của người dân sống tại di tích Kinh thành Huế.

Theo đó, ngoài phần vốn dự kiến bố trí cho tỉnh tại tờ trình 110/TTr-CP ngày 29/3/2019 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan liên quan rà soát, đề xuất bố trí bổ sung thêm từ nguồn dự phòng chung vốn ngân sách Trung ương kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, báo cáo Thủ tướng theo quy định.

Đối với số vốn còn thiếu thuộc nhiệm vụ của ngân sách Trung ương giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp Bộ KHĐT và các bộ, cơ quan liên quan đề xuất việc sử dụng các nguồn vốn còn dư khác của ngân sách Trung ương như nguồn vượt thu, tiết kiệm chi, kết dư ngân sách Trung ương (nếu có) và nguồn dự phòng ngân sách Trung ương hàng năm, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Bên cạnh đó, Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc cân đối lại số tăng thu thực hiện so với dự toán Trung ương giao từ tiền thuê đất hàng năm và sử dụng nguồn thu từ phí tham quan quần thể di tích cố đô Huế trong 2 năm 2019-2020, để bổ sung nguồn lực phục vụ công tác trùng tu, bồi thường giải phóng mặt bằng dự án. Thủ tướng giao Bộ Tài chính hướng dẫn UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước 2015, Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 và các quy định pháp luật hiện hành; trong đó đảm bảo cân đối thực hiện cải cách tiền lương theo đúng quy định.

Trước đó, tại buổi làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các bộ ngành vào chiều 10/6, lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, hiện tỉnh đang tập trung nỗ lực để thực hiện Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế. Dự kiến trong tháng 9 tới, tỉnh sẽ hoàn thành khu tái định cư và thực hiện di dời 523 trong số hơn 4.200 hộ “sống treo” tại các di tích Kinh thành Huế trong tháng 10/2019.

img

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, kinh phí thực hiện giai đoạn 1 của đề án lên đến 1.880 tỷ đồng là quá lớn so với khả năng ngân sách địa phương.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, kinh phí thực hiện giai đoạn 1 của đề án lên đến 1.880 tỷ đồng là quá lớn so với khả năng ngân sách địa phương. Vì vậy, tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm phê duyệt bổ sung danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2019-2020 và bố trí từ nguồn dự phòng chung của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 cho dự án Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo di tích Kinh thành Huế, giúp Tỉnh đảm bảo được nguồn lực để kịp thời thực hiện đề án. 

Lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đề nghị, trong trường hợp không cân đối được kinh phí, Thủ tướng Chính phủ quan tâm bố trí vốn cho Chương trình mục tiêu văn hóa của tỉnh năm 2019 và 2020, hoặc cho phép áp dụng cơ chế đặc thù đối với di sản quần thể di tích cố đô Huế giai đoạn 2019-2020 theo Luật Di sản văn hóa.

Cụ thể, tỉnh được để lại và sử dụng toàn bộ nguồn thu phí di tích cho việc thực hiện Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế và trùng tu di tích, không huy động 50% từ nguồn thu phí bán vé tham quan di tích để cân đối quỹ cải cách tiền lương...

Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế là "cuộc di dân lịch sử" của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đề án được thực hiện nhằm di dời, giải phóng mặt bằng 4.201 hộ dân với tổng mức đầu tư 4.097 tỷ đồng, trong đó giải phóng mặt bằng 2.735 tỷ đồng, xây dựng khu tái định cư 1.362 tỷ đồng. 

Mục tiêu tổng quát của đề án nhằm gìn giữ, bảo vệ các giá trị lịch sử, bảo tồn văn hóa còn nguyên vẹn nhất của Việt Nam do tiền nhân để lại cho tương lai; di dời các hộ dân đang sinh sống tại khu vực 1 di tích đến khu dân cư mới để ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống; bảo vệ, đảm bảo môi trường, chỉnh trang cảnh quan; phát huy giá trị di tích, tạo sản phẩm du lịch; tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Đề án được thực hiện theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ 2019 - 2021) sẽ di dời 2.950 hộ dân ở các khu vực Thượng Thành, Eo Bầu, Hộ Thành Hào và tuyến phòng lộ. Giai đoạn 2 (từ 2022 - 2025) sẽ di dời 1.263 hộ dân ở các di tích hồ Tịnh Tâm, hồ Học Hải, khu Lục Bộ, Đàn Xã Tắc, Khâm Thiên Giám, Trấn Bình Đài, hệ thống hồ 4 phường nội thành TP.Huế.

Theo kế hoạch của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, riêng trong năm 2019, tỉnh hoàn thành di dời, giải phóng mặt bằng, tái định cư 523 hộ dân thuộc khu vực Thượng Thành. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ hoàn thành việc giải phóng mặt bằng diện tích 9,98ha khu tái định cư, đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư để giao đất tái định cư cho các hộ xây dựng nhà ở…

Theo UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế, trong giai đoạn 1 của đề án, kinh phí chi trả cho dân là 1.880 tỷ đồng, chi phí xây dựng tái định cư và xây dựng thiết chế xã hội khoảng 1.000 tỷ đồng. Riêng 1.000 tỷ đồng tỉnh chịu trách nhiệm vay, nhưng tiền chi trả cho dân thì tỉnh không kham nổi. Trong khí đó, hiện Chính phủ mới bố trí từ nguồn ngân sách Trung ương 100/1.880 tỷ đồng trong 3 năm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem