Đà Lạt: Ra ngõ là gặp bạt ngàn nhà kính, được gì và mất gì?

Phong Lâm Thứ sáu, ngày 25/10/2019 09:00 AM (GMT+7)
Việc phát triển nhà kính ồ ạt nhưng chưa có quy định ràng buộc chặt chẽ khiến cho cảnh quan, khí hậu cũng như đặc trưng của TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) đang dần bị mất đi. Nhưng cũng không thể phủ nhận được những giá trị to lớn mà công nghệ nhà kính mang lại, vì vậy làm sao để phát triển hài hòa là một bài toán khó đối với chính quyền địa phương.
Bình luận 0

Nhà kính “bạt ngàn”

Trước đây, Đà Lạt được xem là thành phố mộng mơ với những cánh rừng thông vi vu gió thổi, khí hậu trong lành, mát lạnh. Thế nhưng gần đây, chính những người dân sống lâu năm, sinh ra tại Đà Lạt cũng phải kêu ca vì thời tiết nắng nóng. Đến thành phố mộng mơ bây giờ có một đặc trưng nữa là nhà kính “bạt ngàn”.

Theo thống kê, toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 4.500ha nhà kính, 1.222ha nhà lưới, riêng TP Đà Lạt có khoảng 2.800ha nhà kính (chiếm hơn 60% tổng diện tích nhà kính toàn tỉnh). Dạo quanh một vòng khu vực các con đường tập trung nhiều nhà kính như Vạn Kiếp, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Nguyên Tử Lực, Cách Mạng Tháng Tám, Lữ Gia, Mê Linh, Thái Phiên, Vạn Thành, Trạng Trình…

Người dân không khó để thấy sự ngột ngạt, hầm hập nóng bởi nhà kính gây ra. Cũng trên những con đường này, nếu đi vào những giờ nắng nóng người đi đường cũng có thể nhận rõ mùi thuốc BVTV nồng nặc xộc vào mũi. Một người dân tại phường 9, TP. Đà lạt cho biết, nếu trồng rau ngoài trời, 1 vụ phun ít nhất 10 lần thuốc BVTV, nếu trồng trông nhà kính thì giảm còn khoảng 6 lần/vụ.

img

Một người dân phun thuốc BVTV cho rau trồng bên trong nhà kính tại khu vực phường 8 (TP. Đà Lạt).

Theo Kiến trúc sư Trần Văn Việt – Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Lâm Đồng, việc xây dựng nhà kính hiện nay hầu như không được quản lý, không ai cấp phép mà người dân làm tự phát. Nhiều khi nhà kính còn che dấu những công trình, nhà ở trái phép bên trong mà không bị phát hiện xử lý. Khi tháo dỡ nhà kính thì đã có sẵn những công trình nhà ở từ lâu, đặt cơ quan chức năng và chính quyền địa phương vào việc đã rồi.

“Xử lý vấn đề nhà kính là một việc khó, cần nhiều thời gian, đòi hỏi phải có sự quản lý chặt chẽ, đồng bộ và lồng ghép trong nhiều chương trình khác nhau như tuyên truyền, mở rộng mô hình nông nghiệp sinh thái, chính quyền ban hành những chế tài, quy định để phục vụ cho việc quản lý.

Bên cạnh đó, chính quyền có thể không cho phép xây dựng nhà kính trong các thửa đất nằm trong khu dân cư…Nếu được như vậy, Đà Lạt mới trở về đúng nghĩa là thành phố du lịch, đô thị cảnh quan, thành phố trong rừng và rừng trong thành phố”, ông Trần Văn Việt chia sẻ.

Phá vỡ cảnh quan Đà Lạt

Trao đổi về vấn đề tác động tiêu cực của việc sử dụng và phát triển đại trà nhà kính, nhà màng trong sản xuất nông nghiệp ở Đà lạt, PGS.TS Nguyễn Mộng Sinh – Nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng nhận định: “Việc xây dựng nhà kính mang tính chất phong trào, đại trà, hàng loạt với mật độ cao đã phá vỡ cảnh quan của Đà Lạt, đóng góp vào việc làm tăng hiệu ứng nhà kính, là nguyên nhân chủ yếu của sự xói mòn thoái hóa đất đai trong sản xuất nông nghiệp và lũ ống, ngập lụt như đã xảy ra ngày 8/8 vừa qua...".

Theo TS Sinh, đã đến lúc và không thể muộn hơn cần có sự tỉnh táo khoa học, cầu thị trong việc đánh giá nhìn nhận thực trạng và nguy cơ của những bước đi phát triển nhà kính chưa được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng...

img

Chúng ta cũng không thể phủ nhận những lợi ích về kinh tế, xã hội, phát huy các thành phần công nghệ cao mà nhà kính mang lại. 

PGS.TS Nguyễn Mộng Sinh cho rằng trước hết và quan trọng nhất là phải thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm. Không nên tiếp tục coi nhà màng, nhà kính là hợp phần thiết yếu, là biểu tượng của nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Đà Lạt.

Theo thống kê của Đài khí tượng thủy văn tỉnh Lâm Đồng, 30 năm trở lại đây, nền nhiệt độ trung bình của Đà Lạt đã có sự tăng lên đáng kể từ 0,2 đến 0,6 độ C. Song song với đó thì lượng mưa tại thành phố ngàn hoa cũng bị tăng theo (khoảng gần 100mm/năm).

img

Nhà kính được xây dựng dày đặc khu vực núi Hòn Bồ, phường 12, TP. Đà Lạt.

Trong khi đó, tiến sĩ Phạm S – Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng, trong thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp mang tính đột phá, bền vững, khắc phục việc phát triển tự phát về nhà kính hiện nay để giải quyết hài hòa lợi ích kinh tế và lợi ích môi trường.

"Nhà kính giúp tạo ra năng suất cao trong phát triển kinh tế, giảm chi phí lao động, góp phần hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo tiểu vùng khí hậu phù hợp với yêu cầu sinh thái cây trồng, nâng suất cao, chất lượng tốt, chủ động thời vụ…", ông Phạm S phân tích.

Chính các vấn đề nêu trên, các đơn vị liên quan cần tổ chức sản xuất đồng bộ, chỉ nên phát triển nhà kính đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật. Tăng cường liên kết sản xuất để doanh nghiệp làm hạt nhân tổ chức sản xuất quy chuẩn đồng bộ; doanh nghiệp hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ kinh phí cho nông dân làm nhà kính đủ chuẩn, nông dân sản xuất cung cấp sản phẩm lại cho doanh nghiệp theo mô hình liên kết chuỗi giá trị, vì nông dân bị hạn chế nguồn lực tài chính nên đầu tư nhà kính không đủ chuẩn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem