Cuối năm 'nóng' cuộc đua tăng vốn điều lệ, bảng xếp hạng ngân hàng sẽ biến động ra sao?

Huyền Anh Thứ sáu, ngày 17/12/2021 07:19 AM (GMT+7)
Cuộc đua tăng vốn điều lệ của các ngân hàng trở nên “nóng” hơn trong tháng cuối cùng của năm 2021. Dự báo, bảng xếp hạng về vốn điều lệ năm 2022 sẽ tiếp tục có những biến động mạnh khi các “ông lớn” ngân hàng quốc doanh và tư nhân đều sẵn sàng cho kế hoạch chia cổ tức “khủng”.
Bình luận 0

"Ông lớn" ngân hàng chia cổ tức 'khủng' chưa từng có, tăng vốn điều lệ

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank; HOSE: VCB) vừa phát đi thông báo về chốt danh sách chi trả cổ tức năm 2019 và năm 2020.

Theo đó, ngày 23/12 tới đây nhà băng này sẽ đăng ký cuối cùng để chốt danh sách chi trả cổ tức.

Đáng chú ý, ngoài việc chi trả cổ tức bằng tiền mặt năm 2020, Vietcombank sẽ trả cổ tức bằng cổ phiếu năm 2019 với tỷ lệ lên tới  27,6% (cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu sẽ nhận được 276 cổ phiếu mới).

'Ông lớn' ngân hàng làm điều chưa từng có tiền lệ, ngân hàng tư nhân dần ‘lấn lướt’ - Ảnh 1.

"Ông lớn" ngân hàng chia cổ tức 'khủng' chưa từng có, tăng vốn điều lệ. (Ảnh: VCB)

Với phương án này, Vietcombank sẽ phát hành hơn 1,02 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019 sau khi chia cổ tức 12% bằng tiền. Sau phát hành, vốn điều lệ của ngân hàng này sẽ tăng thêm 10.236 tỷ đồng lên hơn 47.325 tỷ đồng.

Đây là lần đầu tiên nhà băng này được phép tiến hành chia cổ tức bằng cổ phiếu kể từ năm 2011. Phần lớn cổ tức các năm đều được chia bằng tiền mặt.

Một "ông lớn" ngân hàng quốc doanh khác là BIDV cũng thông báo, chi trả cổ tức năm 2020 bằng tiền mặt với tỷ lệ 2% (tức là 1 cổ phiếu được nhận 200 đồng). Đồng thời, BIDV chia cổ tức cổ phiếu tỷ lệ 25,77% (100 cổ phiếu được nhận 25 cổ phiếu mới).

Sau khi phát hành, vốn điều lệ của BIDV sẽ tăng thêm 10.365 tỷ lên hơn 50.585 tỷ đồng, vượt qua vốn điều lệ của VietinBank và Vietcombank.

Đối với khối ngân hàng thương mại cổ phần, ABBank gần đây cũng phát đi thông báo, trong thời gian từ ngày 18/11-8/12/2021, ngân hàng này nhận tiền mua cổ phiếu từ đợt phát hành hơn 114,26 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu để tăng vốn.

ABBank cũng đã hoàn tất hồ sơ nộp Ủy ban Chứng khoán để thực hiện phát hành hơn 11,426 triệu cổ phần cho nhân viên theo chương trình ESOP.

Chưa hết, ngay sau khi hoàn thành đợt chào bán cho cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu ESOP, ABBank tiếp tục triển khai chia cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 35% từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ với số tiền được sử dụng tổng cộng gần 2.440 tỷ đồng.

Sau khi kết thúc đợt chia cổ phiếu thưởng, tổng vốn điều lệ của ABBank sẽ đạt gần 10.000 tỷ đồng.

Tương tự, theo dự kiến ban đầu, Viet Capital Bank sẽ tăng vốn thêm 1.052 tỷ đồng, nhưng hiện tại, HĐQT ngân hàng xin ý kiến cổ đông điều chỉnh phương án tăng vốn thêm 1.618 tỷ đồng. Nếu cả ba phương án trên thành công, vốn điều lệ của Viet Capital Bank sẽ tăng lên mức 4.789 tỷ đồng.

'Ông lớn' ngân hàng làm điều chưa từng có tiền lệ, ngân hàng tư nhân dần ‘lấn lướt’ - Ảnh 3.

Ngân hàng dồn dập tăng vốn điều lệ. (Ảnh: BVB)

Ngân hàng tư nhân sẽ "soán ngôi" về vốn điều lệ

Có thể thấy, 2021 là năm "chạy đua" tăng vốn nhằm đáp ứng các tiêu chí an toàn vốn theo tiêu chuẩn quốc tế, trong đó những ngân hàng tăng vốn mạnh từ đầu năm 2021 đến nay phải kể đến là VPBank (tăng 80%), VIB (44,2%), SCB (32,8%), Sacombank (32%), OCB (31,8%), ACB và HDBank (25%)...

Do đó, thứ hạng của các ngân hàng trong bảng xếp hạng về vốn điều lệ đã có những xáo trộn mạnh và dự kiến sẽ tiếp tục biến động đáng kể vào năm tới khi các ngân hàng đã đưa ra kế hoạch tăng vốn trong năm 2022.

Đáng chú ý, dẫn đầu về vốn điều lệ sẽ không còn là một "ông lớn" ngân hàng quốc doanh, thay thế vào đó là một ngân hàng cổ phần.

Cụ thể, VPBank có kế hoạch tăng vốn lên tối thiểu 75.000 tỷ đồng và đưa VPBank trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống.

Trong khi đó, theo kế hoạch được ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 thông qua, Vietcombank muốn tăng vốn điều lệ lên hơn 50.400 tỷ đồng thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành riêng lẻ.

Hay như tại VietinBank, nhà băng này tham vọng tăng vốn lên 54.134 tỷ đồng. Hiện VietinBank đang dẫn đầu hệ thống về quy mô vốn điều lệ.

'Ông lớn' ngân hàng làm điều chưa từng có tiền lệ, ngân hàng tư nhân dần ‘lấn lướt’ - Ảnh 4.

Ngân hàng tư nhân dần "lấn lướt" ngân hàng quốc doanh. (Ảnh: VPB)

Giới chuyên môn đánh giá, cuộc đua tăng vốn điều lệ của các ngân hàng sẽ chưa dừng lại, thậm chí có thể diễn ra mạnh mẽ hơn trong năm 2022. Vừa qua, một loạt ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng. Tốc độ tăng trưởng tín dụng gia tăng thì tốc độ tăng trưởng vốn chủ sở hữu cũng phải tương ứng để giúp các ngân hàng có bộ đệm vốn lớn hơn vừa duy trì đà tăng trưởng hiện tại vừa đáp ứng biên độ an toàn vốn lớn hơn trong giai đoạn tới. Vì các ngân hàng đang đối mặt thách thức về khoản nợ xấu tiềm tàng vì làn sóng dịch bệnh đang diễn ra. Chưa kể, nhiều ngân hàng muốn nâng hạng cạnh tranh lọt vào top đầu ngân hàng trong nước thậm chí là khu vực.

Không chỉ là vốn điều lệ, thị phần của nhóm ngân hàng tư nhân dần lấn lướt ngân hàng quốc doanh

Trong báo cáo mới đây của VCBS, 5 năm qua, thị phần tín dụng của các ngân hàng tư nhân liên tục cải thiện từ mức 42% năm 2015 lên chiếm 46% vào quý 3/2021. Bên cạnh đó, nhờ có mô hình hoạt động hiệu quả, tỷ trọng đóng góp lợi nhuận của nhóm ngân hàng tư nhân cũng tăng từ mức 39% lên 64% trong cùng khoảng thời gian.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem