Cước tàu biển vượt đỉnh, doanh nghiệp “méo mặt”

Quốc Hải - Phương Uyên Thứ hai, ngày 28/03/2022 18:59 PM (GMT+7)
Theo chia sẻ của nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu tại TP.HCM, hiện giá cước vận tải biển ở nhiều tuyến tăng vọt, cao hơn cả mức đỉnh của năm ngoái…
Bình luận 0
Cước tàu biển vẫn tăng, doanh nghiệp “méo mặt” - Ảnh 1.

Cước vận tải tăng chóng mặt, nhưng khó khăn với DN lúc này là book tàu. Ảnh: baodautu.vn

Cụ thể: Giá cước đi Thái Lan (cảng Bangkok) 1.600 - 2.500 USD/cont tùy hãng; đi Philippines (Davao, Cebu, General Santos) dao động 4.000 - 5.300 USD/cont; đi các cảng bờ Tây nước Mỹ dao động từ 12.000 - 14.000 USD/cont (tùy hãng); đi bờ Đông nước Mỹ như (Baltimore, Miami, New Orleans, Houston...) dao động ở mức cao từ 19.000 - 22.000 (tùy hãng)...

Tuy nhiên, những chuyến này rất khó đặt chỗ do có ít hãng tàu nhận vận chuyển, có những tháng còn bị cắt bớt chuyến và có sự chênh lệch giá lớn, thậm chí cả ngàn USD giữa các hãng tàu.

Cước vận tải biển vượt "đỉnh"

Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết: Hiện giá cước vận tải biển còn cao hơn mức đỉnh này của năm ngoái. Tuy nhiên, khó hơn nữa là việc đặt container rỗng đang rất căng, và mức độ khó cũng tùy từng tuyến, từng hãng.

Nhiều container hàng dù đã sản xuất xong gần 2 tháng mới xuất được nên khi đặt được chỗ thì mừng hơn ký được đơn hàng mới.

"Book được chỗ nhưng chưa chắc đã có container, có container rồi chưa chắc hạ được container, container hạ rồi chưa chắc đã tàu chạy… đây là chuỗi lo lắng, thấp thỏm của các chủ hàng", đại diện VASEP cho biết.

Báo cáo của Công ty CP Vận tải và Xếp dỡ Hải An cho thấy tác động của đại dịch từ năm ngoái đến nay đã ảnh hưởng đến kinh tế, thương mại toàn cầu. Sự ùn tắc tại các cảng biển lớn ở Mỹ, châu Âu và Trung Quốc do bị phong tỏa, thiếu nhân công... khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy.

Tình trạng ùn tắc làm cho thời gian quay vòng của tàu thêm 20-25%, gây nên khủng hoảng thiếu tàu và vỏ container, đẩy giá cước vận chuyển container tăng cao so với trước khi đại dịch bùng phát. Trong khi đó, nhu cầu hồi phục kinh tế sau đại dịch đẩy khối lượng vận chuyển container trên toàn cầu dự kiến tăng 6-8%/năm.

Do đó, nhiều tổ chức tư vấn hàng hải dự đoán thị trường vận chuyển container sẽ giữ mức giá hiện nay trong 2-3 năm tới.

Cước tàu biển vẫn tăng, doanh nghiệp “méo mặt” - Ảnh 2.

Các DN xuất khẩu thủy sản đang "chật vật" với chi phí, cước vận tải tăng. Ảnh: APT

Ông Phan Minh Thông, Tổng Giám đốc Công ty CP Phúc Sinh cho biết, cước tàu ở cảng biển đã tăng gấp 4-5 lần, khiến nhiều DN kiệt sức.

Theo chia sẻ của ông Thông, trung bình Phúc Sinh xuất khoảng 400 container/tháng. Tổng các loại phí phải trả trước đây khoảng 4 tỷ đồng/tháng, bây giờ đã lên tới hơn 15 tỷ đồng/tháng.

Trong khi giá cước vận tải biển đi các tuyến quốc tế vẫn đang cao ngất ngưởng, thì giá cước vận tải đường bộ và đường thủy ở Việt Nam cũng đang rục rịch tăng lên, do giá xăng dầu tăng mạnh trong thời gian qua.

Cước tàu biển vẫn tăng, doanh nghiệp “méo mặt” - Ảnh 3.

Các DN dệt may cũng gặp không ít khó khăn... Ảnh: Quốc Hải

Mới đây, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn đã thông báo điều chỉnh giá dịch vụ vận chuyển container đường bộ, đường thủy phục vụ qua lại giữa cảng Cát Lái - Hiệp Phước, cảng Đồng Nai và các ICD (cảng nội địa) liên kết (gồm ICD Phúc Long, ICD Transimex, ICD Tanamexco và ICD Sotrans).

Theo đó, kể từ 1/4/2022, đơn vị này sẽ tăng 10% đơn giá dịch vụ vận chuyển container nhập tàu tuyến từ cảng Tân cảng Cát Lái đến các cảng, ICD liên kết; tăng 30% đơn giá dịch vụ vận chuyển container xuất tàu tuyến từ các cảng, ICD liên kết đến cảng Tân cảng Cát Lái.

Tăng 10% giá dịch vụ vận chuyển đối với container xuất, nhập tàu tuyến vận chuyển qua lại giữa cảng Đồng Nai và cảng Tân cảng Cát Lái.

"Bồi" thêm phí cảng biển, doanh nghiệp chuyển hướng ra… Vũng Tàu

"Từ 1/4 tới, nếu có thêm các khoản phí sử dụng hạ tầng cảng biển phát sinh nữa thì DN không biết xoay xở thế nào", ông Phan Minh Thông, Tổng Giám đốc Công ty CP Phúc Sinh, lo lắng.

Dù số lượng container vận chuyển của Công ty TNHH Liên kết thương mại Toàn Cầu (thương hiệu cà phê nông sản Meet More) không lớn nhưng ông Nguyễn Ngọc Luận, giám đốc DN này cũng lo lắng không kém khi TP.HCM chính thức thu phí hạ tầng cảng biển từ 1/4 tới.

"Việc thu phí cảng biển vào thời điểm này là hết sức phi lý. Bởi lẽ hầu hết doanh nghiệp đang rất khó khăn và chi phí bị đẩy lên cao", ông Luận nói.

Trước tình hình này, nhiều DN đã quyết định vận chuyển container hàng tới cảng Cái Mép (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) thay vì cảng TP.HCM, hoặc DN cũng chủ động hơn trong đàm phán để bên mua "gánh" phí vận chuyển.

Tại Phúc Sinh, ngày 23/3 vừa qua, DN đã đóng 30 container cà phê các loại để xuất đi nhiều nước trên thế giới. Mặc dù giá cước container tăng cao nhưng DN đã chủ động thỏa thuận để bên mua trả phí vận chuyển.

Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Sinh học Tomcare (huyện Bình Chánh) Nguyễn Thanh Hiền cũng cho biết, đặt tàu thời điểm hiện tại rất khó.

"Đặt tàu cũng giống như đặt vé máy bay vậy, dù hãng tàu thông báo đầy chỗ nhưng đôi khi có ai bỏ thì mình đặt lại vẫn có thể có. Còn nếu không có thì có thể phải chờ qua tháng 4", ông Hiền nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem