Phóng viên Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với chàng trai trẻ người Mỹ về những trải nghiệm của anh khi sinh sống tại Việt Nam, cũng như tìm hiểu thêm về niềm đam mê đặc biệt với trà cổ thụ của người thanh niên này.

Chào anh Steve, mở đầu câu chuyện, anh hãy kể cho độc giả về cơ duyên nào đã mang anh đến với Việt Nam? Anh đã ở đây bao lâu rồi? Điều gì khiến anh quyết định lựa chọn sinh sống tại đây?

Từ khi còn ở Mỹ, tôi đã rất quan tâm ẩm đến thực truyền thống của các nước châu Á. Ngày xưa, tôi từng làm đầu bếp món Trung Quốc, món Thái và nhiều món châu Á khác. Đến năm 2014, tôi đã có 1 chuyến du lịch xuyên Việt. Trong chuyến đi, tôi cảm thấy rất ấn tượng với ẩm thực và văn hóa truyền thống của Việt Nam. Chính vì thế nên sau chuyến đi này, tôi đã quyết định chuyển đến sống và làm việc ở đây. Và tôi đã ở Việt Nam hơn 4 năm rồi.

img
img
img
img
img

Anh Steve từng đi du lịch rất nhiều nơi, nhưng một trong những nơi để lại cho anh nhiều cảm xúc nhất chính là Việt Nam. Ảnh: NVCC

Sau khi rời Mỹ, anh đã sang Việt Nam để theo đuổi niềm đam mê với trà cổ thụ và thành lập 'đứa con tinh thần' mang tên Viet Sun Tea. Anh có thể chia sẻ thêm về câu chuyện này được không?

Trước khi sang Việt Nam, tôi đã uống trà tầm 8 năm rồi nhưng lúc đó tôi chỉ uống trà Trung Quốc và Đài Loan. Nói thật, hơn 1 năm đầu tôi ở Việt Nam, tôi chưa biết Việt Nam có vùng trà cổ thụ, tôi chỉ biết đến trà Thái Nguyên do hồi đó tôi rất hay uống trà đá vỉa hè (tôi vẫn thích uống trà đặc vào buổi sáng).

Sau 2 năm, tôi làm quen với 1 anh có quán trà tại Hà Nội chuyên về trà cổ thụ. Anh ấy giới thiệu cho tôi nhiều loại trà của vùng Tà Xùa, Yên Bái, Hà Giang cùng nhiều vùng khác. Tôi thấy trà Việt Nam rất ngon và muốn tìm hiểu sâu hơn về những vùng trà cũng như văn hóa trà của người dân địa phương. Tôi thấy trà cổ thụ Việt Nam rất đặc biệt nhưng vẫn chưa được biết nhiều đến trên thế giới.

Đó chính là ý định khi tôi thành lập Viet Sun Tea.

Anh có thể phân tích một chút về sự khác biệt của các loại trà được không? Trà của anh có điểm gì đặc biệt khi so sánh với các loại trà khác trên thị trường?  

Trà cổ thụ Việt Nam phổ biến nhất nằm ở vùng Tây Bắc, chúng liên quan mật thiết đến giống cây trà Assamica lá to ở Vân Nam Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan. Các vùng đó cũng có những nhóm dân tộc khá là tương đồng (người Thái, H'Mong, Dao,...). Chính vì vậy nên quy trình chế biến trà ở các vùng này không có nhiều khác biệt.

Điểm đặc biệt của trà cổ thụ hoang dã là các cây này đều nhân giống tự nhiên hoặc được trồng từ hạt. Chính vì tự nhiên như vậy nên mỗi cây đều phát triển khác nhau. Bên cạnh đó, những yếu tố môi trường như thời tiết, độ cao, chất đất,…, tất cả đều ảnh hưởng đến cây trà.

Mỗi loại trà đều có hương vị rất đặc trưng. Ví dụ nhiều loại trà vàng của Yên Bái có vị đắng, chát, mạnh hơn trà vàng của Hà Giang, là do môi trường 2 vùng khác nhau.

Việt Nam có nhiều giống cây sống ở vùng độ cao hơn 1800m, với lá màu tím, đỏ, vàng, cam, xanh… Trà được sản xuất từ những loại cây này đều có hương vị rất đặc biệt, mang đến cảm giác thích thú cho người thưởng trà.

img
img
img
img

Đối với anh Steve, mỗi loại trà sẽ mang lại một cảm xúc khác nhau khi thưởng thức. Ảnh: NVCC

Anh hãy kể một kỷ niệm vui trong quá trình Viet Sun Tea vận hành?

Có một lần tôi lên khảo sát vùng trà trên Yên Bái. Khi tôi đến, có vẻ mọi người dân ở đây đều ái ngại và không muốn nói chuyện với tôi vì thấy tôi là người nước ngoài. Dường như bởi khi đó là lúc dịch Covid-19 mới bắt đầu vào Việt Nam nên mọi người cũng cảm thấy hơi lo lắng. Tuy nhiên, có một người dân địa phương rất thân thiện đã mời tôi ăn cơm trưa và chia sẻ về cuộc sống của người dân nơi đây. Tôi đã được ăn thử nhiều món đặc sản và học văn hóa của bà con trên đó (người H'Mông), rất vui và thú vị.

Chúng tôi đã thực hiện các chuyến đi đến các tỉnh Sơn La, Hà Giang, Yên Bái và làm việc với những người dân đang sinh sống cũng như tìm hiểu cách trồng trà. Tôi thực sự thích thú với việc tìm hiểu về văn hóa của đồng bào dân tộc địa phương. Chúng tôi hy vọng sẽ đến nhiều vùng sản xuất trà hơn nữa trong những năm tới và mong muốn được làm việc nhiều hơn với họ.

Vậy khách hàng có thích trà Việt không? Thông thường thì những vị khách nước ngoài hay trong nước sẽ thích trà hơn? Họ nói gì về những loại trà cổ thụ của anh?

Rất nhiều người nước ngoài thích các loại trà mà chúng tôi cung cấp. Những loại trà được sản xuất từ nguyên liệu chất lượng cao đã mang lại sự thích thú cho khách hàng. Bên cạnh đó, họ cũng rất quan tâm đến đặc trưng của từng vùng trà.

Tuy nhiên, hầu hết người Việt Nam chỉ uống trà xanh Thái Nguyên nên nhiều loại trà chúng tôi cung cấp vẫn chưa phù hợp với sở thích của họ. Chỉ có một số ít người ở đây quan tâm đến trà cổ thụ hoang dã thì mới uống các loại trà của chúng tôi.

Cựu đầu bếp người Mỹ và tình yêu đối với trà cổ thụ Việt Nam - Ảnh 4.

Từ lâu trà được biết như một nét văn hóa truyền thống của người dân Việt Nam. Vậy theo anh, ý nghĩa của việc thưởng trà là gì?

Đối với tôi, uống trà là để có thể giao lưu nhiều hơn với bạn bè và những người có cùng đam mê trà. Có rất nhiều người yêu thích thú vui thưởng trà ở Việt Nam, thật vui khi gặp họ và cùng trò chuyện với nhau.

Đâu sẽ là những khó khăn và thách thức lớn nhất khi trồng và kinh doanh trà? Anh có bao giờ cảm thấy nản lòng không và anh đã vượt qua bằng cách nào?

Điều khó nhất với chúng tôi là đưa trà chất lượng cao của Việt Nam ra các nước. Nhiều người nước ngoài dường như chưa biết nhiều về trà Việt Nam. Xây dựng niềm tin và cung cấp thông tin minh bạch, chính xác là điều chúng tôi luôn chú trọng ngay từ khi bắt đầu.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào trồng trà cũng là một trong những mục tiêu mà chúng tôi hướng tới. Đối với trà cổ thụ, phương pháp truyền thống thường mang lại chất lượng trà cao nhất. Tuy nhiên, hiện nay đã có một số kỹ thuật tiên tiến (ví dụ như sử dụng máy sao trà) có thể cho ra khối lượng thành phẩm nhiều hơn mà vẫn giữ được chất lượng tuyệt hảo.

Tết Nguyên đán là dịp để mọi người trở về với gia đình, quây quần với nhau, hàn huyên câu chuyện trong mỗi gia đình, và tất nhiên không thể thiếu một ấm trà ngon. Vậy anh có cảm nhận ra sao về văn hóa thưởng trà ngày tết của người Việt? Anh có muốn giới thiệu sản phẩm trà nào phù hợp với nét đẹp văn hóa cổ truyền của dân tộc Việt không?  

Tôi rất thích văn hóa trà ngày Tết. Vào những ngày này, người Việt thường uống trà xanh Thái Nguyên, ăn bánh đậu xanh cùng một số món ăn nhẹ khác. Còn gì bằng khi thưởng thức một tách trà ấm nóng rồi cùng nhau hàn huyên đôi ba câu chuyện xảy ra trong năm vừa qua với người thân, bạn bè trong tiết trời hơi se lạnh của năm mới.

Tôi không nghĩ rằng các sản phẩm của chúng tôi phù hợp với sở thích khẩu vị của hầu hết mọi người. Mặc dù vậy, tôi vẫn thường giới thiệu các loại trà khác nhau cho mọi người trong gia đình vợ tôi vào dịp Tết. 

Theo ý kiến của tôi, hồng trà và bạch trà rất phù hợp với không khí và thời tiết se lạnh của những ngày Tết vì nó mang lại cảm giác ấm áp cho người uống.

Kế hoạch sắp tới của anh là gì? 

Chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục khám phá thêm các vùng trà và làm việc với nhiều nhà sản xuất để cung cấp những loại trà chất lượng cao nhất cũng như hỗ trợ người dân vùng trà, bảo vệ môi trường các vùng trà để chúng phát triển một cách bền vững. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục giới thiệu trà chất lượng cao của Việt Nam ra thế giới và hy vọng điều này sẽ mang lại lợi ích cho ngành công nghiệp trà Việt Nam nói chung.

Cảm ơn anh đã tham gia cuộc trò chuyện!

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem