Đà tăng giá vàng có thể "mắc kẹt" giữa lãi suất và đồng USD tăng mạnh

Thứ bảy, ngày 23/07/2022 21:32 PM (GMT+7)
Theo các chuyên gia, đà tăng giá vàng vẫn bị mắc kẹt giữa lạm phát và suy thoái kinh tế gia tăng với lãi suất tăng mạnh, đồng USD mạnh và nhu cầu yếu theo mùa.
Bình luận 0

Trong khi giá vàng thế giới ghi nhận tuần tăng đầu tiên trong 6 tuần qua, giá vàng trong nước chứng kiến một tuần "nhảy múa" từ vùng giá 68 triệu đồng xuống 63 triệu đồng và hồi phục về 66 triệu đồng một lượng.

Theo các chuyên gia, đà tăng giá vàng vẫn bị mắc kẹt giữa lạm phát và suy thoái kinh tế gia tăng với lãi suất tăng mạnh, đồng USD mạnh và nhu cầu yếu theo mùa.

Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần 23/7, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 64,7 – 66,22 (mua vào – bán ra), tăng 700 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 400 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.

Với mức giá đóng cửa này, giá vàng trong nước giảm 1,65 triệu đồng/lượng trong cả tuần. Trong khi đó, biên độ giao động mua - bán trong tuần cũng được điều chỉnh tăng mạnh, có thời điểm lên tới 2 triệu đồng/lượng.

Ông Trần Xuân Dũng, Trưởng phòng Kinh doanh vàng miếng, Tập đoàn Vàng bạc đá quý Phú Quý cho biết, các đơn vị kinh doanh đang giãn biên độ mua bán để tránh rủi ro khi thị trường cho thấy dấu hiệu không ổn định.

Trước đó, thị trường vàng trong nước ghi nhận những phiên giảm sốc. Đáng chú ý là phiên giao dịch đầu tuần 18/7 khi mở cửa phiên giá vàng ở ngưỡng 68 triệu đồng/lượng, sau đó nhanh chóng "bốc hơi" gần 4 triệu đồng/lượng chỉ trong vài giờ khi bước sang phiên chiều.

Các ngày giao dịch sau đó từ 19 - 21/7, giá vàng liên tục tăng giảm đan xen với khoảng cách chênh lệch khoảng 1 triệu đồng/phiên. Trước khi đà tăng duy trì ổn định trở lại từ hôm qua (22/7) sang hôm nay (23/7).

Trong khi đó, đồng USD suy yếu và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ giảm đã giúp giá vàng thế giới phục hồi trong tuần qua, dứt chuỗi 5 tuần đi xuống liên tiếp.

Kết thúc phiên cuối tuần, tại sàn giao dịch COMEX (Mỹ), giá vàng giao ngay tăng 0,2%, lên 1.721,29 USD/ounce. Như vậy, giá vàng này tăng khoảng 1% trong cả tuần qua, đánh dấu tuần tăng đầu tiên trong sáu tuần. Giá vàng giao kỳ hạn cũng tiến 0,8%, lên 1.727,4 USD/ounce.

Giá vàng phục hồi nhờ lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm suy giảm. Góp phần thúc đẩy sức hấp dẫn của vàng đối với những người mua nước ngoài là việc chỉ số đồng USD ghi nhận tuần giảm đầu tiên trong 4 tuần khi dữ liệu kinh tế gây thất vọng của Mỹ làm giảm kỳ vọng vào việc Fed sẽ nâng lãi suất thêm 1 điểm phần trăm tại cuộc họp chính sách ngày 26-27/7.

Ông Phillip Streible, chiến lược gia thị trường cấp cao tại Blue Line Futures, nhận định: "Đồng USD suy yếu, cổ phiếu tăng trưởng sụt giảm và lợi suất giảm đều đang hỗ trợ vàng".

Theo ông Phillip Streible, mặc dù cuộc họp của Fed có khả năng là "một sự kiện gây biến động mạnh" đối với vàng, nhưng cũng có thể sẽ không chứng kiến đợt tăng lãi suất mạnh như dự kiến. Vàng cũng có thể tìm thấy hỗ trợ từ thị trường vật chất phản ứng nhanh về giá và nếu nguy cơ suy thoái kinh tế sâu sắc hơn.

Tuy nhiên, nhà phân tích Suki Cooper của ngân hàng Standard Chartered (Vương quốc Anh) cho biết, vàng vẫn bị mắc kẹt giữa lạm phát và suy thoái kinh tế gia tăng với lãi suất tăng mạnh, đồng USD mạnh và nhu cầu yếu theo mùa.

Về nhu cầu vàng trong nước, Phó Tổng giám đốc Công ty Vàng Việt Nam Nguyễn Thế Hưng nhận định, vàng cũng là hàng hoá và có tính chu kỳ. Theo thông thường chu kỳ đối với mặt hàng này, đáy hàng năm thường rơi vào mùa hè, sau đó tăng trở lại vào cuối năm khi nhu cầu vật chất tăng trở trong dịp cưới xin, lễ Tết ở các thị trường tiêu thụ vàng lớn như Ấn Độ và Trung Quốc, thậm chí Việt Nam.

Phó Tổng giám đốc Công ty Vàng Việt Nam khuyến nghị, tại thời điểm này, nhà đầu tư và người dân nên nắm giữ vàng ở mức tỷ trọng khoảng 5 - 10% trong danh mục đầu tư.

P.V (bnews.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem