Cuộc sống sau rào tôn ở khu chung cư nguy hiểm tại Hà Nội

Uyển Nhi - Phương Hồng - Hoàng Dũng Chủ nhật, ngày 28/05/2023 10:10 AM (GMT+7)
Hai tháng sau khi chính quyền quây rào tôn, cảnh báo nguy hiểm, 21 hộ dân vẫn bám trụ lại khu tập thể G6A Thành Công, quận Ba Đình, để chờ đợi "chính sách di dời, lộ trình cải tạo chung cư rõ ràng".
Bình luận 0

Cuộc sống phía sau rào tôn của người dân khu tập thể G6A Thành Công. Video: Phương Hồng - Anh Dũng. 

Ngày cuối tháng 5, Hà Nội nắng nóng 40 độ. Không khí oi nồng càng trở nên ngột ngạt hơn khi bước vào phía trong hàng rào tôn khu G6A Thành Công. 

Căn hộ nhà bà Chi, 67 tuổi, ở tầng 1 khu tập thể, hướng nhìn ra hồ Thành Công. Ngồi cạnh chiếc máy photo, bật hai quạt số to, bà vẫn ướt đẫm mồ hôi.

"Khu này hút gió hồ, trước đây dù nắng đến mấy bước chân vào nhà là mát dịu. Giờ bị bịt tôn, nó không khác gì cái lò bánh mỳ", bà Chi nhăn mặt nhìn ra hàng rào tôn đỏ trước mặt, cao đến tận nóc nhà. 

Gia đình bà Chi nằm trong số 21 hộ dân vẫn bám trụ lại khu tập thể này. Bà vẫn mở cửa hàng photo để kiếm sống qua ngày nhưng hầu như không có khách. 

img
img

Ví trí 2 khối nhà 1 và 2 được đánh giá là mức độ nguy hiểm cấp D

Hai tháng trước, sau nhiều lần tổ chức đối thoại, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Ba Đình dựng rào tôn và đặt biển cảnh báo nguy hiểm. Chính quyền để lối đi lại cho cư dân phía ngõ 16 đường Nguyên Hồng, các phía khác bịt kín.

"Chúng tôi bị tách biệt khỏi thế giới xung quanh, đi xe ra vào cũng phải rón rén sợ va phải tôn sắc. Bán buôn không được, mọi sinh hoạt bị đảo lộn, đi đến đâu cũng có người hỏi vì sao chưa chuyển đi, tôi nghe đến rát cả tai", bà Loan, 73 tuổi, phòng 206 tầng 2, chia sẻ. 

Ba thế hệ gia đình bà đã sinh sống ở khu nhà này gần 40 năm. Bà cho rằng khu nhà mình chưa xuống cấp đến mức nguy hiểm nên vẫn quyết ở lại, "phần nữa vì tiền đâu mà đi thuê nhà khác". 

Cuộc sống phía sau rào tôn của người dân khu tập thể G6A Thành Công - Ảnh 3.

Phòng khách căn hộ của gia đình chị Nguyễn Như Hoa, 47 tuổi, khu G6A Thành Công.

Cùng suy nghĩ như bà Loan, chị Nguyễn Như Hoa, 47 tuổi, đã sống tại đây hơn 15 năm. Chị nói rằng:"Không cảm thấy căn nhà có dấu hiệu xuống cấp, nguy hiểm như được cảnh báo". Căn phòng gia đình chị ở tầng 5, diện tích rộng khoảng 88m2 bao gồm cả phần cơi nới. 

Đối với mọi người, việc đã sinh sống cả một quãng thời gian dài tại một ngôi nhà thì khi chuyển đi sẽ có rất nhiều những vấn đề liên quan khác bị ảnh hưởng như môi trường học hành, làm việc hay các tiện ích không còn thuận lợi như trước.

Chị Hoa bày tỏ việc rào tôn khiến mọi thứ trở nên mất tự nhiên hơn ở nơi mình đã sinh sống nhiều năm, có cảm giác giống như bị cô lập với xung quanh. Kể từ ngày hàng rào tôn được dựng lên, gia đình chị Hoa và 20 hộ gia đình khác gặp nhiều bất tiện khi xung quanh toà nhà đều bị quây kín chỉ chừa lại 2 lối đi nhỏ. 

img
img

Khu tập thể G6A Thành Công được xây dựng từ cách đây gần 40 năm. 

"Rào chắn như thế này không may hỏa hoạn, xe cứu hỏa không vào được chúng tôi biết chạy đi đâu", chị Hoa nói.

Theo chị Hoa người dân tại nơi đây hoàn toàn đồng tình và ủng hộ chính sách di dời nhằm đảm bảo an toàn nhưng cần có một mốc thời gian hay kế hoạch cụ thể cho việc đầu tư để người dân được đảm bảo quyền lợi một cách công khai minh bạch. Nếu có chính sách như vậy thì người dân mong muốn sẽ được tái định cư tại nơi này.

img
img

Nhiều hạng mục của công trình đã xuống cấp nhưng nhiều người dân vẫn cho rằng khu nhà "chưa đến mức nguy hiểm". 

Tại buổi đối thoại với người dân khu G6A Thành Công hồi cuối tháng 1/2023, Chủ tịch quận Tạ Nam Chiến giải thích, việc kiểm định đánh giá nhà qua nhiều cơ quan chức năng của nhà nước và vượt quá thẩm quyền nên quận không thể đánh giá đúng hay sai.

Chính quyền có trách nhiệm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và theo quy định của luật, chung cư cấp độ nguy hiểm D buộc phải di dời để phá dỡ xây dựng lại.

Quận sẽ tổ chức hội nghị nhà chung cư để người dân lựa chọn ra một nhà đầu tư. Sau khi được thành phố chấp thuận, nhà đầu tư lập đề xuất chủ trương đầu tư trình thành phố phê duyệt. Trên cơ sở đó, chủ đầu tư tiến hành lập dự án, đầu tư xây dựng công trình, bàn giao căn hộ cho người dân tái định cư về nơi ở mới.

Cuối tháng 1/2023, quận Ba Đình đã hoàn thành di dời toàn bộ 106 hộ dân tại 3 chung cư nguy hiểm cấp D gồm: khu tập thể C8 Giảng Võ, tập thể Bộ Tư Pháp và tập thể Ngọc Khánh.

Được biết, theo Nghị định 69, sau khi lập và phê duyệt quy hoạch rồi UBND mới ban hành tiêu chí chọn nhà đầu tư. Nhà đầu tư sẽ được người dân trong toà nhà bình chọn trong hội nghị nhà chung cư do Quận tổ chức. 

Sau khi được thành phố chấp thuận, nhà đầu tư lập đề xuất chủ trương đầu tư trình thành phố phê duyệt. Trên cơ sở đó, chủ đầu tư tiến hành lập dự án, đầu tư xây dựng công trình, bàn giao căn hộ cho người dân tái định cư về nơi ở mới.

Theo kế hoạch xây dựng cải tạo nhà chung cư cũ đợt một năm 2021 của thành phố, G6A là một trong 6 chung cư nguy hiểm cấp độ D phải phá dỡ xây dựng lại. Thành phố giao quận Ba Đình hoàn thành việc di dời người dân ra khỏi chung cư cấp D trong quý I/2022, nhưng đến nay quận chưa hoàn thành.

Thống kê đến năm 2020, TP Hà Nội có hơn 1.500 nhà chung cư cũ.Trong đó, 42 chung cư mức 1: không có hư hỏng hoặc có nhưng vẫn sử dụng bình thường, 1.449 chung cư mức 2: chưa đáp ứng được yêu cầu sử dụng, cần khảo sát đánh giá chi tiết, 88 chung cư mức 3: tình trạng nguy hiểm, ưu tiên khảo sát đánh giá chi tiết.

Ngoài ra, 10 khu chung cư cũ sẽ cải tạo giai đoạn 2021 – 2025: 4 khu có nhà cấp D (nguy hiểm phải di dời khẩn cấp), 6 khu có tính khả thi cao.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem