Đã thanh toán điện tử sao còn đòi chứng từ giấy?

Song Hà Thứ tư, ngày 03/07/2019 18:45 PM (GMT+7)
Sẽ là nghịch lý khi các chủ trương, chính sách của Nhà nước đang hướng đến một xã hội không tiền mặt, thúc đẩy thanh toán điện tử qua ngân hàng hoặc các đơn vị trung gian thanh toán (TGTT)... nhưng song song đó vẫn tồn tại những quy định đi ngược xu thế kiểu “thanh toán điện tử vẫn phải có chứng từ giấy”.
Bình luận 0

img

Theo thống kê của NHNN, hiện có 29 tổ chức TGTT đã được cấp phép hoạt động (Ảnh minh họa)

Đầu năm nay, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 02 chỉ đạo các địa phương trong năm 2019 yêu cầu 100% trường học, bệnh viện, công ty điện, công ty cấp, thoát nước, công ty vệ sinh môi trường, các công ty viễn thông, bưu chính trên địa bàn đô thị phối hợp với các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để thu học phí, viện phí, tiền điện... bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), ưu tiên giải pháp thanh toán trên thiết bị di động, thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ.

Đây cũng là lần đầu tiên giải pháp TTKDTM được Chính phủ “đặt hàng” áp dụng cho nhiều bộ ngành, địa phương đến vậy. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của chính sách này đối với việc cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Tuy nhiên theo các tổ chức TGTT, việc triển khai áp dụng phương thức TTKDTM đối với một số dịch vụ công vẫn chưa hoàn toàn thuận lợi. Đơn cử như dịch vụ thu nộp thuế điện tử. Thời gian qua, các đơn vị như NAPAS, Ví điện tử MoMo, VinID đã đề xuất với Bộ Tài chính và Tổng Cục thuế các giải pháp thu nộp thuế điện tử mới, song đến nay vẫn chưa được chấp nhận và triển khai do gặp nhiều vướng mắc về cơ chế pháp luật.

Bởi theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính tại các thông tư 110/2015; 84/2016; và 328/2016, có 2 vấn đề gây ra vướng mắc. Thứ nhất, các văn bản trên chỉ quy định cho các NHTM tham gia thủ tục nộp thuế điện tử theo cơ chế uỷ nhiệm thu hoặc phối hợp thu, chưa mở rộng phạm vi cho các tổ chức TGTT. Thứ hai, các văn bản trên chỉ công nhận hiệu lực của chứng từ nộp thuế do ngân hàng cấp. Do đó, tổ chức TGTT nếu có tham gia thủ tục cũng không thể cung cấp chứng từ nộp thuế hợp lệ cho người nộp thuế cũng như cơ quan quản lý.

Cần nhắc lại rằng chỉ cách đây hơn nửa tháng, Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã chính thức được Quốc hội thông qua với hơn 91% đại biểu tán thành. Việc thông qua dự Luật này được kỳ vọng sẽ tạo ra một bước tiến mới trong việc thực hiện chính sách thuế.

Đặc biệt, tại Khoản 2, Điều 11 quy định:“Nhà nước tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển công nghệ và phương tiện kỹ thuật tiên tiến để áp dụng phương pháp quản lý thuế hiện đại, thực hiện giao dịch điện tử và quản lý thuế điện tử; đẩy mạnh phát triển các dịch vụ thanh toán thông qua hệ thống ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác để từng bước hạn chế các giao dịch thanh toán bằng tiền mặt của người nộp thuế” -  như vậy đã “rộng cửa” và tạo nhiều cơ hội hơn cho các tổ chức TGTT tham gia vào việc thanh toán thuế điện tử.

Thực tế là quan điểm tiến bộ trên đã được giữ nguyên vẹn từ Luật Quản lý thuế trước đây. Ngay từ thời điểm Chính phủ và Bộ Tài chính có những động thái ủng hộ phát triển TTKDTM, trò chuyện với đại diện một số doanh nghiệp TGTT, không ít người tỏ ra khá lạc quan và bày tỏ sẵn sàng đầu tư hạ tầng đồng bộ để phát triển dịch vụ, kịp thời đón đầu các chính sách của cơ quan quản lý.

Thế nhưng diễn biến hiện nay lại cho thấy, cơ chế thực thi tại các văn bản dưới luật vẫn đang “đóng cửa” với các đơn vị TGTT.

Trên thực tế, những vướng mắc này không phải lần đầu xuất hiện. Trước đó, Bộ Tài chính từng có tiền lệ cho phép tổ chức TGTT được tham gia thu nộp lệ phí trước bạ ô tô, xe máy theo quy định thí điểm tại Thông tư số 05/2018. Tuy nhiên cho đến nay đơn vị đầu tiên được phép thực hiện là NAPAS vẫn chưa triển khai được do cơ quan đăng ký (thuộc Bộ Công an) không chấp nhận chứng từ điện tử do tổ chức TGTT phát hành mà yêu cầu phải có chứng từ giấy.

“Các tổ chức TGTT ưu việt hơn ở chỗ giảm chứng từ giấy, từ đó giảm chi phí quản lý, song các giao dịch đều được lưu lại đầy đủ trên hệ thống với độ bảo mật cao. Nếu đã xác định điện tử hoá, sao lại yêu cầu phải có chứng từ giấy?”, đại diện một tổ chức TGTT đặt vấn đề.

Rõ ràng, trong điều kiện hiện nay, việc cho phép các tổ chức TGTT tham gia thủ tục thu nộp thuế điện tử là phù hợp với chủ trương của Chính phủ về khuyến khích TTKDTM, ứng dụng CNTT cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho DN và người dân cũng như mở rộng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. 

Tuy nhiên, từ chủ trương, quy định đúng cho đến việc cụ thể hóa trong các thông tư, nghị định hướng dẫn lại luôn là một khoảng cách rất dài, thậm chí không ít lần bị bỏ qua.

Việc chậm “mở cửa” cho các TGTT tham gia dịch vụ thu nộp thuế điện tử nhiều khả năng cũng sẽ làm chậm một nhịp đối với các chính sách cải thiện môi trường đầu tư. Bởi được biết, với việc mở rộng dịch vụ này, các tổ chức TGTT muốn hướng tới nhóm đối tượng chính là cá nhân và hộ kinh doanh nhỏ.

Hiện trên cả nước có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh, với quy mô nhỏ, năng lực nhiều hạn chế, nhóm đối tượng này rất cần có các chính sách quản lý phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất để hoạt động song vẫn thực thi đầy đủ nghĩa vụ với Nhà nước. Thời gian qua, Chính phủ cũng đã nhiều lần bày tỏ quyết tâm “nuôi lớn” và chuyên nghiệp hoá hoạt động của hộ kinh doanh để nhóm này tham gia vào đội ngũ doanh nghiệp trong tương lai.

Tất nhiên, để hiện thực hóa được quyết tâm đó cần rất nhiều giải pháp quản lý đồng bộ, mà quản lý thuế sẽ là một trong những vấn đề phải được chú trọng nhất.

Theo thống kê của NHNN, hiện có 29 tổ chức TGTT đã được cấp phép theo Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó phổ biến nhất là hình thức ví điện tử với hơn 10 triệu người dùng trên toàn quốc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem