dd/mm/yyyy

Đà Nẵng chấm dứt việc nuôi cá lồng bè trên 2 sông kể từ ngày 1.1.2018

Đà Nẵng khẳng định, kể từ ngày 1.1.2018, nếu còn tình trạng nuôi trồng thủy sản tại khu vực sông Cẩm Lệ và Cổ Cò, Chủ tịch UBND các quận theo địa bàn quản lý chịu trách nhiệm trước UBND Đà Nẵng.

Trước đó, vào ngày 8.11, UBND thành phố Đà Nẵng có Công văn giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an thành phố, UBND các quận tiếp tục thông báo, giải thích, yêu cầu các hộ dân chấm dứt việc nuôi trồng thủy sản trên các sông Cẩm Lệ và Cổ Cò trước ngày 29.12.2017. Đồng thời, giao UBND quận Ngũ Hành Sơn chủ trì, phối hợp với UBND các quận Cẩm Lệ, Hải Châu và các đơn vị liên quan thống nhất phương án xử lý, tổ chức xử lý dứt điểm việc nuôi trồng thủy sản tại các sông.

Nguyên nhân việc chấm dứt nuôi cá lồng bè trên sông Cẩm Lệ và Cổ Cò mà UBND thành phố yêu cầu thực hiện trong thời gian qua là khu vực này nói trên đang phải gánh chịu nguồn nước mưa lẫn nước thải sinh hoạt của người dân thành phố. Không những làm cá chết hàng loạt, mà còn gây lo ngại mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Hơn nữa, hai sông này thường hứng chịu lưu lượng lũ xả về từ các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn, làm cá dễ chết gây thiệt hại cho người nuôi.

Theo thống kê, dọc khu vực sông Cẩm Lệ và sông Cổ Cò hiện có khoảng 100 hộ nuôi cá với tổng cộng hơn 100 lồng bè. Trong đó, đông nhất là tại địa bàn phường Hòa Cường Nam (quận Hải Châu) với 50 hộ. Phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ) và các địa phương khác có hơn 70 lồng bè.

Theo chủ trương của UBND thành phố về việc chấm dứt nuôi cá lồng bè trên các sông Cẩm Lệ và Cổ Cò trước ngày 29.12.2017. Trong tháng 11 và 12.2017, UBND phường Hòa Cường Nam đã mời 50 hộ nuôi cá lồng bè đến họp, thông báo chủ trương, đối thoại và đề nghị người dân có kế hoạch chấm dứt nuôi.

Người dân khẳng định thời hạn chấm dứt nuôi cá lồng bè trên sông là khó khả thi do đã nuôi cá từ nhỏ lên, phải chờ cá lớn để xuất lồng đem bán. Hơn nữa, nhiều hộ dân đã vay vốn lớn để làm lồng bè, nuôi cá giống, nên cũng cần có thêm thời gian nuôi cho thu hoạch, trả dần nợ.

Đồng thời, người dân muốn được đối thoại với lãnh đạo thành phố để hỏi việc nuôi cá ở các sông khác có được phép hay không, kiến nghị quy hoạch và hỗ trợ mặt nước cho người dân tiếp tục nuôi cá lồng bè.

Bà Phạm Thị Thanh Thủy, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Cường Nam, cho biết: Các hộ nuôi cá lồng bè cho rằng thời hạn nêu trên là quá cấp bách, vì thế kiến nghị thành phố gia hạn thời gian để chờ cho lứa cá đang nuôi kịp lớn xuất lồng đem bán. Đồng thời, kiến nghị cho người dân lộ trình để tính toán việc thu hoạch, bán lồng bè trả nợ vay nuôi cá.

Phường Hòa Xuân cũng đã tổ chức họp với các hộ nuôi cá lồng bè nhằm thông báo chủ trương và vận động người dân chuyển đổi ngành nghề, thực hiện chủ trương cấm nuôi cá lồng bè trên sông. Người dân kiến nghị được tiếp tục nuôi cá lồng bè ở khu vực quy hoạch trên sông vì số vốn đầu tư làm lồng bè rất lớn và không biết làm nghề gì sau khi chấm dứt nuôi cá trên sông.

Bà Hồ Thị Cẩm Nhung, Chủ tịch UBND phường Hòa Xuân, thông tin: “Sắp tới, phường sẽ phối hợp với các cơ quan đến từng hộ dân để tiếp tục thông báo chủ trương và vận động. Địa phương sẽ tập trung vận động người dân chuyển đổi ngành nghề, chấm dứt nuôi cá lồng bè trên sông Cẩm Lệ và Cổ Cò theo chủ trương của UBND thành phố”.

Trong khi đó, ông Huỳnh Cự, Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn cho biết, chính quyền quận đã mời các hộ nuôi cá lồng bè đến thông báo chủ trương của UBND thành phố và vận động chuyển đổi ngành nghề. Sau ngày 31.12.2017, quận thành lập tổ vận động bà con chuyển đổi ngành nghề và chấm dứt nuôi cá trên hai sông. Theo ông Cự, mặc dù bà con còn nhiều ý kiến khác nhau, nhưng đây là chủ trương của UBND thành phố, không phải người dân không biết nên sẽ tiếp tục vận động để người dân đồng thuận, chấp hành.

Hoàng Sa