Cựu tuyển thủ bóng đá quốc gia, HLV Lê Quốc Vượng: "Vượt dông bão trả nợ bóng đá" - Ảnh 2.

Cựu tuyển thủ bóng đá quốc gia, HLV Lê Quốc Vượng: "Vượt giông bão trả nợ bóng đá" - Ảnh 3.

Trước hết, xin chúc mừng HLV Lê Quốc Vượng là sau những giông bão với trái bóng tròn, anh đã quay trở lại dn dắt đội bóng Hoà Bình và chính thức lên hạng Nhất chỉ sau một mùa bóng. Nói đến Hoà Bình là nói đến địa phương vốn chỉ phát triển cầu lông, xe đạp địa hình... chứ với bóng đá thì chưa bao giờ được nhắc đến. Việc đội bóng có suất ở giải hạng Nhất có ý nghĩa như thế nào đối với người dân, tỉnh Hoà Bình và cả người dân vùng Tây Bắc?

- Để có thành quả như ngày hôm nay, có lẽ lời cảm ơn đầu tiên tôi muốn dành cho ban lãnh đạo của Công ty Next Media -  họ là những người mời tôi về Hoà Bình để làm HLV. Tôi biết, thật ra họ cũng tìm một số người, rồi sau đó họ mới mời tôi về.

Lần đầu tiên tôi lên Hoà Bình, trải nghiệm HLV trưởng, thực sự cũng lo lắng lắm. Nếu như về làm HLV của những địa phương có bề dày như Nghệ An, Hà Nội, Hải Phòng... thì đội bóng lên đỉnh cao còn khó, với Hòa Bình sẽ gian nan gấp bội.

CLB Hòa Bình lần đầu được đá giải hạng Nhất, tôi cũng lần đầu được ngồi ghế HLV trưởng, nên cũng có nhiều điểm chung. Tây Bắc là một trong những vùng trũng nhất của bóng đá cả nước. Ở đây ít khi chúng ta được thấy những giải bóng đá cho đội hình 11 người, cũng rất hiếm sân thi đấu bóng đá có kích thước chuẩn. Những điều này đủ để thấy sự thiếu thốn, thiệt thòi của người dân Tây Bắc đối với sự phát triển của bóng đá. Chính vì thế, việc CLB Hòa Bình được lên đá giải hạng Nhất có một ý nghĩa cực kỳ quan trọng với người dân ở đây và cả vùng Tây Bắc.

Tôi làm HLV trưởng đội bóng này, dù không ai gây áp lực nhưng trước kỳ vọng của lãnh đạo, người dân, nên tôi cũng phải tự đặt mục tiêu cho chính mình và đội bóng. Đó là tất cả cùng phải tiến lên.

CLB sẽ cố gắng để không phụ niềm tin, niềm hy vọng của lãnh đạo địa phương và ngành thể thao, người hâm mộ. Suất đá giải hạng Nhất chính là món quà, lời tri ân của chúng tôi với người hâm mộ Hòa Bình và các tỉnh Tây Bắc.

Cựu tuyển thủ bóng đá quốc gia, HLV Lê Quốc Vượng: "Vượt giông bão trả nợ bóng đá" - Ảnh 4.

Như đã nói, với sự thiếu thốn cơ sở hạ tầng, lại là nơi cũng không có bề dày thành tích, nhưng vì sao CLB Hòa Bình đã thu được kết quả ấn tượng như vậy: chỉ sau 1 mùa giải đã lên hạng Nhất. Là HLV trưởng, anh giải thích gì về những nỗ lực của CLB?

- Cái khó khăn cố hữu về chuyên môn đã trở thành điểm yếu lớn của bóng đá Tây Bắc. Người ta nói "đãi cát tìm vàng", nhưng quả thực tài năng trẻ của Hòa Bình quả thực rất hiếm hoi. Không có nguồn cầu thủ trẻ, chúng tôi đã phải mượn cầu thủ từ Nghệ An, Hà Nội, Nam Định…

Cựu tuyển thủ bóng đá quốc gia, HLV Lê Quốc Vượng: "Vượt giông bão trả nợ bóng đá" - Ảnh 5.

Điều này biến đội bóng thành một "nồi lẩu", không mấy chất lượng theo đúng nghĩa đen. Nhưng điều may mắn là tất cả chúng tôi cùng chung mục tiêu và luôn đoàn kết.

Đầu mùa giải năm ngoái, ngồi chia sẻ với các cầu thủ, tôi bảo rằng đội bóng phải cố gắng lên đá giải hạng Nhất. Tôi cũng nói sẽ không có phần quà nào lớn lao cho thành tích đó cả, nhưng nếu đội bóng thăng hạng thì chính là các bạn được thăng hạng. Đá giải hạng Nhất, các bạn sẽ có cơ hội lên U23, từ đó mở ra cơ hội lên tuyển quốc gia. Được đá tuyển quốc gia là phần quà lớn nhất mà đời cầu thủ ai cũng ao ước và muốn được vậy, bước đầu tiên là cần cùng đội bóng thăng hạng.

Để đạt được thành tích như vậy, CLB Hòa Bình đã nỗ lực rất lớn, chúng tôi luyện tập cường độ cao, cao hơn nhiều so với mặt bằng chung của V-League, riêng tôi thực sự "ăn ngủ với bóng đá", thực tế tôi đã làm việc hơn 14 tiếng mỗi ngày trong suốt mùa giải. Lần đầu làm HLV trưởng, tôi đã không ngại ngần tìm đến bạn bè, những HLV khác để học hỏi. Nếu ai biết, chứng kiến sự cố gắng của chúng tôi sẽ không bất ngờ những điều chúng tôi đạt được.

Tôi đang nỗ lực xây dựng một "tinh thần Hòa Bình", một "lối chơi Hòa Bình", nét riêng và đặc sắc đó sẽ là nền tảng, điểm tựa cho CLB vươn cao. Tôi tin chúng tôi sẽ làm được.

Với sự dẫn dắt của anh, cộng với một "tinh thần Hòa Bình" như anh nói, có vẻ như sắp tới đồng bào các dân tộc tỉnh Hòa Bình và các tỉnh Tây Bắc sẽ được xem đội bóng mình chơi V-League?

- Chắc chắn đó là con đường chúng tôi phải đi và sẽ đi. Tuy nhiên, phải xét thực tế, thực lực từ tiềm lực kinh tế, bề dày kinh nghiệm, bản lĩnh của đội bóng. Nhiều đội bóng có tham vọng, có thực lực kinh tế như Đồng Nai, Vĩnh Phúc... cũng đầu tư rất nhiều tiền của, nhân lực nhưng cũng chưa lên được V-League. Cho nên chúng tôi cũng phải thực tế. Chúng tôi sẽ trở thành đội bóng có nền tảng chắc chắn chứ không phải cố lên hạng bằng cách bỏ tiền mua. Đây cũng là quan điểm của lãnh đạo tỉnh và nhà đầu tư cho CLB. Tôi muốn tinh thần Hòa Bình: là lối chơi bóng đá đẹp, không đá láo lúc nào cũng phải được phát huy. 

Mỗi năm chúng tôi sẽ tìm và lấy về được khoảng 5 cầu thủ chất lượng, lộ trình có thể mất khoảng 3 năm để CLB có bộ khung đội hình ổn, từ đó mới nghĩ được chuyện đi đá V-League.

Trong các cuộc gặp, làm việc với lãnh đạo tỉnh, ngành thể thao, nhà đầu tư cho CLB, tôi đã nêu quan điểm địa phương cần quan tâm, phát triển phong trào để phát hiện tài năng trẻ. Quan điểm của chúng tôi là bồi dưỡng, phát triển đội trẻ. Hòa Bình đang có các đội U15, U17, với những gương mặt rất triển vọng. Chúng tôi sẽ tiếp tục bồi dưỡng những lứa trẻ, bên cạnh đó cũng sẽ chiêu mộ những cầu thủ phù hợp để từ từ xây dựng đội hình.

Cựu tuyển thủ bóng đá quốc gia, HLV Lê Quốc Vượng: "Vượt giông bão trả nợ bóng đá" - Ảnh 6.

Cựu tuyển thủ bóng đá quốc gia, HLV Lê Quốc Vượng: "Vượt giông bão trả nợ bóng đá" - Ảnh 7.

Rất nhiều cầu thủ cùng trang lứa của anh đang rất thành công với vai trò là HLV, từ Đặng Thanh Phương, Phạm Văn Quyến, Phan Văn Tài Em... Lần đầu làm HLV trưởng, Vượng gặp những khó khăn gì?

- HLV là công việc hết sức thú vị. Ở đó, ngoài năng lực còn phải hội tụ rất nhiều yếu tố khác. Làm cầu thủ đã khó, làm HLV còn khó khăn hơn, vì HLV ngoài chuyên môn còn bắt buộc phải có kiến thức về dinh dưỡng, y tế, quản lý đội bóng, tâm lý cầu thủ... Yêu cầu rất nhiều thứ, để làm sao xây dựng được đội bóng có đường nét, có tập thể. Nghề HLV là nghề khó.

Tuy không nhiều tuổi nhưng tôi tự tin mình từng trải. Sự không may mắn, cú vấp ngã đã đẩy tôi đến chỗ từng đi làm lơ xe, bán rượu, làm công nhân... Những công việc này cho tôi sự va vấp, tiếp xúc nhiều kiểu người, học được nhiều điều quý giá, giúp ích rất nhiều trong việc dẫn dắt đội bóng hiện tại. Lúc này, tôi ngẫm ra là đôi lúc từ trong cái không may mắn mà mình lại gặp được điều may mắn.

Dù vậy, vết trầy quá khứ, quãng thời gian dài cách ly bóng đá chuyên nghiệp cũng khiến xã hội ít nhiều nghi ngờ năng lực tôi, nghi ngờ con người tôi hiện tại. Đó sẽ là trở ngại mà tôi sẽ phải nỗ lực vượt qua.

Từng là một tiền vệ nổi danh một thời, phụ trách việc bao quát trên sân, kinh nghiệm cầu thủ giúp anh như thế nào ở cương vị HLV?

- Tiền vệ là cầu thủ lên công về thủ, tôi chơi vị trí này nhiều năm và có được nhiều kinh nghiệm quý. Làm cầu thủ thì khác, còn làm HLV không chỉ huấn luyện kỹ năng chuyên môn cho các cầu thủ mà quan trọng hơn là tổ chức, quản lý con người. Với một đội bóng trẻ, thành viên quy tụ từ nhiều nơi thì công tác quản lý càng khó. Nhưng kinh nghiệm của tôi trong sự nghiệp cầu thủ đã khiến các bạn trẻ nhìn tôi với sự công nhận, từ đó tin tưởng, sẵn sàng chấp nhận sự sắp xếp của tôi.

Nhiều người nói rằng tôi đã truyền được bản lĩnh của mình cho học trò, tạo nên bản của đội trẻ Hòa Bình. Tôi cho điều đó cũng đúng.

Ở CLB Hòa Bình, tương lai thì tôi không dám nói, nhưng hiện tại  tôi thấy mình được các cầu thủ nể trọng, công nhận. Từ đó, tôi rất thuận lợi dẫn dắt, đưa CLB đi lên. Khi đạt thành tích tốt, cầu thủ tự nhiên sẽ có sự tự tin, tạo nên bản lĩnh.

Cựu tuyển thủ bóng đá quốc gia, HLV Lê Quốc Vượng: "Vượt giông bão trả nợ bóng đá" - Ảnh 8.

Nghe nói khi làm HLV, Lê Quốc Vượng thi thoảng vẫn alo "gọi bạn bằng thầy" để học hỏi kinh nghiệm huấn luyện?

- Tôi là người nhiều bạn. Bạn ngoài đời, bạn xã hội, bạn nghề nghiệp nhiều lắm. Điều này thực sự là rất may mắn với tôi. Với các anh cũng là những HLV như Nguyễn Thành Công, Đặng Phương Nam… đều rất quý tôi, giúp đỡ tôi nhiệt tình. Dù tôi học hỏi kinh nghiệm huấn luyện, quản lý đội bóng như thế nào, các anh đều chia sẻ. Những lúc tôi cần, các anh ấy có thể dành cả ngày để truyền đạt kinh nghiệm.

Những người như anh Công đã có hơn 20 năm làm HLV, có nhiều kinh nghiệm quý giá, nên tôi học hỏi được rất nhiều điều hay. May mắn là bạn bè, anh em đều mong tôi sẽ thành một HLV có tầm, vì vậy luôn giúp đỡ hết mình.

Cựu tuyển thủ bóng đá quốc gia, HLV Lê Quốc Vượng: "Vượt giông bão trả nợ bóng đá" - Ảnh 9.

Trở lại chuyện xưa một chút, về thời điểm anh còn là cầu thủ. Thời đỉnh cao của mình, ở bóng đá Đông Nam Á, có lẽ anh nhận số 2 thì không ai dám nhận số 1, anh đã đạt vị trí đó như thế nào?

- Trước hết tôi đánh giá mình là người có khiếu bóng đá, nhưng phần nhiều thành tích đạt được là do tập luyện.

Thể lực, thể hình, sự nhanh nhẹn của cầu thủ Việt ở lứa tôi - tức là cách đây 20 năm - không được như bây giờ, thua kém các cầu thủ trong khu vực và thế giới rất nhiều. Để trở thành cầu thủ Quốc Vượng có tiếng tăm, từ nhỏ tôi đã được bố rèn luyện rất khắt khe. Bố luyện cho tôi rất nhiều về sự nhanh nhẹn và kỹ thuật. Khi đã thành cầu thủ, tôi luôn là người đến sân tập sớm nhất và về muộn nhất, gần như tôi không có ngày nghỉ, hầu hết thời gian nếu không trên sân đấu tôi sẽ ở trên sân tập. Bóng đá ngoài năng khiếu thì phải chăm chỉ luyện tập, đổ mồ hôi trên sân bãi. Như Công Vinh, anh ấy không có được năng khiếu, sự thiên bẩm như những cầu thủ cùng thời, nhưng nghị lực, nỗ lực lại vượt lên tất cả.

Thời còn ngồi dự bị, Công Vinh chưa bao giờ bỏ tập, luôn đi sớm về muộn. Sự khổ luyện đã đưa lại thành công cho Công Vinh, trở thành tấm gương mà bây giờ hàng ngày tôi vẫn đưa ra nhắc nhở, động viên các bạn trẻ học tập.

Thời đỉnh cao của anh, bóng đá Việt Nam có không ít tài năng, ngôi sao, vậy tại sao đội tuyển không thể vươn lên tốp đầu khu vực?

- Bóng đá Thái Lan tiến lên chuyên nghiệp trước mình, họ thường xuyên được giao hữu với các đội châu Âu. Hồi đó cầu thủ trẻ Thái Lan được cọ xát nhiều, có bản lĩnh, trong khi các lứa trẻ của mình được dự rất ít giải, ít cọ xát vì thế non kinh nghiệm.

Lứa của chúng tôi có thể coi là xuất sắc so với lớp trước và lớp sau, nhưng nhìn thực tế vẫn không bằng được tuyển Thái Lan. Thời đó tuyển Thái Lan đã có vị thế, ảnh hưởng nhất định trong khu vực. Tuyển Việt Nam khi đó có một vài vị trí xuất sắc, nổi bật, nhưng tổng thể chúng ta vẫn dưới tuyển Thái Lan một bậc.

Cựu tuyển thủ bóng đá quốc gia, HLV Lê Quốc Vượng: "Vượt giông bão trả nợ bóng đá" - Ảnh 10.

Khi anh còn là một tượng đài của bóng đá Việt Nam, một tiền vệ trụ sáng tạo, đọc trận đấu tốt bậc nhất của bóng đá Việt Nam, đội tuyển Việt Nam có những trận thắng như chẻ tre. Nhưng mỗi lần gặp Thái Lan, chúng ta vẫn có tâm lý e ngại họ. Một thủ lĩnh tuyến giữa, có chất quái và độ lỳ như Vượng thì ở những trận đối đầu Thái Lan, tâm lý của anh như thế nào?

- Thời đó, nói thật là anh em chúng tôi có tâm lý phải quyết thắng bằng được Thái Lan. Tự gây áp lực như vậy, thành ra đầu nghĩ thì nặng chân, khó đá. Những trận đó, từ phòng thay đồ ra sân, anh em luôn bảo nhau "đá chết bỏ", thực tế chúng tôi không sợ mà tự gây áp lực phải thắng, thành ra tâm lý.

Cựu tuyển thủ bóng đá quốc gia, HLV Lê Quốc Vượng: "Vượt dông bão trả nợ bóng đá" - Ảnh 11.

Tâm lý chung là vậy. Tôi thì máu hơn và thấy rất hưng phấn, vì thế mà khán giả hay nghĩ tôi bản lĩnh hơn anh em. Tôi nhớ năm 2005, Việt Nam gặp Thái Lan ở Mỹ Đình, trận đó tư tưởng anh em thoải mái nên đã thắng 2-1 mà không quá khó khăn.

Thời đó có không ít lời đồn đoán là nội bộ Đội tuyển Việt Nam có chia bè chia phái, có việc cô lập người này người nọ. Có chuyện đó không vậy?

- Riêng điều này tôi khẳng định luôn là không có. Hồi đó chỉ có mấy anh em với nhau, sau mấy chục năm vẫn còn chơi với nhau. Không có chuyện bè phái hay cô lập người này, người nọ đâu, kể cả Phan Văn Tài Em - người đứng ra tố cáo vụ Bacolod năm nào. Tài Em hồi ấy không thích nhậu nhẹt, không hay tụ tập cà phê như tôi với anh Thắng (tiền đạo Nguyễn Việt Thắng- PV) nhưng không vì thế mà chúng tôi cô lập với Tài Em. Trên sân, Tài Em rất nhanh nhẹn, nhiều đường bóng chúng tôi đều hướng về anh ấy.

Đến bây giờ quan hệ của chúng tôi vẫn thế. Các đồng đội cũ vì gia đình, công việc nên người Nam người Bắc, nhưng có dịp chúng tôi vẫn cố sắp xếp để gặp nhau và luôn vui vẻ, thân ái.

Ở tuyển Việt Nam hiện tại anh có thấy ai mang dáng dấp mình ngày xưa không?

- Tôi vẫn dõi theo đội tuyển từng trận đấu. Và thấy đội tuyển của ta hiện đá rất hay, khoa học. Ở đó, tôi thấy cũng có dáng dấp của mình trong 1-2 cầu thủ. Tuấn Anh là một cầu thủ thông minh, đá linh hoạt, nhãn quan chiến thuật tốt. Nhìn cậu ấy đá, tôi luôn nghĩ đến mình ngày trước, luôn đọc ý đồ, bắt bài đối thủ. Đáng tiếc là Tuấn Anh bị chấn thương nhiều quá, ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả thi đấu.

Hùng Dũng là một cầu thủ toàn diện, là một tiền vệ cơ động. Tôi đánh giá Hùng Dũng toàn diện hơn tôi ngày xưa, cậu ấy phối hợp nhỏ tốt và có những đường chuyền rất khéo.

Chúng ta đã vô địch AFF Cup 2018, lọt vào vòng loại thứ 3 World Cup… Theo đánh giá của Quốc Vượng đội tuyển Việt Nam hiện tại so với thời anh còn đá như thế nào?

- Tuy tài năng thời nào cũng có, nhưng nếu so sánh sẽ rất khập khiễng, cầu thủ bây giờ có điều kiện hơn, vì vậy thể lực, thể hình đều tốt hơn. Cầu thủ được cọ xát nhiều thì kỹ năng, bản lĩnh cũng sẽ tốt hơn.

Ngày xưa chúng tôi đến với bóng đá là đam mê, điều kiện rất khó khăn. Các em bây giờ đến với bóng đá như một nghề, vừa có tầm, vừa có tiền, vì vậy rất được đầu tư. Bóng đá Việt Nam hiện tại cũng đang hội tụ những điều kiện tốt nhất để phát triển, cơ sở vật chất, điều kiện tập luyện, cơ hội cọ xát, huấn luyện chuyên nghiệp… vì vậy thành tích chắc chắn sẽ được nâng cao.

Cựu tuyển thủ bóng đá quốc gia, HLV Lê Quốc Vượng: "Vượt giông bão trả nợ bóng đá" - Ảnh 12.

Sau khi rời khỏi vòng lao lý, Vượng quay lại với bóng đá năm 2008 ở CLB Thể Công Viettel. Lúc đó, cả đội bóng này và người hâm mộ cả nước đã ngóng chờ anh trở lại với những phẩm chất của những năm tháng trước đây. Nhưng điều đó không thành sự thật. Điều gì đã cản trở anh quay trở lại với nghiệp quần đùi áo số?

- Hồi đó các bác lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, lãnh đạo Thể Công Viettel như bác Liêm, bác Hoàng Thanh Xuân, HLV Vương Tiến Dũng đều quan tâm, kỳ vọng tôi rất lớn. Đáng tiếc, do quá nôn nóng, nên khi vừa quay lại sân cỏ tôi đã vội tập nặng, vì thế đã dính chấn thương đứt dây chằng, mất thêm 2 năm chờ hồi phục. Chính chấn thương là cản trở lớn nhất chứ không phải tâm lý. Lúc đó, Thể Công tạo điều kiện cho tôi lắm. Cũng chỉ vì tôi nóng lòng trở lại, khát khao lắm, mình khát khao làm lại. Trong buổi tập ở Nhổn tôi bị thương và sau đó mổ ở bệnh viện 108. Mổ xong, khi tôi đá ở sân quân khu 4 ở V-League, tôi xin bác Vương Tiến Dũng cho vào khám và biết tin tôi bị đứt dây chằng.

Cựu tuyển thủ bóng đá quốc gia, HLV Lê Quốc Vượng: "Vượt giông bão trả nợ bóng đá" - Ảnh 13.

Rời Thể Công, Vượng đã trở về CLB Thanh Hóa. Tại đây, cuộc "hôn phối" của anh với đội bóng xứ Thanh không tốt đẹp như những gì anh mong muốn. Lúc đó, dư luận đồn đoán anh chia tay bóng đá đỉnh cao, chia tay CLB Thanh Hóa trong ấm ức?

 - Thực ra cách làm việc của CLB Thanh Hoá không chuẩn, như giờ tôi có thể kiện lên FIFA được bởi họ ký hợp đồng với tôi bằng giấy trắng mực đen, đang yên đang lành, lãnh đạo CLB Thanh Hoá gọi tôi xuống bảo tôi về tìm đội khác đi. Lúc ấy, tôi không biết tôi sai ở đâu, phải có biên bản, phải có họp đội công bố tôi có sai lầm này, sai lầm kia, nhưng Thanh Hoá không đưa ra lý do gì cả, cũng không cho tôi đi đội nào.

Sau khi rời Thanh Hoá tôi xin về CLB SLNA. Tôi tập luyện rất tốt nhưng lúc ấy SLNA khá nghèo nên không có tiền trả cho Thanh Hoá. CLB Thanh Hoá không dùng tôi nhưng vẫn đòi tôi phải trả tiền, vì tôi có ứng tiền của họ mấy trăm triệu. Thực ra tiền ứng nằm trong hợp đồng, ký sẽ có tiền, giờ không dùng nên họ bắt tôi phải trả lại.

Nếu như thời điểm ấy mạng xã hội phát triển, truyền thông phát triển như bây giờ tôi tin chắc tôi sẽ được bảo vệ. Ai đúng ai sai chưa biết nhưng phải theo lẽ phải.

Tôi từng được SLNA chào đón, nhưng lại bị CLB Thanh Hóa gây khó dễ, vì thế việc chuyện về SLNA đã không thành. Lúc đó tôi bị buộc nghỉ thi đấu, rất ấm ức. Giờ chuyện cũng đã qua rồi nên tôi không muốn lật lại hay kiện tụng gì, nhưng tôi tin rằng mình không làm gì sai cả.

Thế lúc nhận lời làm trợ lý HLV ở Hải Phòng?

- Đó cũng là câu chuyện dài. Ngay sau khi quyết định bỏ bóng đá chuyên nghiệp, tôi quay trở về thi đấu cho đội bóng phong trào Văn Minh ở Nghệ An. Tuy nhiên không lâu sau đó (tháng 11/2014),  tôi lại nhận lời làm chuyên viên marketing của một thương hiệu đồ uống Nga. Nhiệm vụ của tôi là phát triển thương hiệu cũng như quản lý hàng trăm nhân viên marketing khác tại khu vực từ Đà Nẵng ra phía Bắc. Đây cũng là giai đoạn tôi phải bươn chải để kiếm sống. Tôi vừa mở quán nhậu phủi, vừa làm công việc marketing, dù bận rộn với biết bao công việc là thế, nhưng niềm đam mê với trái bóng tròn vẫn chưa khi nào mất.

Tháng 6/2019, tôi xin nghỉ ở doanh nghiệp dù khi đó mức lương rất nhiều người mơ ước để theo học lớp bằng C huấn luyện do VFF tổ chức.

Niềm vui đến với tôi vào những ngày cuối năm 2020, khi tôi được lãnh đạo CLB Hải Phòng ngỏ lời mời về làm trợ lý cho HLV Phạm Anh Tuấn. Lúc đó là những ngày giáp tết 2020, vợ chồng tôi vào Đà Lạt mua hoa tươi về Vinh để bán. Khi xe vừa đặt chân đến tỉnh Lâm Đồng, thì tôi nhận được cuộc điện thoại của anh Phạm Anh Tuấn mời tôi về làm trợ lý HLV cho anh ấy. Tôi mừng lắm và nhận lời ngay. Rất nhanh, tôi đã mua được hoa về cho vợ, và nói với vợ là quay trở lại với bóng đá. Chỉ còn mấy ngày nữa là đến tết, tôi tạm biệt gia đình vợ con, ôm ba lô ra Hải Phòng làm nhiệm vụ. Trong lòng tôi lúc đó rất khao khát và tự nhủ cơ hội đã đến với tôi rồi...

Về với Hải Phòng, tôi trở thành trợ lý, có tiếng nói trong BHL, được các cầu thủ tin tưởng tuyệt đối. Thu nhập có thể chưa cao nhưng tôi "được sống trọn vẹn với đam mê thì không có gì hạnh phúc bằng. Có mệt nhưng tôi thích cái mệt mà bóng đá đem lại". Không dễ gì để có thể nghĩ rằng mình sẽ quay lại với bóng đá. Nhưng sau đó, do không phù hợp với triết lý của đội bóng và cũng không hợp với lãnh đạo ở đây, nên tôi cũng đã xin nghỉ.

Cựu tuyển thủ bóng đá quốc gia, HLV Lê Quốc Vượng: "Vượt giông bão trả nợ bóng đá" - Ảnh 14.

Quay trở lại với thời điểm Lê Quốc Vượng giải nghệ bóng đá, Vượng đã tính toán như thế nào về kịch bản sau này của mình? Việc về nhà đi bán rượu, rồi vợ chồng mở cửa hàng hải sản, rồi đi làm cho nhà xe Văn Minh, đấy có phải khoảng thời gian khó khăn của Vượng không?

- Đúng thế, thời đó tôi đã làm lơ xe, bốc vác hàng hóa cho Công ty Văn Minh, lương tháng 6 triệu đồng, nhà 3 miệng ăn nên rất khó khăn. Cha mẹ vợ đã hỗ trợ tôi rất nhiều thời gian đó, hỗ trợ nhiều nhất trong việc chăm cháu ngoại. Ông bà thi thoảng lại cho cháu hộp sữa, bịch bỉm, tôi mang ơn lắm.

Cũng qua giai đoạn đó mà tôi biết quý trọng đồng tiền, vượt qua mặc cảm sẵn sàng làm bất kỳ việc gì chính đáng để nhận về đồng tiền xứng đáng. Ngày xưa, khi nói đến cầu thủ SLNA, nói đến Lê Quốc Vượng là mọi người đều biết tôi ăn chơi, tiêu tiền như nước. Nay, những đồng tiền mình làm ra bằng giá trị thực của mình nên tôi mới thấy giá trị của nó.

Khi đi bốc hàng cho nhà xe Văn Minh một vài người nhận ra tôi. Tôi nghĩ mình cũng thuộc dạng người lì lợm, gặp người khác chắc xấu hổ hoặc không thể đi làm được nghề bốc vác như vậy. Nhưng tôi chấp nhận làm những việc tôi thấy đúng đắn.

Đó là quãng thời gian đáng giá, không hề đáng tiếc. Nhờ thời khó khăn đó mà nay tôi biết lo cho vợ con và luôn nghĩ về gia đình.

Cựu tuyển thủ bóng đá quốc gia, HLV Lê Quốc Vượng: "Vượt giông bão trả nợ bóng đá" - Ảnh 15.

Thời Vượng dính vào vòng lao lý, tôi nhớ mãi hình ảnh của bố anh, khi ông là người đi vay từng đồng tiền để đến tòa và sau này vào trại giam thăm con. Tôi nghĩ ngoài bóng đá, người anh "mắc nợ" nhiều nhất phải là gia đình, là bố anh?

- Vì sai lầm của tôi mà bố tôi đang trẻ đã suy nghĩ nhiều đến bạc trắng đầu. Đó là bài học đắt giá của cuộc đời mình, vì thế tôi luôn đưa ra nhắc nhở, lấy mình làm mẫu để nhắc nhở học trò. CLB Hòa Bình lên hạng, tôi vui, nhưng tôi vui hơn khi những học trò của mình trở thành niềm tự hào của gia đình, của tỉnh Hòa Bình và cả Tây Bắc.

Các em còn trẻ, không khỏi có dính đến những thói xấu như nghiện game, cờ bạc online…, nhưng khi vào tay tôi lại trở thành ngoan, hiểu chuyện. Mỗi khi phụ huynh các em gọi điện cảm ơn tôi, tôi thấy rất hạnh phúc, tự hào. Cũng đúng thôi, bố mẹ nào khi gửi gắm con cái cho người đàn ông có nhiều vết nhơ như tôi mà không ít nhiều lo ngại. Nhưng trải qua thời gian chung sống, làm việc với nhau, họ đã phải thầm cảm ơn tôi vì đã đào tạo, dạy dỗ con em họ tốt hơn, sống có ích hơn cho đội bóng, cho gia đình.

Tôi đã nói với mẹ tôi rằng điều tôi vui nhất ở đội bóng là góp phần dạy cho các bạn trẻ nên người.

Anh dành thời gian cho gia đình như thế nào?

- Tuần rồi tôi mới về nhà sau 3 tháng ở Hòa Bình. Vợ tôi một mình nuôi 3 đứa con. Cũng may vợ tôi ủng hộ đam mê của tôi. HLV nào chả buồn khi đội đá không có điểm, vợ động viên tôi là anh cứ làm hết sức của anh là được, rồi đi về có vợ con đồng hành… Những lời động viên như thế làm tôi cảm thấy có người đồng cảm và hiểu tôi, chấp nhận hy sinh để tôi theo đam mê bóng đá.

Là người Nghệ, anh có thể lý giải tại sao rất nhiều người Nghệ mê bóng đá?

- Nghệ An là tỉnh nghèo, đa phần trẻ con không có gì để vui chơi, đam mê. Hạn hán, đồng hoang cỏ mọc vô tình thành nơi có thể đá bóng. Có sân rồi, đám trẻ chỉ cần quả bóng nhựa hay thậm chỉ một trái bưởi đã có thể chơi đùa. Bóng đá là trò chơi rẻ tiền và sẵn có, chơi nhiều thành mê, thành nghiện.

Vì thế Nghệ An có nhiều trẻ em chơi bóng và chơi bóng giỏi. Các em, các cháu sau này tuy có điều kiện về vui chơi, thể thao, giải trí hơn, nhưng bóng đã lúc này đã thành một niềm đam mê của nhiều em nhỏ như bản sắc, truyền thống của quê hương xứ Nghệ.

Cựu tuyển thủ bóng đá quốc gia, HLV Lê Quốc Vượng: "Vượt giông bão trả nợ bóng đá" - Ảnh 16.

Cựu tuyển thủ bóng đá quốc gia, HLV Lê Quốc Vượng: "Vượt giông bão trả nợ bóng đá" - Ảnh 17.

Ngược dòng thời gian mấy chục năm trước, anh có nhớ lý do hay động lực chính để anh chọn công việc, sự nghiệp là cầu thủ bóng đá? Ai là đội bóng anh yêu thích, HLV nào có ảnh hưởng đến công việc của anh bây giờ?

- Bố tôi là cựu cầu thủ, tôi có gen bóng đá và mê bóng đá từ nhỏ. World Cup 1990, lúc đó tôi 7 tuổi đã có thể tự thức dậy lúc 2 giờ sáng để xem bóng đá, nếu lỡ ngủ quên không xem được tôi sẽ khóc nức nở vì tiếc.

Cựu tuyển thủ bóng đá quốc gia, HLV Lê Quốc Vượng: "Vượt giông bão trả nợ bóng đá" - Ảnh 18.

Tôi thần tượng Maradona, nhưng năm đó Đức thắng Argentina. Thấy thần tượng  của mình và đội bóng yêu thích thua, tôi đã bật khóc tức tưởi. Tuy nhiên, sau đó tôi nghĩ rằng đội có thể khiến Maradona khóc ắt hẳn phải rất mạnh, bản lĩnh nên từ đó tôi quan tâm và dần trở thành fan ruột của tuyển Đức.

Từ niềm đam mê, kỹ năng thiên bẩm và sự huấn luyện của bố, dần dần tôi đã đi lên con đường cầu thủ một cách rất tự nhiên.

Còn về HLV, mỗi người tôi thích một chút, tôi thích lối tấn công của Pep Guardiola, thích pressing của Jürgen Klopp, tôi cũng thích bậc thầy về phòng ngự là HLV José  Mourinho. Nhưng nói thật, làm HLV, tôi vẫn thích tấn công hơn.

Nhắc đến HLV Nguyễn Hữu Thắng, tôi thấy cầu thủ nào của xứ Nghệ cũng đều dành cho ông ấy sự tôn trọng. Vượng cũng vậy. Vì sao thế? HLV Nguyễn Hữu Thắng có ảnh hưởng như thế nào đến tính cách, con người và công việc của Lê Quốc Vượng?

- Tôi rất thích HLV Nguyễn Hữu Thắng (hiện là HLV tạm quyền CLB Bóng đá TP.HCM). Anh Thắng là người có thành tựu, là hình mẫu để tôi hướng đến, ở anh ấy có rất nhiều điều để tôi học tập.

Thời còn cầu thủ, anh ấy là trung vệ thi đấu hết sức chắc chắn, tỉnh táo và chất thủ lĩnh ở CLB cũng như đội tuyển rất rõ. Tiếng nói của anh ấy rất có trọng lượng. 

Còn ở vai trò HLV, anh ấy là người mà tôi phải nhìn vào đấy để không ngừng phấn đấu. Anh ấy đã có sự nghiệp đỉnh cao, được mời đi làm HLV đội tuyển Quốc gia - là đỉnh cao của nghề nghiệp, đàn em như chúng tôi ai cũng phải nhìn vào để ngưỡng mộ, học tập. Rồi cuộc sống bên ngoài của anh ấy cũng không có tì vết. Đây chắc chắn là người mà chúng tôi sẽ noi gương, học hỏi...

Nhưng tôi không thể là anh Thắng được. Có học theo tôi cũng không thể như anh ấy. Tôi thường xem có gì hay của anh ấy để có thể áp dụng vào vào công việc của mình không, chứ không thể bê nguyên hình mẫu của anh. Tôi không thể bắt cầu thủ Hoà Bình của tôi tập và thi đấu như CLB Man City.

Cựu tuyển thủ bóng đá quốc gia, HLV Lê Quốc Vượng: "Vượt giông bão trả nợ bóng đá" - Ảnh 19.

Có khi nào, Vượng so sánh bản thân với bạn bè, với những người cùng bước ra sân cỏ với mình nhưng hiện nay có rất nhiều người đã và đang rất thành công ở nhiều khía cnh?

- Tôi thực sự vui vì thấy các bạn bè đồng trang lứa của mình thành công. Tôi mừng cho Phạm Văn Quyến, Phan Văn Tài Em, Quốc Anh... Nhưng tôi cũng phải nhìn vào đó để phấn đấu. Tôi từng vấp ngã, nhưng chuyện đó đã qua, đó là sai lầm chứ không phải bản chất của con người tôi. Tôi đang làm lại, vất vả hơn người khác, nhưng tôi tin chỉ cần mình đủ tâm huyết sẽ có kết quả. Tôi cũng là người thực tế, không ảo tưởng bản thân để nghĩ những chuyện cao xa, luôn tập trung mục tiêu trước mắt. 

Tôi hạnh phúc vì mình có tinh thần, không chịu gục ngã trước số phận. Tinh thần của tôi khi còn cầu thủ là đá bóng để chiến thắng, luôn luôn chơi bóng để chiến thắng. Bây giờ ở vai trò của một HLV tôi cũng giữ mãi tinh thần đó.

Vượng là người trải qua rất nhiều các CLB: SLNA, HAGL, Viettel, Thanh Hóa, rồi U23, rồi đội tuyển quốc gia, rồi... đá bóng phủi. Đâu là quãng thời gian anh cho là đẹp nhất trong cuộc đời cầu thủ của anh?

- Tôi xuất thân ở lò SLNA đào tạo, chỉ muốn thi đấu ở đội bóng quê hương. Nhưng năm  đó tôi phải chuyển lên Hoàng Anh Gia Lai, vì tôi không phù hợp với triết lý của  đội SLNA. Lúc đó, HLV Nguyễn Thành Vinh có giới thiệu cho tôi 2 đội bóng có thể đến thi đấu: một là Đà Nẵng, hai là Hoàng Anh Gia Lai. Tôi về Hoàng Anh Gia Lai chắc cũng vì tính cách của mình. Hôm tôi đang ở Hà Nội, bác Nguyễn Bá Thanh, lúc đó là Bí thư Đà Nẵng có mời tôi lên phòng làm việc ở 37 Hùng Vương để mời tôi về. Tôi vào phòng bác ấy, bác ấy bảo nếu về Đà Nẵng sẽ trả tôi 15 triệu/tháng, rồi thành phố sẽ tạo điều kiện bán cho miếng đất theo giá nhà nước để định cư.

Tôi xin bác về cho nhà suy nghĩ. Và suy nghĩ nhiều lắm. Mức lương và chế độ của Đà Nẵng lúc đó là mơ ước của mọi cầu thủ. Còn nếu về Gia Lai lúc ấy lại  đang có quá nhiều hảo thủ, nào là  "Zico Thái Lan" Kiatisuk, Dusit, Sakda, Hữu Đang, Văn Đàn, Phi Hùng… Trong khi, lương họ trả chỉ khoảng 6 triệu/tháng thôi.

Vậy nhưng cuối cùng tôi lựa chọn đầu quân cho HAGL. Tôi muốn lên đấy để cạnh tranh với những cầu thủ hay nhất của Việt Nam cũng như của Đông Nam Á thời bấy giờ. Tôi quyết tâm phải được đá chính để chứng minh giá trị của mình, để SLNA buộc phải gọi tôi về. Trong đầu tôi lúc ấy chỉ nghĩ phải cố gắng cạnh tranh vị trí bằng được, chứ không phải là tiền bạc. Đấy mới đúng là con người, cá tính của tôi.

Và cuối cùng, trong một trận đấu, từ băng ghế dự bị tôi được vào sân ở phút 75. Từ đó trở đi, tôi chính thức giành suất đá chính. Đây là sự khẳng định của mình, mọi thứ do mình quyết định. Từ đấy tôi mới toả sáng, bắt đầu lên tuyển, có những năm suýt đoạt QBV. Đây có lẽ là những năm tháng đẹp nhất cuộc đời cầu thủ của tôi.

Cựu tuyển thủ bóng đá quốc gia, HLV Lê Quốc Vượng: "Vượt giông bão trả nợ bóng đá" - Ảnh 20.

Vượng năm nay cũng đã tròn 40 tuổi và anh cũng gần 30 năm theo nghiệp của trái bóng tròn. Bóng đá đã mang lại cho Vượng tiền tài, sự nổi tiếng nhưng cũng mang về cho Vượng nhiều sự tủi hổ, buồn bã và nhiều năm tháng sống trong giông bão ca cuộc đời. Nếu được lựa chọn lại, Lê Quốc Vượng có theo bóng đá hay không?

- Tôi đến với bóng đá như sự lựa chọn bản năng. Sau biến cố và giai đoạn khó khăn, có thời gian tôi đi bán bia rượu, lương rất cao, cao hơn nhiều thu nhập cầu thủ nhưng sau đó tôi lại chọn nghỉ ngang để quay lại bóng đá. Bóng đá là tình yêu, đam mê cả đời tôi, nên cho dù được chọn lại mấy lần thì tôi vẫn yêu trái bóng.

Tôi đã vinh nhục cùng trái bóng và tôi sẽ cố gắng hết sức mình để bạn bè, gia đình tự hào về tôi, tất nhiên là vẫn cùng trái bóng tròn.

Tôi tự thấy rằng mình có món nợ với bóng đá và tôi sẽ cố gắng, cam chịu vất vả để trả món nợ này. Món nợ bóng đá này không thể trả trong một sớm một chiều, còn tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng đấy là đích tôi sẽ phải đi, có thể tôi sẽ vất vả hơn người khác nhưng tôi vẫn phải hoàn thành nó. Đây là tâm nguyện của cuộc đời tôi bây giờ.

Xin cảm ơn Quốc Vượng về cuộc trò chuyện thú vị này!

Cựu tuyển thủ bóng đá quốc gia, HLV Lê Quốc Vượng: "Vượt giông bão trả nợ bóng đá" - Ảnh 21.

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem