Đà Nẵng: Cận Tết người làm vàng mã sản xuất cầm chừng

Tuyết Nhung - Trần Hậu Thứ năm, ngày 21/01/2021 14:07 PM (GMT+7)
Dịp Tết Nguyên đán là vụ làm ăn lớn nhất trong năm của những hộ sản xuất vàng mã. Nhưng năm nay tình hình mua bán ảm đạm hơn những năm trước, sức mua giảm nên không khí sản xuất của các cơ sở vàng mã tại TP Đà Nẵng kém phần nhộn nhịp, nhiều nhà nghề không khỏi ngao ngán.
Bình luận 0

Sức mua vàng mã giảm mạnh

Đốt vàng mã là nghi lễ dựa trên tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên có từ lâu đời của người Việt, mang ý nghĩa tâm linh. Đặc biệt vào dịp cận Tết Nguyên đán có nhiều lễ cúng như: cúng ông Công ông Táo, cúng Tất niên, cúng giao thừa, cúng giải hạn….nên sẽ có nhiều đồ mã đi kèm là điều không thể thiếu trong các nghi lễ này.

Đà Nẵng: Cận Tết sức mua giảm, người làm vàng mã sản xuất cầm chừng - Ảnh 1.

Dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, các cơ sở vàng mã làm ít hơn mọi năm và sản xuất cầm chừng.

Chuẩn bị hàng hóa cho dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, cơ sở sản xuất vàng mã Loan Tuấn (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) hoạt động tất bật để cung cấp cho thị trường đa dạng các mẫu mã, kiểu dáng. Nhiều mặt hàng đã được làm trước đó vài tháng để kịp đáp ứng nhu cầu tăng cao của khách hàng cận Tết.

Đà Nẵng: Cận Tết sức mua giảm, người làm vàng mã sản xuất cầm chừng - Ảnh 2.

Việc làm vàng mã giúp nhiều người có thêm mức thu nhập từ 150.000-250.000 đồng/người/ngày.

Bà Nguyễn Thị Loan (48 tuổi), chủ cơ sở vàng mã Loan Tuấn than thở: "Sản xuất vàng mã thì không sợ ế, tuy nhiên năm nay sức mua giảm mạnh vì dịch Covid-19. Đến dịp cận Tết Nguyên đán 2021 thì lượng hàng bán ra sụt giảm khoảng 40% so với trước, người dân có tâm lý thắt chặt chi tiêu. Nhiều mối sỉ không dám mua trữ hàng, còn đợi nghe ngóng tình hình nên kinh doanh khá ảm đạm".

Đà Nẵng: Cận Tết sức mua giảm, người làm vàng mã sản xuất cầm chừng - Ảnh 3.

Theo các chủ cơ sở sản xuất vàng mã, năm nay sức mua giảm mạnh.

Vào dịp cận Tết những năm trước, cơ sở của bà Loan chất đầy nhà các sản phẩm vàng mã, tăng ca đến 1-2 giờ sáng, nhưng hiện nay chỉ làm cầm chừng. Xu hướng người tiêu dùng Tết năm nay là mua các món đồ nhỏ có giá dao động từ 20.000-40.000 đồng, những món đồ to và đắt tiền như: ngựa, xe, nhà…rất hiếm người đặt làm.

Đà Nẵng: Cận Tết sức mua giảm, người làm vàng mã sản xuất cầm chừng - Ảnh 4.

Những bộ đồ đã được dán sẵn trước đó, đến cận Tết người làm sẽ hoàn thiện đủ bộ gồm: quần, áo, mũ, dép…(tùy loại).

Bà Loan cho biết, năm trước kinh tế chung khá nên mọi người mua sắm thoải mái hơn, năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên thu nhập giảm sút, chi tiêu tiết kiệm. Thay vì đặt mua bộ đồ ông Thần lớn giá 150.000 đồng, thì người dân mua bộ nhỏ khoảng 40.000 đồng để cúng. Bên cạnh đó, người tiêu dùng đang dần thay đổi thói quen đốt quá nhiều vàng mã, chỉ sử dụng ở mức đủ lễ nghĩa trong mâm cúng.

Mẫu mã bắt mắt vẫn kém người mua

Dịp cận Tết Nguyên đán, bà Loan tạo việc làm thời vụ cho khoảng 10 lao động, chủ yếu là chị em nội trợ trong vùng. Vì sức mua sắm vàng mã Tết năm nay khá dè chừng, nên công suất làm việc không nhộn nhịp như trước. Nếu chăm chỉ cắt, rắp, dán đồ vàng mã thì mỗi công nhân được trả từ 150.000-250.000 đồng/ngày.

Đà Nẵng: Cận Tết sức mua giảm, người làm vàng mã sản xuất cầm chừng - Ảnh 5.

Cơ sở sản xuất vàng mã Cương Ly hoạt động kém nhộn nhịp hơn Tết mọi năm.

Ông Tuấn bộc bạch, rằm tháng 4 và tháng 7 vừa qua hầu như vàng mã không bán được, hoạt động sản xuất cũng bị tạm ngưng. Vì thế ông làm sẵn một số mặt hàng, đến cận Tết thì làm tiếp các công đoạn hoàn thiện sản phẩm. Thời điểm này năm ngoái bạn hàng liên tục gọi hối thúc, nhưng năm nay khá yên ắng vì sỉ không dám trữ, sức mua giảm mạnh dù giá vàng mã không biến động nhiều.

Đà Nẵng: Cận Tết sức mua giảm, người làm vàng mã sản xuất cầm chừng - Ảnh 6.

Đồ vàng mã là sản phẩm tâm linh nên người làm phải khéo léo, tỉ mỉ để hoàn thiện chỉn chu và đẹp mắt.

Tỉ mỉ tạo khung cho bộ đồ Thần, chị Trần Thị Ly (31 tuổi), chủ cơ sở sản xuất vàng mã Cương Ly tâm sự: "Kinh tế chung khó khăn nên người tiêu dùng hạn chế chi tiêu, khiến sản phẩm vàng mã các loại bán khá chậm trong dịp Tết này. Các đại lý thì lo sợ dịch Covid-19 tái phát thì hàng sẽ không chạy, nên chỉ nhập số lượng ít. Tôi chủ yếu làm các loại đồ Thần, ông Táo, ít có đơn hàng đặt làm sản phẩm theo yêu cầu".

Đà Nẵng: Cận Tết sức mua giảm, người làm vàng mã sản xuất cầm chừng - Ảnh 7.

Rất ít người đặt làm các sản phẩm đắt tiền, cầu kỳ trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu.

Để kịp hàng cung ứng cho thị trường dịp cao điểm, nhiều cơ sở phải tăng cường hoạt động cả ngày lẫn đêm. Nhưng dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 này năng suất sụt giảm, mẫu mã bắt mắt hơn nhưng vẫn kém người mua. 

Đang chuẩn bị giao hàng cho khách, anh Trần Mai Cương cho hay, dịp cận Tết Nguyên đán anh xuất bán 400 bộ đồ Thần mỗi ngày, giảm khoảng 30% so với năm ngoái. Anh chủ yếu bỏ sỉ cho nhiều cửa hàng trên địa bàn TP Đà Nẵng, nhưng tình hình kinh tế khó khăn nên nhiều bạn hàng mua nhỏ giọt. Cơ sở của anh cũng làm hạn chế về số lượng, giảm nhân công và buôn bán ảm đạm hơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem