Đà Nẵng: Cây mía Hòa Bắc bế tắc đầu ra, cả đồng mới có 1 ruộng bán được

Tuyết Nhung - Vương Nguyễn Thứ tư, ngày 24/06/2020 13:15 PM (GMT+7)
Cánh đồng mía thuộc xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) được biết đến là vùng chuyên canh mía lâu năm, cũng là cây trồng chủ lực của hàng trăm hộ dân. Thế nhưng vụ mía năm nay, nông dân trồng mía ở Hòa Bắc lo đến mất ăn mất ngủ vì mía đang vào vụ thu hoạch nhưng đầu ra thì chưa thấy đâu.
Bình luận 0

Nông dân "làm giàu" cho thương lái

Mía ở Hòa Bắc được nông dân trồng luân phiên trong một năm nhằm đảm bảo cung cấp đủ mía phục vụ du lịch, giải khát mùa hè. Thế nhưng từ sau Tết Nguyên đán, dịch Covid-19 bùng phát đã khiến cho hàng trăm nông dân trồng mía ở Hòa Bắc lâm cảnh điêu đứng vì không tiêu thụ được. Nhiều cánh đồng mía bị bỏ mặc, dần chết khô...

Mía Hòa Bắc bế tắc đầu ra - Ảnh 1.

Một ruộng mía hiếm hoi ở Hòa Bắc được thương lái thu mua. Ảnh: V.N

Bà Lê Thị Thanh - nông dân trồng mía tại thôn Phò Nam buồn bã nói: "Nhà tôi trồng có vài sào mía dự kiến sẽ bán vào tháng 3, nhưng vì dịch Covid-19 mà mía bán rất chậm, thương lái không thu mua. Dù đốn mía về ép nước bán thì cũng không đủ lời. Mía quá vụ không ai mua, bà con chỉ biết nhìn ruộng mía chết khô dần, chuột cắn phá, cây đổ ngã".

Từ lâu, tại cánh đồng mía Hòa Bắc như có một quy định riêng là mía tại đây chỉ được bán cho các thương lái thu mua từ những mùa trước, giá cả, số lượng đều do họ đưa ra. Đầu ra cho cây mía vì thế khiến bà con phụ thuộc hoàn toàn vào doanh nghiệp, thương lái.

Theo đó, một bó mía (25 cây) được thu mua tại ruộng giá 50.000 đồng. Nhưng khi mía vừa được chất lên xe, chuyển đi tiêu thụ thì giá đã đội lên 70.000-100.000 đồng/bó. Bình quân mỗi sào mía, nông dân thu được 90 bó (2,7 tấn), thu được khoảng 5 triệu đồng, trừ đi mọi chi phí bà con chỉ lãi từ 2-3 triệu đồng/sào/năm.

"Toàn xã Hòa Bắc có khoảng hơn 170ha mía, với hơn 350 hộ dân trồng. Chính quyền địa phương cũng đang tìm các giải pháp để hỗ trợ tiêu thụ mía cho bà con".

Ông Thái Văn Hoài Nam –

Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc

Ông Lộc - một người dân trú ở thôn Nam Yên bộc bạch, tuy nông dân Hòa Bắc trồng mía nhiều, nhưng cây mía không đem lại nguồn kinh tế ổn định cho bà con, mà chỉ làm giàu cho thương lái. Thế nhưng, so với trồng lúa và hoa màu thì cây mía đỡ tốn công và chi phí chăm sóc hơn nên nhà nào cũng trồng vài sào, kết hợp với làm nhiều công việc khác như: Đốn mía thuê, phụ hồ, phát rừng, đốn keo…

Cũng theo ông Lộc, những cánh đồng mía tại hai thôn Phò Nam, Nam Yên đều thuộc giống mía K92, ROC16 kháng sâu bệnh tốt, cây mía đẹp, nước mía ép ra có màu vàng sáng, ngọt thanh. Mía Hòa Bắc được tiêu thụ rộng rãi ở Đà Nẵng, Huế, Quảng Bình…

Loay hoay tìm thị trường tiêu thụ

Theo tìm hiểu của phóng viên, cánh đồng mía Hòa Bắc gần như cho thu hoạch quanh năm, mỗi vụ kéo dài khoảng 10 tháng. Mía bán chạy nhất là vào mùa hè, nắng nóng, do nhu cầu uống nước mía giải khát tăng cao. Vào khoảng tháng 8, bà con ít trồng mía trái vụ (mía muộn) nên mía bán được giá hơn (55.000-60.000 đồng/bó).

Tuy nhiên, hai năm gần đây trên địa bàn không có lũ lụt, đất trồng mía ven sông Cu Đê không được bồi đắp phù sa, đất xấu nên nông dân canh tác không đạt sản lượng, bỏ ruộng khiến diện tích trồng mía giảm đi.

"Nhất là gần 10 năm nay, giá một bó mía cũng chỉ 50.000 đồng thì còn mấy ai mặn mà với nó? Cho nên, dù là cây nông nghiệp chủ lực của xã Hòa Bắc nhưng mía không giúp đời sống kinh tế các hộ dân khấm khá hơn. Thêm vào đó, vì không có đầu ra ổn định nên nông dân chỉ biết trông chờ vào thương lái, họ báo giá bao nhiêu, nông dân cũng chỉ biết ngậm ngùi bán giá đó" - anh Hồ Tăng Học - Trưởng thôn Nam Yên tâm sự.

Một bó mía (25 cây) được thu mua tại ruộng giá 50.000 đồng. Nhưng khi mía vừa được chất lên xe, chuyển đi tiêu thụ thì giá đã đội lên 70.000-100.000 đồng/bó. Bình quân mỗi sào mía, nông dân thu được 90 bó (2,7 tấn), thu được khoảng 5 triệu đồng, trừ đi mọi chi phí thì bà con chỉ lãi từ 2-3 triệu đồng/sào/năm.

Cũng theo anh Học, trước đây bà con được tập huấn trồng giống mía đường để bán cho nhà máy sản xuất đường cát. Khi ấy, một số hộ hào hứng tham gia mô hình, nhưng rồi kết quả cũng không đi đến đâu vì đầu ra hạn hẹp. Ngoài ra, thôn cũng cử người đi học nghề nấu đường bát, khôi phục lại lò đường nhưng vì không có thị trường tiêu thụ, giá bán không đủ lời nên bà con cũng chán nản, bỏ nghề.

Một nông dân trồng mía nói: "Bình quân mỗi sào mía thu hoạch được 90 bó, cao lắm được 100 bó, tương đương với 5 triệu đồng. Lời lãi từ cây mía thấp, lại phụ thuộc vào thương lái nên mùa nào bà con cũng bị ép giá, khổ lắm. Nông dân chúng tôi chỉ hy vọng chính quyền quan tâm, giúp đỡ tìm đầu ra ổn định cho cây mía Hòa Bắc để bà con bớt lao đao".

Được biết, từ năm 2017, bà con nông dân ở Hòa Bắc được hỗ trợ chuyển đổi trồng cây ăn quả như: Mít Thái, bưởi, chuối lùn. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả kinh tế cao thì mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng sản phẩm và tìm thị trường tiêu thụ ổn định vẫn luôn là bài toán nan giải cho các cấp ngành địa phương.

"Toàn xã Hòa Bắc có khoảng hơn 170ha mía, với hơn 350 hộ dân trồng. Vừa qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên người dân trồng mía gặp rất nhiều khó khăn về đầu ra sản phẩm. Tuy nhiên, sau khi dừng biện pháp giãn cách xã hội thì đầu ra của sản phẩm mía dần tốt lên, chính quyền địa phương cũng đang tìm các giải pháp để hỗ trợ tiêu thụ mía cho bà con" - ông Thái Văn Hoài Nam – Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc thông tin. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem