Đặc sản kẹo gì ở xứ Quảng ăn vào sẽ nhớ mãi?
Trò chuyện cùng phóng viên Etime, anh Hải chia sẻ, do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, nên anh Hải phải bỏ dở chương trình phổ thông, ra Đà Nẵng làm công cho một sơ sở sản xuất bánh kẹo để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Gần 5 năm làm lụng, tích góp được ít kinh nghiệm và vốn liếng, năm 2005 anh quyết định về quê lập nghiệp bằng chính nghề anh đã học hỏi được. Cơ sở có tên Ngọc Hải sản xuất được nhiều loại bánh kẹo khác nhau nhưng sản phẩm chính là kẹo đậu phộng.
Anh Hải cho biết về quy trình làm kẹo đậu phộng: sau khi lựa bỏ những hạt đậu lép, hạt sâu và rửa sạch, chờ cho nồi nước đường được nấu hỗn hợp bằng đường bát, mạch nha và gừng tươi đặc quánh thì đổ đậu phộng vào trộn đều tay. Trong khi nấu cần phải nhỏ lửa để cho hạt đậu chín đều, nước đường cô đặc dần và hạt đậu ngấm vị ngọt của mật mía.
Khi đậu trong nồi nổ lốp bốp thì nhanh tay dùng vá múc trải lên cái bánh tráng đã đặt sẵn. Sau đó cán đều, rắc mè đã rang chín lên bề mặt, để nguội, úp hai chiếc bánh tráng đã trải đậu vào với nhau, dùng kéo cắt làm đôi, để nguội rồi bỏ vào bao bì, đóng gói. Kẹo đậu phộng của cơ sở Ngọc Hải được ưa chuộng tại thị trường các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng với mức tiêu thụ bình quân 1,5/tạ kẹo thành phẩm/ngày.
Cơ sở sản xuất bánh kẹo của anh Đặng Ngọc Hải không chỉ giải quyết số lượng lớn đậu phộng có đầu ra ổn định, giúp bà con nông dân an tâm sản xuất, tăng thu nhập mà còn giải quyết việc làm cho 8 lao động thường xuyên và 6 lao động thời vụ.
Ngoài được bao cơm nước mỗi ngày, những người làm việc tại đây được nhận lương từ 4 - 6 triệu đồng/người/tháng. Riêng những người làm việc theo thời vụ thì được nhận tiền công với mức 200 nghìn đồng/người/ngày. Mỗi tháng sau khi trừ chi phí anh Hải lãi từ 25-30 triệu đồng, nhờ sản xuất kẹo đậu phộng.
Sản phẩm kẹo đậu phộng Ngọc Hải được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao tỉnh Quảng Nam năm 2019, theo Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm".