Cựu đô đốc Nguyễn Văn Hiến cho thuê 3 khu “đất vàng” với giá bao nhiêu?
Theo truyền thông trong nước, trong phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án về sai phạm đất đai liên quan đến 3 khu đất trên đường Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, Quận 1, Tp. HCM, các bị cáo Bùi Như Thiềm, Đoàn Mạnh Thảo (cựu trưởng Phòng tài chính, Quân chủng Hải Quân), Bùi Văn Nga (cựu Giám đốc Công ty Hải Thành) đều khẳng định, bản chất hợp đồng liên doanh với các công ty tư nhân là nhằm hợp thức cho thuê ba khu đất có nguồn gốc quân sự.
Theo tìm hiểu của VietTimes, các khu đất tại số 1-1A-2, 7-9, và 9-11 đường Tôn Đức Thắng, quận 1, TP HCM đều được công ty Hải Thành góp vốn liên doanh với đối tác tư nhân theo tỷ lệ 1:9. Đổi lại, doanh nghiệp của Quân chủng Hải Quân sẽ được nhận một khoản thu nhập hàng năm.
Số 1-1A-2 Tôn Đức Thắng
Khu đất 1-1A-2 Tôn Đức Thắng có diện tích 1.215 m2 được UBND Tp. HCM cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) quốc phòng cho QCHQ theo Quyết định số 161/QĐ-UB ngày 13/1/2003.
Ngày 14/2/2006, Vũ Văn Khánh (Giám đốc Hải Thành) và Phạm Duy Tân (Giám đốc Công ty TNHH Cảnh Hưng) ký biến bản hợp tác kinh doanh xây dựng khu cao ốc văn phòng tại khu đất này. Trong đó, Hải Thành góp vốn bằng giá trị QSDĐ, Cảnh Hưng góp vốn bằng tiền mặt để thực hiện dự án.
Ngày 15/7/2006, ông Nguyễn Văn Hiến ký Quyết định số 4050/QĐ-BTL-TC giao cho Hải Thành sử dụng khu đất 1-1A-2 Tôn Đức Thắng vào mục đích hợp tác liên doanh làm kinh tế với Cảnh Hưng.
Tới ngày 30/8/2006, Bùi Văn Nga và Phạm Duy Tân ký hợp đồng liên doanh thành lập Công ty TNHH Liên doanh Cảnh Hưng Hải Thành (Cảnh Hưng Hải Thành), với vốn điều lệ 15 triệu USD. Trong đó, Hải Thành góp vốn bằng quyền sử dụng đất trị giá 1,5 triệu USD, tương ứng 10% vốn điều lệ; Cảnh Hưng góp 13,5 triệu USD tương ứng 90% vốn điều lệ.
Công ty Hải Thành sẽ được Cảnh Hưng trả cho một khoản thu nhập ổn định không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của công ty liên doanh. Lịch trình và số liệu thanh toán theo từng năm, bắt đầu từ năm thứ 3 cho đến hết 49 năm (2 năm đầu xây dựng).
Cụ thể, từ năm thứ 3 đến năm thứ 5, Cảnh Hưng trả 55.000 USD/năm (trừ khoản tạm ứng); từ năm thứ 6 đến năm thứ 10, trả 100.000 USD/năm (trừ khoản tạm ứng); từ năm thứ 11 đến năm thứ 20 trả 140.000 USD/năm; từ năm thứ 21 đến năm thứ 30, trả 190.000 USD/năm; từ năm thứ 31 đến năm thứ 40, trả 360.000 USD/năm, từ năm thứ 41 đến năm thứ 44, trả 400.000 USD/năm; từ năm thứ 45 đến năm thứ 48 trả 475.000 USD/năm; năm thứ 49 trả 478.000 USD. Việc thanh toán bằng VND sẽ được tính theo tỷ giá của Vietcombank vào thời điểm thanh toán.
Được biết, Cảnh Hưng Hải Thành đã xây dựng tòa nhà 27 tầng nổi, 5 tầng hầm, và hoàn thiện 9 tầng đao cho thuê làm văn phòng, các tầng còn lại đang hoàn thiện nội thất chức năng căn hộ cho thuê tại khu đất số 1-1A-2 Tôn Đức Thắng (thường được biết tới với tên gọi Tòa nhà The Waterfront Saigon, hay VPBank Tower Saigon). Công ty Cảnh Hưng đã bán cổ phần cho một số đối tác là Công ty TNHH Waterfront Sài Gòn và ông Nguyễn Công Thành.
Cũng trên đường Tôn Đức Thắng, từ tháng 10/2001, Hải Thành được giao tiếp nhận, quản lý khuôn viên khu nhà số 11-13 (số 9-11) có tổng diện tích 2.087 m2 để làm Nhà khách Hải quân phía Nam. Tới ngày 13/1/2003, UBND Tp. HCM có quyết định số 161/QĐ-UB cấp Giấy chứng nhận QSDĐ quốc phòng số 9-11 cho Hải Thành, diện tích 1.917 m2.
Số 9-11 Tôn Đức Thắng
Ngày 14/6/2006, ông Nguyễn Văn Hiến ký Chỉ thị số 3761/CT-TL về việc tổ chức thương thảo hợp đồng kinh tế một số khu đất của QCHQ quy hoạch làm kinh tế tại Tp. HCM, giao cho Hải Thành chủ trì, phối hợp tổ chức thương thảo với đối tác.
Bùi Văn Nga và Đoàn Văn Huấn (Phó Giám đốc Hải Thành) đã đàm phán với bà Trần Thị Lâm - Giám đốc Công ty TNHH Mai Anh - về việc thực hiện dự án. Tới ngày 3/10/2006, Bùi Văn Nga và Trần Thị Lâm đã ký Biên bản ghi nhớ số 01/BB về việc hợp tác xây dựng cao ốc đa chức năng tại khu đất số 9-11 Tôn Đức Thắng, thời hạn 49 năm.
Ngày 20/3/2007, Bùi Văn Nga và Trần Thị Lâm ký Hợp đồng liên doanh số 02/HĐ/HT-MA/2007 thành lập Công ty TNHH Mai Thành (Mai Thành) thục hiện dự án như nội dung biên bản ghi nhớ.
Trong đó, vốn điều lệ của Mai Thành là 15 triệu USD. Công ty Hải Thành góp 1,5 triệu USD bằng giá trị QSDĐ khu đất số 9-11 Tôn Đức Thắng đã được chuyển mục đích sử dụng, tương ứng 10% vốn điều lệ và Mai Anh góp 13,5 triệu USD bằng tiền mặt, tương ứng 90% vốn điều lệ.
Hải Thành sẽ được hưởng một khoản thu nhập ổn định không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của công ty liên doanh với số tiền 9.586 USD/tháng (tương đương 115.032 USD/năm).
Được biết, ngày 18/7/2008, UBND Tp. HCM có quyết định số 3079/QĐ-UBND duyệt giá trị quyền sử dụng khu đất này là hơn 248,08 tỷ đồng. Đến ngày 15/2/2019, Mai Thành đã thanh toán cho Hải Thành cả đời dự án (49 năm) theo hợp đồng liên doanh với số tiền là 127,6 tỷ đồng.
Công ty Mai Thành đã xây dựng xong tòa nhà 34 tầng (từ năm 2013) hiện đang cho thuê làm văn phòng trên khu đất 9-11 Tôn Đức Thắng (Tòa nhà Lim Tower).
Công ty Mai Anh đã chuyển nhượng một phần vốn điều lệ tại Mai Thành cho Công ty TCO Việt Nam. Sau nhiều lần thay đổi đăng ký kinh doanh, cơ cấu cổ đông của Mai Thành bao gồm: Hải Thành (22,63%), Mai Anh (26,37%) và TCO Việt Nam (50%). Mọi hoạt động của Mai Thành đều do Mai Anh và TCO Việt Nam điều hành, quản lý.
Số 7-9 Tôn Đức Thắng
Khu đất số 7-9 đường Tôn Đức Thắng (Tp. HCM) có diện tích 4.044 m2, sau điều chỉnh còn 3.531 m2 đã được UBND Tp. HCM cấp giấy chứng nhận QSDĐ.
Ngày 8/3/2006, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Yên Khánh (Yên Khánh) đã gửi Bộ Tư lệnh QCHQ tờ trình giới thiệu về năng lực và xin hợp tác kinh doanh. Ngày 28/8/2006, Bùi Như Thiềm và Đoàn Mạnh Thảo đã tham mưu cho Nguyễn Văn Hiến ký Ủy quyền giao cho Bùi Văn Nga ký hợp đồng liên doanh làm kinh tế với Yên Khánh tại khu đất này.
Tới ngày 4/9/2006, Bùi Văn Nga và Vũ Thị Hoan đã ký hợp đồng liên doanh số 7, thành lập Công ty liên doanh TNHH Yên Khánh Hải Thành (Yên Khánh Hải Thành) để thực hiện dự án xây dựng và vận hành một cao ốc đa chức năng tại khu đất 7-9 Tôn Đức Thắng, thời hạn 49 năm.
Vốn điều lệ của Yên Khánh Hải Thành là 320 tỷ đồng. Trong đó, Hải Thành góp 32 tỷ đồng (chiếm 10% vốn điều lệ) bằng QSDĐ; Yên Khánh góp 288 tỷ đồng bằng tiền mặt.
Bên cạnh đó, Yên Khánh sẽ bảo đảm thanh toán cho Hải Thành bằng khoản thu nhập ổn định, không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của công ty liên doanh. Cụ thể, 5 năm đầu là 3 USD/m2/tháng; 5 năm tiếp theo là 4 USD/m2/tháng; từ năm thứ 11 đến năm thứ 15 là 4,5 USD/m2/tháng; từ năm thứ 16 đến hết 49 năm định kỳ 5 năm một lần điều chỉnh giá, nhưng tỷ lệ tăng không quá 10% so với kỳ trước đó.
Theo bản cáo trạng, bị can Nguyên Văn Hiến tin tưởng nội dung phản ánh về năng lực của Yên Khánh nên đã không chỉ đạo kiểm tra, thẩm định về năng lực của Yên Khánh.
Các bị can Bùi Như Thiềm, Đoàn Mạnh Thảo, Bùi Văn Nga cũng không đề xuất và tổ chức thực hiện kiểm tra năng lực của Yên Khánh nên không biết thông tin mà doanh nghiệp này đưa ra là gian dối.
Vì vậy, các bị can trên đã tiến hành các hoạt động đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng đất, ký kết các hợp đồng liên doanh liên kết với Yên Khánh khai thác khu đất không đúng quy định dẫn đến việc Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc”), Phạm Văn Diệt, Vũ Thị Hoan lợi dụng danh nghĩa Yên Khánh chiếm đoạt giá trị quyền sử dụng đất và thất thoát toàn bộ số tiền sử dụng đất và thất thoát toàn bộ tiền sử dụng đất hơn 503,89 tỷ đồng.